Nâng cao kỹ năng xúc tiến thương mại để thúc đẩy xuất khẩu sang các nước CPTPP
Thông tin được đưa ra tại tập huấn “Nâng cao kỹ năng xúc tiến thương mại xuất khẩu nông, thủy sản và thực phẩm chế biến sang các nước CPTPP”, diễn ra ngày 19/11. Buổi tập huấn do Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Cục Xuất nhập khẩu và các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tổ chức.
Chia sẻ tại tập huấn, bà Bùi Thị Thanh An - Phó Cục trưởng Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực với Việt Nam được hơn hai năm. Trong thời gian này, nhiều cam kết của CPTPP đã được triển khai và đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường đối tác. Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, tổng thương mại hai chiều giữa Việt Nam và thị trường CPTPP đạt 52 tỷ USD, tăng 23,36% so với cùng kỳ năm 2020, cụ thể kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này đạt 26,04 tỷ USD, tăng 22,52% và nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 25,96 tỷ USD, tăng 24,21% so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, theo bà An, việc thực thi Hiệp định này cũng đặt ra không ít thách thức bởi để được hưởng các ưu đãi thuế quan theo CPTPP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về xuất xứ hàng hóa theo quy định. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chưa nắm đầy đủ thông tin về lộ trình giảm thuế, tiêu chí xuất xứ, cũng như hàng hóa còn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ các nước ngoại khối.
“Là một cơ quan chính phủ chuyên trách về công tác xúc tiến thương mại, với mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp có những thông tin cụ thể về CPTPP cũng như các quy tắc xuất xứ hàng hóa trong hiệp định này, chúng tôi phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức buổi tập huấn ngày hôm nay”- bà An cho biết.
Buổi tập huấn được tổ chức online tại đầu cầu chính là TP. Hồ Chí Minh |
Tại buổi tập huấn, bà Nguyễn Sơn Trà - Phó trưởng phòng Phòng WTO - Vụ Chính sách thương mại Đa biên - Bộ Công Thương đã thông tin khái quát các cơ hội, thách thức mà hiệp định mang lại đối với doanh nghiệp Việt Nam. Theo bà Trà, việc nắm bắt những thách thức sẽ giúp doanh nghiệp có chiến lược rõ ràng, cụ thể để tiếp cận thị trường CPTPP hiệu quả hơn.
Chẳng hạn tại Canada và Australia, nhu cầu các sản phẩm nông, thủy sản và thực phẩm chế biến hiện nay là rất lớn. Tuy vậy do ảnh hưởng của dịch bệnh, gần đây nguồn cung từ Việt Nam bị gián đoạn. Cụ thể chỉ riêng với mặt hàng bún, miến, phở… do thời gian qua việc sản xuất của nhiều doanh nghiệp ở phía Nam giảm sút nên nguồn hàng thiếu hụt khá lớn.
Các Thương vụ cho rằng, trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp như hiện nay, các doanh nghiệp cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các khâu, từ nguồn cung, nhà xuất khẩu, vận chuyển, đến nhà nhập khẩu, phân phối, nhằm duy trì tốt chuỗi cung ứng, tránh để xảy ra tình trạng gián đoạn như thời gian vừa qua.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nên thường xuyên cập nhật trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang tin của Bộ Công Thương và trên ứng dụng của Thương vụ Việt Nam tại các nước CPTPP để nắm bắt tình hình, qua đó có sự chuẩn bị trước cho các tình huống phát sinh.
Theo các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, để thích ứng với điều kiện mới hậu đại dịch, một trong những điều kiện quyết định đầu tiên đó là các doanh nghiệp phải giữ vững chất lượng sản phẩm và có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Có như vậy mới tạo lợi thế cạnh tranh và tận dụng được những ưu đãi về thuế quan mà Hiệp định CPTPP mang lại.