Bàn về hồi phục các DN cà phê trong tình hình mới, các diễn giả tham dự Hội thảo trực tuyến “Các giải pháp phục hồi kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp cà phê trong nền kinh tế số”, tại Đắk Lắk, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tập đoàn Meta, tổ chức sáng ngày 26/11/2021, đã đưa ra những khuyến nghị nêu trên. Hội thảo được tổ chức nhằm giúp các DN cà phê nói chung, tại Đắk Lắk nói riêng, tiếp cận các giải pháp phục hồi kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, liên kết, phát triển chuỗi giá trị cà phê, chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ để phát triển bền vững.
Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2021 giảm khoảng 4,2% về khối lượng, nhưng lại tăng khoảng 5,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả này khẳng định, dù đại dịch tác động khó khăn, song giá trị của ngành hàng cà phê Việt Nam vẫn thu được những lợi ích gia tăng từ xuất khẩu.
Ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho biết: Các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP, mở ra những cơ hội lớn mở rộng thị trường cho cà phê Việt Nam. Chẳng hạn như thị trường EU, trong cam kết EVFTA, cà phê là nhóm hàng được ưu đãi cắt giảm thuế quan; trong CPTPP, cũng đã có 9 nước xóa bỏ ngay thuế quan đối với cà phê nguyên liệu và cà phê hòa tan khi hiệp định thực thi...
Ảnh minh họa |
Đại dịch khiến các chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, các nhà nhập khẩu đang có xu hướng trực tiếp tìm đến các nhà rang xay cà phê để tiếp cận nguồn cung. Nếu các DN cà phê của Việt Nam cải thiện được qui trình chế biến gắn với kinh tế tuần hoàn, đáp ứng các tiêu chuẩn của EU, sẽ có cơ hội rất lớn khai thác thị trường Bắc Âu còn rất nhiều tiềm năng đối với mặt hàng cà phê.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoa Cương, tất cả vẫn là tiềm năng, muốn khai thác hiệu quả cơ hội từ các FTA, các DN cà phê Việt Nam cần phải cải thiện rất nhiều năng lực, phải chủ động thay đổi để thích ứng các yêu cầu của thị trường. Không phải DN nào cũng có thể đủ năng lực để thích ứng cuộc chơi với các FTA thế hệ mới (EVFTA, CPTPP, RCEP…), nhưng vẫn có thể tham gia từng phần. “Một chiến lược hỗ trợ DN cà phê tận dụng cơ hội từ các FTA thế hệ mới, là rất cần thiết”, ông Cương chia sẻ.
Ông Huỳnh Ngọc Dương - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, cho biết, để thúc đẩy xuất khẩu nông sản (bao gồm cà phê) qua thương mại điện tử, Bộ Công Thương đã có chương trình hợp tác với Alibaba, Amazon hỗ trợ DN Việt Nam đưa hàng hóa nông sản (bao gồm cà phê) lên các sàn thương mại điện từ hàng đầu thế giới này. Đã có những DN Việt Nam phát triển DN số và xuất khẩu thành công qua các nền tảng thương mại điện tử Alibaba và Amazon.
Không chỉ khai thác thị trường qua Alibaba, Amazon… nhiều DN cũng đã tận dụng thành công nền tảng mạng xã hội facebook để kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa, trong đó có cà phê. Bà Vân Lê - Quản lý Chiến lược kinh doanh thị trường Việt Nam thuộc Tập đoàn Meta, cho biết: Các DN Việt Nam thành công trên facebook đều có chiến lược và tầm nhìn dài hạn, có kế hoạch và mục tiêu cụ thể khai thác nền tảng facebook, tận dụng thành công xu thế khách hàng số.
Bà Vân Lê nhận định, xu thế chuyển đối số của khách hàng vẫn tiếp tục diễn ra sau đại dịch, người tiêu dùng đón nhận các giao dịch kỹ thuật số sẽ tiếp tục gia tăng. Khảo sát của Meta với 16.700 người ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, cho thấy, hơn 50% hàng hóa giao dịch trực tuyến được thực hiện qua thương mại điện tử và nền tảng mạng xã hội. Khoảng 7/10 người tiêu dùng tại Việt Nam cho biết, sẽ sử dụng ứng dụng số để mua sắm. DN cà phê cần tận dụng triệt để các nền tảng công nghệ số, mạng xã hội, để tìm hiểu khách hàng, trên cơ sở đó đưa các sản phẩm và dịch vụ tiếp cận. Sản phẩm ngoài giá cả phải hợp lý, chất lưọng tốt, cần quan tâm đến tính bền vững và trách nhiệm xã hội của DN trong sản xuất, chế biến và thương mại.
Ông Trịnh Đức Minh - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, nhận định: Thị trường Bắc Âu có nhiều tiềm năng cho cà phê Việt Nam, song là thị trường khó tính nhất thế giới đối với cà phê nhập khẩu. Thị trường này chủ yếu sử dụng cà phê Arabica (nhập nguyên liệu để chế biến cà phê hòa tan) rất chú trọng đến truy xuất nguồn gốc, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Các DN Việt Nam còn bỏ ngỏ thị trường Bắc Âu, do Việt Nam chủ yếu sản xuất cà phê robusta.
Tuy nhiên, để thu hút khách hàng, có DN chế biến đã trộn cà phê arabica với robusta tạo ra hương vị mới, lạ, cũng được người tiêu dùng một số nước châu Âu ưa chuộng. Đó cũng là một cách tiếp cận khách hàng sáng tạo. Các DN cần chú trọng nâng cao năng lực chế biến, thông qua ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, chuyển đổi số để tiếp cận thị trường Bắc Âu theo hướng phát triển dòng sản phẩm cà phê đặc sản phù hợp thị hiếu của họ...