Chống lãng phí ở nơi trụ cột của nền kinh tế Truyền thông quốc tế đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam tươi sáng |
Bức tranh kinh tế với gam màu sáng
Bức tranh kinh tế của Việt Nam năm 2024 sắp khép lại với sự ghi nhận ở nhiều kết quả tích cực, cho thấy những biện pháp tháo gỡ về cơ chế chính sách của Chính phủ thời gian qua đã phát huy tác dụng.
Minh chứng, trong bối cảnh rất nhiều biến động nhưng với nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, kinh tế Việt Nam là điểm sáng so với các nước trong khu vực với mức tăng trưởng lên đến 7%. Trước đó, nhóm nghiên cứu toàn cầu HSBC đã dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam thuộc mức cao nhất trong 6 nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á (bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan).
Thực tế, theo các tổ chức quốc tế, Việt Nam sẽ trải qua một giai đoạn tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và là đại diện Đông Nam Á duy nhất lọt vào top 10 các nền kinh tế mới nổi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với dự báo tăng trưởng 6,4% từ năm 2024 đến 2029.
Tăng trưởng kinh tế 2024 phục hồi ấn tượng với nhiều điểm sáng về sản xuất công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu. Đây sẽ là nền tảng bứt phá của nền kinh tế trong năm 2025. Ảnh: T.L |
Đáng mừng, sau nhiều năm lỡ hẹn, năm 2024, Việt Nam có thể đạt được và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Mức tăng trưởng GDP trên 7% đảm bảo chỉ tiêu GDP bình quân đầu người đạt 4.700 USD-4.730 USD.
Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam cả năm 2024 có thể đạt khoảng 782,33 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Xuất siêu ước đạt 23,53 tỷ USD.
Đặc biệt, trong cuộc cạnh tranh thương mại toàn cầu, quy mô nền kinh tế Việt Nam cũng đã có nhiều điểm sáng. Hiện Việt Nam đứng thứ 35 và thuộc nhóm 20 nước có quy mô thương mại hàng đầu thế giới, với xuất siêu chín năm liên tiếp. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng hội nhập mạnh mẽ với thế giới, được 73 nước công nhận nền kinh tế thị trường; đã ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do (CPTPP, EVFTA, RCEP...) với trên 60 quốc gia, đối tác lớn trên toàn cầu.
Xếp hạng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới tính từ năm 2019 đến nay (74%), và năm 2024 tăng thêm 1 bậc, xếp thứ 32/100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới, đạt 431 tỷ USD trong bảng xếp hạng của hãng Brand Finance, công ty định giá thương hiệu và tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới có trụ sở tại Anh.
Đánh giá về sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm qua, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhìn nhận, tăng trưởng kinh tế Việt Nam phục hồi với nhiều dấu ấn, nhất là các chỉ số về sản xuất công nghiệp, dịch vụ thương mại và xuất nhập khẩu. Đây là nền tảng rất tốt để nền kinh tế chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới.
Vượt qua nhiều thách thức, song năm qua, theo nhìn nhận từ các chuyên gia, chính sự quyết liệt sáng suốt trong chỉ đạo, cùng nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp đã khiến GDP bứt tốc trong những tháng cuối năm, nhiều khả năng cán đích tăng trưởng trên 7%, vượt mục tiêu 6,5%-7% do Quốc hội đặt ra.
Quyết tâm hiện thực mục tiêu tăng trưởng
Bước sang năm 2025, theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt quy mô 506 tỷ USD trong năm 2025, đứng thứ 33 toàn cầu. Ngân hàng HSBC Việt Nam cũng tin tưởng, năm 2025, GDP Việt Nam sẽ tăng 6,5% và tiếp tục duy trì mức cao nhất khu vực.
Không dừng lại ở đó, mục tiêu tăng trưởng vào năm 2025 được Quốc hội giao cho Chính phủ là từ 6,5 - 7% và phấn đấu 7 - 7,5%. Đặc biệt, theo quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ, trong hội nghị toàn quốc tổng kết Nghị quyết số 18, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu chỉ tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP 8% cho cả nước vào năm tới. Đây được coi là bệ phóng cho giai đoạn bứt phá tăng trưởng hai con số từ 2026 đến 2030.
Mục tiêu đã được đề ra, song có thể coi đây là một thách thức lớn cho Việt Nam trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới được dự báo còn đan xen nhiều thuận lợi và bao trùm khó khăn.
Theo đó, để hiện thực hoá mục tiêu đề ra, nhiều chuyên gia kinh tế đã đưa ra khuyến nghị, cần phải quyết liệt, đồng bộ, tổng thể các giải pháp trong năm 2025. Đơn cử, Việt Nam cần đẩy mạnh các vấn đề về xây dựng chuỗi cung ứng trong các ngành công nghiệp chế biến ứng dụng có hàm lượng khoa học công nghệ cao, tăng cường chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và tinh gọn bộ máy. Qua đó, nền kinh tế sẽ củng cố sự độc lập tự chủ, nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế để thích ứng với bối cảnh cạnh tranh địa chính trị thế giới ngày càng phức tạp, khó lường.
Cả nước cần tập trung ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao; tăng tốc, bứt phá.
Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng của 5 thành phố trực thuộc Trung ương, bởi đây là các đầu tàu phát triển của các vùng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh kích cầu thị trường trong nước, tiêu dùng cá nhân và hộ gia đình; xem xét giải quyết bất cập về giá vé máy bay để kích thích du lịch, tiêu dùng.
Đặc biệt, Việt Nam cần tiếp tục mở rộng phát triển công nghiệp và đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến đường cao tốc, sân bay mới và hệ thống đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam nhằm tạo động lực cho tăng trưởng.
Cùng với đó, ưu tiên gỡ nút thắt pháp lý cho thị trường bất động sản, các dự án quy hoạch, đầu tư, đặc biệt thúc đẩy các dự án lớn của ngành điện nhằm giải quyết bài toán cung ứng điện. Quan tâm đầu tư các cơ sở hạ tầng xử lý chất thải nhằm mục tiêu phát triển bền vững cho tương lai...
Tiếp tục quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, ngoài những giải pháp từ Chính phủ thì các địa phương cũng cần xắn tay vào để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Với sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị sẽ là tiền đề hiện thực hoá cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm 2025, góp phần đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.