Chủ nhật 22/12/2024 22:51

Ngành Công Thương Hải Phòng: Khẳng định vị thế cực tăng trưởng vùng kinh tế động lực phía Bắc

Phát triển công nghiệp theo hướng công nghệ cao; thương mại ngày càng văn minh, hiện đại, ngành Công Thương Hải Phòng đã và đang tích cực đóng góp cho sự phát triển kinh tế thành phố.
Đóng góp tích cực cho kinh tế thành phố

Theo ông Bùi Quang Hải - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hải Phòng, thời gian qua, ngành công nghiệp thành phố phát triển mạnh, theo hướng công nghiệp công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường; giữ vai trò chủ lực trong nền kinh tế Hải Phòng, khẳng định vị trí trung tâm công nghiệp lớn, có tính cạnh tranh cao của cả nước.

Hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp (KCN) được đầu tư phát triển nhanh theo hướng đồng bộ, hiện đại với 13 KCN, tổng diện tích 6.556ha; 7 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích là 250ha. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 20,64%/năm, gấp 1,47 lần mục tiêu Nghị quyết Đại hội XV đề ra (14%/năm). Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP tăng từ 25,12% năm 2015 lên 38,97% năm 2020. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo tăng nhanh từ 16,4% năm 2015 lên 45,5% năm 2020.

Đặc biệt, giai đoạn 2016 - 2020, công nghiệp thành phố đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, đầu tư vào các lĩnh vực chế tạo, sản xuất có giá trị kinh tế cao, như: Tập đoàn LG (Hàn Quốc) đầu tư trên 6 tỷ USD; Tập đoàn Vingroup đầu tư và hoàn thành Nhà máy Sản xuất ôtô Vinfast, tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ USD, tạo sự chuyển biến cơ bản trong cơ cấu lại ngành công nghiệp thành phố.

Song song với đó, hoạt động thương mại phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ logistics phát triển khá nhanh, khai thác và phát huy vai trò cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc. Trong những năm qua, thành phố đã thu hút được các dự án đầu tư, kinh doanh hạ tầng thương mại có quy mô lớn như Vincom, Aeonmall, Nguyễn Kim...

Hạ tầng thương mại tiếp tục được hiện đại hóa với 11 trung tâm thương mại, 25 siêu thị, 154 chợ, 150 cửa hàng tiện ích, 9 kho xăng dầu, 3 trung tâm logistics. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 36,4%/năm, năm 2020 đạt 20,38 tỷ USD, gấp 4,72 lần năm 2015, vượt trước 1 năm mục tiêu Nghị quyết Đại hội XV đề ra là 12 - 17 tỷ USD vào năm 2020; thị trường xuất khẩu tiếp tục mở rộng, từ 107 thị trường lên 126 thị trường. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 12,53%/năm, năm 2020 đạt 144.696,6 tỷ đồng, gấp 1,81 lần so với năm 2015.

Để đạt được những thành tích này, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực Công Thương được quan tâm chỉ đạo. Sở Công Thương Hải Phòng đã tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện các nghị quyết, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn; phát triển CCN; đảm bảo cân đối cung - cầu thị trường hàng hóa; tổ chức điều hành cung ứng điện hợp lý, đảm bảo đủ công suất cấp điện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân thành phố.

Những thành tựu của ngành Công Thương đã góp phần vào thành công chung của địa phương cũng như của ngành Công Thương cả nước. 5 năm qua, Hải Phòng là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của cả nước. GRDP tăng bình quân 13,94%/năm, gấp 2,06 lần tốc độ tăng chung của cả nước, năm 2020 chiếm 5,1% GDP cả nước. Đặc biệt, ngành Công Thương đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của thành phố và cả nước. GRDP công nghiệp, thương mại chiếm khoảng trên 51% GRDP toàn thành phố. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu TP. Hải Phòng chiếm tỷ trọng 6,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước, đứng thứ 5 toàn quốc. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chiếm 2,85% so với của cả nước; đứng vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng chỉ số thương mại điện tử của các địa phương trong nước.

