Chống lãng phí: Doanh nghiệp mong được khơi thông điểm nghẽn chính sách, có được sức bật cao hơn Tinh thần chống lãng phí giúp doanh nghiệp linh hoạt hơn trong triển khai các hoạt động |
Thực hành tiết kiệm chống lãng phí là chủ trương lớn của Đảng, tuy nhiên đây là lĩnh vực rộng và rất khó, vậy giải pháp nào để thực hành chống lãng phí?
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, bên lề Diễn đàn "Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển", tổ chức sáng 23/12, TS. Phan Đức Hiếu- Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng, trước hết phải nhấn mạnh, tại sao chống lãng phí lại quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội.
“Chúng ta cứ hình dung, nếu chống hoặc giảm được lãng phí thì chúng ta thu được nguồn lực từ việc tiết kiệm do sự lãng phí gây ra. Việc tiết kiệm đó có thể nhỏ nhưng đều là nguồn lực để tái đầu tư vào các hoạt động khác”, TS.Phan Đức Hiếu nói.
TS. Phan Đức Hiếu- Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội |
Hơn nữa, phòng chống lãng phí phía sau đó là gia tăng cơ hội, giá trị và tính hiệu quả của các hoạt động kinh tế - xã hội. Ví dụ, công trình đúng mục đích, đúng ý nghĩa, sử dụng đúng công năng và đáp ứng đúng yêu cầu mà được triển khai sớm thì tiết kiệm được nguồn lực. “Đường dây truyền tải 500kV đưa vào hoạt động sớm hơn đã mang lại lợi ích rất lớn về cả kinh tế, cả cơ hội cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Đây là dấu ấn nổi bật của ngành Công Thương không chỉ trong chuyên môn mà còn trong công tác phòng chống lãng phí”, TS. Phan Đức Hiếu ví dụ. Đồng thời cho biết thêm, một nhà máy, nếu sớm đưa vào vận hành ngay lập tức tạo ra sản phẩm, giá trị kinh tế và việc làm cho người lao động.
Như vậy có thể thấy, vai trò của phòng chống lãng phí không chỉ tiết kiệm nguồn lực từ phòng chống lãng phí mà còn gia tăng và nâng cao cơ hội tạo ra hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần rất lớn vào tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Quay trở lại giải pháp gia tăng hiệu quả công tác chống lãng phí, tiết kiệm, TS. Phan Đức Hiếu nhấn mạnh, Đảng đã định hướng các giải pháp. Tuy nhiên, thời điểm này, chất lượng của thể chế, quy định của pháp luật là quan trọng nhất vì mọi hoạt động và hành vi kinh tế - xã hội đều chịu sự điều chỉnh bởi luật pháp. Luật pháp có chất lượng không tốt sẽ làm gia tăng sự lãng phí, làm mất đi cơ hội kinh doanh, do đó vẫn cần năng cao chất lượng các quy định.
Vậy nâng cao như thế nào? Chủ trương đường lối đã được Đảng định ra nhưng TS. Phan Đức Hiếu cho biết, thế là chưa đủ. Quy định bản thân có thể tạo ra phí và lệ phí do đó cần phải có mức cụ thể để cắt giảm chi phí tuân thủ, hay hạn mức cùng quỹ đầu tư quá cao gây ''bó cứng'' dòng tiền của doanh nghiệp.
Cùng đó là những quy định không rõ ràng làm mất đi cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Ví dụ quy định chung chung, đánh giá sự phù hợp của dự án với quy hoạch nhưng không nói rõ là quy hoạch nào và thế nào là phù hợp dẫn đến quá trình giải quyết dự án kéo dài, mất đi cơ hội kinh doanh.
"Như vậy, giải pháp thực hiện hiệu quả chống lãng phí, thực hành tiết kiệm mấu chốt vẫn là cải cách thể chế và tập trung nhiều hơn vào cắt giảm thủ tục hành chính, quy định không hợp lý làm gia tăng quá mức gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp và thời gian triển khai hoạt động kinh tế - xã hội", TS. Phan Đức Hiếu một lần nữa nhấn mạnh.