Thứ bảy 23/11/2024 22:43

Nâng hạn thị thực, ngành du lịch cần làm gì để giảm tình trạng khách “một đi không trở lại”?

Sau nâng hạn thị thực, ngành du lịch có điều kiện mở rộng cửa đón khách song vẫn còn rất nhiều việc phải làm để giảm tình trạng khách “một đi không trở lại”.

Cơ hội cạnh tranh thu hút khách du lịch

Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, thời hạn thị thực điện tử (e-visa) sẽ được nâng từ 30 lên 90 ngày.

Sau khi được cấp thị thực điện tử, trong 90 ngày người nước ngoài được nhập, xuất cảnh không giới hạn số lần, không phải làm thủ tục cấp thị thực mới. Luật cũng cho phép công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực được cấp tạm trú 45 ngày (quy định trước đó là 15 ngày) và được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định.

Đón nhận thông tin điều chỉnh về thị thực này, hầu hết các chuyên gia du lịch cũng như cộng đồng doanh nghiệp du lịch đều chung tâm trạng rất phấn khỏi, bởi theo họ chính sách mới về thị thực được đưa ra đúng thời điểm và đây cũng là điều mà những người làm du lịch đã chờ rất lâu để đến ngày này.

Ông Phạm Hải Quỳnh - Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam chia sẻ, khách nước ngoài, đặc biệt là khách châu Âu đến Việt Nam thường có hành trình dài mà quy định thị thực của Việt Nam quá ngắn nên du khách không đủ thời gian để trải nghiệm những giá trị đặc sắc của Việt Nam, đôi lúc chưa đến được với những sản phẩm hấp dẫn mong muốn. Do đó, nâng thời hạn thị thực là quyết định hết sức quan trọng.

Sau khủng hoảng nghiêm trọng do dịch Covid-19, ông Nguyễn Minh Mẫn - Giám đốc truyền thông, marketing Công ty TST Tourist phấn khởi nói, quyết định có ý nghĩa đối với thu hút khách du lịch của doanh nghiệp cũng như địa phương. Theo ông, điều này cho thấy, chúng ta đang có cơ hội cạnh tranh thu hút khách du lịch đến Việt Nam, ngành du lịch nói chung và doanh nghiệp du lịch nói riêng có thêm cơ hội để phục hồi hoàn toàn.

Với thủ tục đơn giản, thuận tiện, người nước ngoài không phải đến cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, không phải làm thủ tục đề nghị cấp thị thực qua khâu trung gian. Vì vậy, bà Phạm Phương Anh – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông du lịch Việt kỳ vọng, chính sách thị thực nhập cảnh mới có thể tác động làm tăng thêm lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam của công ty từ 5 - 25% mỗi năm.

Đối với Lux Group - đơn vị cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng du thuyền 5 sao thuộc nhóm trung hoặc cao cấp, do đa số khách hàng là người nghỉ hưu nên có xu hướng đi lâu, ở dài. Vì vậy, CEO Lux Group - ông Phạm Hà đánh giá đây là "một cú huých thực sự" và kỳ vọng sẽ giúp công ty này cải thiện 30% khi cao điểm du lịch của khách quốc tế bắt đầu vào tháng 9.

5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đón được 4,6 triệu khách quốc tế, đạt 58% kế hoạch, theo ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia (TAB), nếu chính sách nâng thời hạn thị thực điện tử và miễn thị thực được thực thi, tin chắc rằng Việt Nam không chỉ đón được 8 triệu mà có thể đón 12 triệu lượt khách quốc tế, tăng gấp 1,5 so với kế hoạch ban đầu ngành du lịch đặt ra. “Hơn thế, chính sách thị thực thay đổi thuận lợi không chỉ thúc đẩy việc thu hút khách du lịch đến Việt Nam mà còn tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư đến Việt Nam, mở rộng cơ hội hội chợ hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các nước” - ông Chính kỳ vọng.

Ngày 15/8/2023, khi Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực, ông Nguyễn Minh Mẫn cho hay, đây là cơ sở để các doanh nghiệp lữ hành thuộc nhóm inbound có thị trường khách ở các nước thông tin về quy định mới của chính sách visa tới khách du lịch, nhất là khách du lịch tại thị trường trọng điểm như châu Âu, Mỹ, Úc…; thông tin tới các khách hàng là các du khách dự định du lịch tới Việt Nam hoặc đang phân vân lựa chọn điểm đến.

Dự kiến số lượng khách sẽ tăng lên, một số doanh nghiệp lữ hành đã chủ động đàm phán với các đối tác cung ứng dịch vụ để phục vụ đảm bảo chất lượng khi số lượng khách tăng cao. Cùng với đó là tăng cường các chương trình xúc tiến, gặp gỡ, đàm phán với các đối tác quốc tế mới, chào bán các sản phẩm du lịch mới dựa trên các tiêu chí và quy định của chính sách visa thông thoáng, mở rộng…

Theo đại diện TAB, công tác truyền thông về chính sách thị thực của Việt Nam cần nhanh chóng đẩy mạnh, ngoài ngành du lịch cần sự hỗ trợ từ Bộ Ngoài giao để thông tin sâu rộng về thay đổi của chính sách tới khách du lịch, cũng như các công ty lữ hành quốc tế. “TAB cũng đã có khảo sát cho thấy vẫn còn nhiều trang web của các đại sứ quán chưa nêu đầy đủ sự đổi mới, thuận lợi của chính sách thị thực của Việt Nam. Do đó, nếu truyền thông làm tốt thì chúng ta mới phát huy hiệu quả chính sách của Quốc hội, Chính phủ”- ông Chính nói.

