Thứ ba 29/04/2025 18:44

Nâng tầm cho tỏi Lý Sơn

Tỏi là cây trồng chủ lực tạo nguồn thu nhập chính cho nông dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Tuy nhiên năm 2019 do hạn hán kéo dài, tỏi mất mùa khiến người nông dân ở vương quốc tỏi gặp nhiều khó khăn. Chính quyền và các ngành chức năng  đang tìm mọi biện pháp tháo gỡ và nâng tầm cho cây tỏi, đảm bảo đời sống người dân đất đảo.
Người trồng tỏi ở huyện đảo Lý Sơn giúp nhau thu hoạch

Theo thống kê, hiện có gần 4.000 hộ nông dân trên đảo cũng cùng chung cảnh ngộ mất mùa tỏi. Mỗi sào tỏi người nông dân phải đầu tư trên dưới 15 triệu đồng, với hy vọng kiếm nguồn thu nhập khá từ cây trồng truyền thống thế nhưng từ Tết Nguyên đán đến nay là giai đoạn quan trọng để cây tỏi tạo củ nhưng thời tiết nắng hạn kèm sương muối và sâu bệnh gây hại khiến cây tỏi khô ráp và tóp củ, dẫn đến năng suất và sản lượng giảm. Huyện Lý Sơn đã giao cho các cơ quan chức năng xuống trực tiếp thực địa đánh giá sơ bộ năng suất, sản lượng để có số liệu chính xác để hỗ trợ.

Nắng hạn làm cây tỏi khô lá và tóp củ
Năng suất tỏi năm nay chỉ đạt 40-60%
Nhiều người nông dân không vui vì mất mùa tỏi

Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn - Nguyễn Quốc Việt cho biết: Hiện nay trên toàn huyện có khoảng trên 300 ha trồng tỏi. Năm 2018, tỏi tươi Lý Sơn đạt 2.700 tấn tỏi tươi, tỏi khô khoảng 2.000 tấn. Tuy nhiên năm 2019 hạn hán nắng nóng kéo dài, kèm sâu bệnh gây hại nên năng suất sản lượng tỏi năm nay chỉ đạt khoảng trên 1.200 tấn tỏi khô. Với mức giá hiện tại 30.000 nghìn đồng/kg tỏi tươi (loại nhỏ), 50.000 nghìn đồng/kg (loại to), theo ông Việt về giá, đây là mức giá có thể chấp nhận được nhưng do sản lượng thấp nên bà con trồng tỏi gặp nhiều khó khăn.

Chuyên chở tỏi từ ruộng về nhà

Chủ tịch Nguyễn Quốc Việt chia sẻ, huyện đang tính phương án hỗ trợ cho bà con. Vừa qua, Ban Thường vụ huyện ủy đã tập trung tổ chức cuộc họp chuyên chủ đề làm sao hỗ trợ cho người nông dân khi tỏi mất mùa.

Huyện cũng đã có văn bản chỉ đạo Hội Kinh doanh sản xuất chế biến hành tỏi Lý Sơn và các ngành, nhất là kiểm soát đầu cảng Sa Kỳ và các tư thương không đưa tỏi nơi khác về Lý Sơn. Huyện cũng đang tiến hành thực hiện đề tài khoa học chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn. Đến nay các bước thủ tục đã xong và đang hợp đồng với đơn vị tư vấn để khảo sát, đánh giá và cố gắng đến cuối 2019 chỉ dẫn đị lý tỏi Lý Sơn sẽ được thực hiện. Đây là bước chuyển để người tiêu dùng và người sản xuất tỏi Lý Sơn có nguồn gốc rõ ràng. Khi có chỉ dẫn này, huyện tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân cũng như bảo vệ thương hiệu tỏi Lý Sơn và nâng giá trị cho cây tỏi Lý Sơn.

Người dân tận dụng mọi khoảng đất trống để phơi và làm sạch tỏi

Bà Ngô Thị Việt, Kiểm sát viên Hội thương hiệu tỏi Lý Sơn cho hay: Những năm trước đây, tỏi lý Sơn mất giá và không giữ được thương hiệu do một số thương nhân đưa tỏi trồng nơi khác trà trộn bán phá giá, ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu sản phẩm, đồng thời gây tâm lý không tốt cho du khách và người sử dụng. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay huyện đã thành lập Đội kiểm soát viên, tuần tra liên tục ngoài cầu cảng nếu phát hiện việc trà trộn tỏi khác không rõ nguồn gốc thì thu giữ và lập biên bản, xử lí. Đội kiểm soát cũng đẩy mạnh tuyên truyền và đề nghị các hộ dân kinh doanh cam kết không thu mua tỏi từ nơi khác để bán.

Hộ nông dân cũng phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình
Khách du lịch sẽ thực sự yên tâm khi sử dụng tỏi Lý Sơn

Bên cạnh đó, để xây dựng thương hiệu tỏi Lý Sơn các sản phẩm khi bán ra cần phải truy xuất được nguồn gốc và phải có tem chống hàng giả. Từ thông tin trên bao bì, khách hàng có thể biết được sản phẩm tỏi của từng hộ nông dân, đã xuất bán hay chưa, nếu là tỏi giả thì hộ nông dân phải chịu trách nhiệm. Đây là biện pháp nhằm mục đích bảo hộ thương hiệu tỏi Lý Sơn theo quy định, đồng thời ngăn chặn hành vi gian lận thương mại. Và khi tỏi Lý Sơn có nguồn gốc rõ ràng. Giá trị tỏi Lý Sơn sẽ tăng cao và thương hiệu tỏi Lý Sơn sẽ được giữ vững trên thị trường.

Phạm Tiệp
Bài viết cùng chủ đề: tỉnh Quảng Ngãi