Sản xuất, kinh doanh phát triển góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn người lao động trên địa bàn và một số tỉnh lân cận như Hải Dương, Thái Bình, Quảng Ninh, Hưng Yên... Năm 2020, các doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương tiếp tục có những đóng góp lớn cho ngân sách thành phố, như Công ty Vinfast nộp ngân sách trên 5.000 tỷ đồng, Công ty TNHH LGE trên 400 tỷ đồng, Công ty CP Nhiệt điện trên 580 tỷ đồng, Công ty Xi măng Chinfon trên 200 tỷ đồng, Công ty CP Nhựa TNTP trên 200 tỷ đồng... Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2020 đạt 50.000 tỷ đồng, chiếm trên 59% tổng số thu ngân sách trên địa bàn.

Nhiều hành động cho mục tiêu lớn

Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ và thành phố, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đối với ngành Công Thương, thành phố đã xác định mục tiêu: Xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh và bền vững; trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao; trung tâm thương mại lớn, đồng bộ, có sức cạnh tranh cao của cả nước, góp phần quan trọng vào tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố, tạo vị thế của thành phố trong vai trò trung tâm của vùng, cả nước và hội nhập quốc tế.

Ông Bùi Quang Hải nhấn mạnh, để hiện thực hóa mục tiêu trên, Sở Công Thương tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Một là, tiếp tục cơ cấu lại ngành công nghiệp thành phố theo hướng tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn: Cơ khí chế tạo; điện tử - tin học. Tham mưu cho thành phố ban hành các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện phát triển công nghiệp, thương mại thành phố; phát triển công nghiệp hỗ trợ, hạ tầng kỹ thuật CCN; phát triển các cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị công nghiệp; phát triển hạ tầng thương mại, thương mại điện tử và dịch vụ logistics.

Hai là, quản lý, thực hiện hiệu quả Quy hoạch phát triển điện lực TP. Hải Phòng; Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, kịp thời cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Ba là, thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, triển khai hiệu quả Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2021 - 2025, khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA, RCEP... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.

Bốn là, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của ngành, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, cải cách hành chính; quan tâm đến ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và giải quyết công việc.

Quý I/2021, GRDP TP. Hải Phòng tăng 13,22% so với cùng kỳ, gấp 2,95 lần bình quân chung của cả nước; trong đó, ngành Công Thương tiếp tục có những đóng góp quan trọng, các chỉ tiêu của ngành đạt mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ: Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 18,29%; kim ngạch xuất khẩu đạt 5,72 tỷ USD, tăng 25,15%, chiếm 7,4% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.
Bùi Huyền - Kim Chi
Bài viết cùng chủ đề: Thành phố Hải Phòng

Tin cùng chuyên mục

Ngành Công Thương: Đổi mới, sáng tạo, đoàn kết, phát huy truyền thống 70 năm vẻ vang

Ngành Công Thương Việt Nam- Mãnh liệt một niềm tin!

Thủ tướng Chính phủ gửi thư chúc mừng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh gửi thư chúc mừng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương

Bộ Công Thương hoãn tổ chức Lễ Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống

Chủ động hạn chế rủi ro từ các vụ kiện phòng vệ thương mại

Petrolimex Thanh Hóa: Sáng ngời gương người tốt, việc tốt

Ngành Công Thương Tuyên Quang: Chung sức đưa địa phương hội nhập

Ngành Công Thương Bắc Ninh: Mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao

Dấu ấn của lực lượng quản lý thị trường trên mặt trận chống buôn lậu

Cục Hóa chất: Hoàn thiện chính sách, góp phần phát triển ngành công nghiệp hóa chất

Cục Quản lý thị trường Hòa Bình: Bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp và người tiêu dùng

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo: Tham mưu, quản lý năng lượng hiệu quả

Ngành Công Thương Cao Bằng: Khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh địa phương

Ngành Công Thương Hòa Bình: Động lực phát triển kinh tế địa phương

EVNGENCO 3: Chuyển đổi số nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh

Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của địa phương

Quản lý thị trường Lai Châu: Kiểm tra trọng tâm, trọng điểm

Giải Báo chí 70 năm ngành Công Thương: Tôn vinh các tác phẩm, nhóm tác phẩm và tập thể xuất sắc

Giải báo chí 70 năm ngành Công Thương Việt Nam: Quy tụ các tác phẩm báo chí chất lượng cao