Ngành du lịch còn nhiều việc phải làm

Theo nghiên cứu của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), chính sách thị thực thuận lợi sẽ giúp tăng từ 15-25% khách du lịch, do vậy đại diện TAB cho rằng, ngành du lịch cũng đang mong muốn Chính phủ ban hành Nghị quyết về mở rộng thêm các nước, vùng lãnh thổ được áp dụng thị thực điện tử và miễn thị thực. Qua đó sẽ giúp ngành du lịch đa dạng hoá thị trường và các thị trường mục tiêu cũng sẽ được mở rộng hơn.

Tuy nhiên, ngay sau khi chính sách thị thực được điều chỉnh thông thoáng hơn, ngành du lịch đã có điều kiện mở rộng cửa đón khách nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, phải làm sao để có thể giữ chân khách lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn và đặc biệt là giảm tình trạng khách "một đi không trở lại" từ đó giúp cho doanh thu du lịch có đột biến hơn, đóng góp chung vào GDP của Việt Nam được nhiều hơn.

Giải pháp cho vấn đề trên, trước hết, ông Hoàng Nhân Chính chỉ rõ, cần phải nhanh chóng cải thiện công tác quảng bá du lịch. Do, thời gian qua, hoạt động xúc tiến, quảng bá hiệu quả du lịch Việt Nam chưa cao, thông tin nghèo nàn, cách tiếp thị chưa nhanh nhạy, chưa đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường. Vì thế, theo ông tới đây cần phải xúc tiến, quảng bá du lịch mạnh mẽ hơn và đúng thị trường mục tiêu hơn.

Đặc biệt, so với Thái Lan, Singapore, Việt Nam còn thiếu cơ quan xúc tiến, quảng bá du lịch ở nước ngoài để có thể khảo sát, nắm bắt nhu cầu, xu hướng du lịch của thị trường. Nên vị chuyên gia của TAB đề xuất cần sớm có mở văn phòng du lịch tại các thị trường trọng điểm là Tây Âu, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ…

Ngoài ra, so với nhiều nước trong khu vực, hiện mức chi tiêu của khách du lịch ở Việt Nam vẫn chưa cao, do Việt Nam chưa tận dụng hết không gian, thời gian của du khách và vì chúng ta thiếu sản phẩm, dịch vụ chất lượng đáp ứng đúng nhu cầu của du khách. “Trung bình khách du lịch đến Thái Lan chi tiêu cao gấp hai lần đến Việt Nam. Ngoài ra, tỷ lệ khách quay lại Việt Nam vẫn tương đối thấp, chỉ đạt 30% trong khi Thái Lan đạt 60-70%”- ông Chính so sánh.

Theo đó, để gỡ nút thắt sản phẩm du lịch, đại diện TAB cho hay, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có yêu cầu nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du khách cần chứ không chỉ giới thiệu sản phẩm chúng ta sẵn có. Muốn vậy, chúng ta cần tăng cường nghiên cứu thị hiếu, tâm lý, xu hướng du lịch của khách du lịch của từng thị trường, nhất là các thị trường mục tiêu, trọng điểm để xây dựng sản phẩm phù hợp.

Tiếp theo, ông Hoàng Nhân Chính nêu ý kiến rằng, khi đã mở rộng cửa cho khách đến thì mỗi địa phương, mỗi điểm đến phải tìm cách để họ ở lâu và kéo họ quay trở lại bằng việc thúc đẩy công tác quản lý chặt chẽ, bài bản, làm sao luôn tạo được một môi trường, một không gian trải nghiệm du lịch an toàn, thân thiện, mến khách...

Bảo Thoa
Bài viết cùng chủ đề: khách du lịch

Tin cùng chuyên mục

“Cấm” thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng: Có khả thi?

Bộ Công Thương làm việc cùng Hội đồng ngũ cốc Hoa Kỳ về hợp tác phát triển nhiên liệu sinh học

Nhà giáo trong kỷ nguyên số cần biến thách thức thành cơ hội để ngành giáo dục vươn mình

Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương tổ chức Lễ kỷ niệm truyền thống 50 năm

Gia Lai: Hỗ trợ cô giáo nghèo vượt qua gia cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống

Tiếp tục đề xuất giảm 2% thuế: Trợ lực 'tiếp sức' cho doanh nghiệp, kích cầu nền kinh tế

Bí quyết ‘cơ động’ của thầy Cường ‘động cơ’

Bộ Công Thương ban hành công điện về việc chủ động ứng phó với bão số 9 (bão Man-yi)

Từ thông điệp chống lãng phí của Tổng Bí thư suy ngẫm về việc xử lý thành công các dự án tồn đọng

Tặng quà nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam: Tôn vinh thực sự hay áp lực hình thức?

Khu thương mại tự do Đà Nẵng: Đâu là lời giải cho "bài toán" thu hút đầu tư?

TP. Hồ Chí Minh: Tiệm mì 0 đồng lan tỏa yêu thương của những chàng trai Hóc Môn

Trách nhiệm thi hành Thông tư quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ

Giải ngân vốn đầu tư công bứt tốc cuối năm để về đích

Bộ Công Thương ban hành Thông tư về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ

Bộ Công Thương đề xuất nghiên cứu đầu mối quản lý về công nghiệp thực phẩm

Bộ Công Thương rà soát, đánh giá kết quả thực hiện lộ trình phối trộn nhiên liệu sinh học

Cấm phân lô, bán nền có kiểm soát được thị trường bất động sản?

Bộ Công Thương làm việc với Trung tâm Nhiên liệu Xanh Toàn cầu về phát triển nhiên liệu sinh học

Bộ Công Thương kiểm tra công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại Hải Dương