Nâng cao chất lượng lao động, kết nối cung - cầu nguồn nhân lực
Việc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) xây dựng hai Đề án “Hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030” và “Nâng cao năng lực dự báo nhu cung - cầu lao động” là để hướng tới một thị trường lao động hiện đại, đồng bộ, vận hành theo quy chế thị trường đúng nghĩa. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Hải – Cục việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) - cho biết, để làm được điều này, việc hoàn thiện được khuôn khổ pháp chế, pháp lý là điều vô cùng quan trọng. Cùng với đó, xây dựng lại hệ thống thông tin thị trường lao động, xây dựng được dữ liệu cung cầu lao động và trên cơ sở đó đẩy mạnh các hoạt động trung tâm dịch vụ việc làm. Do vậy, nếu chỉ dừng lại ở đề án này thì có thể là chưa đủ, nhưng 2 đề án này sẽ là cơ sở lý luận và nền tảng để chúng ta phát triển và trong những năm tới đây đưa các giải pháp vào cuộc sống để đến năm 2030 chúng ta cơ bản đạt được mục tiêu đề ra.
Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 có ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Có thể nói, đại dịch Covid-19 đã làm bộc lộ nhanh hơn, rõ hơn điểm yếu của thị trường lao động, nó buộc chúng ta phải đẩy nhanh hơn những kế hoạch trước đó để phục hồi thị trường này - ông Nguyễn Xuân Hải nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, những yếu tố khách quan từ sự căng thẳng thương mại Trung - Mỹ cũng làm ảnh hưởng tương đối tới cơ cấu lao động ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tất cả những tác động này khiến những kế hoạch phục hồi thực sự phải chú ý đến là vấn đề về cơ cấu lao động, dịch chuyển từ nông thôn sang thành thị, từ trình độ thấp đến trình độ cao, từ lĩnh vực yêu cầu kỹ năng thủ công đến việc sử dụng máy móc, tự động hóa và thậm chí phải đối mặt với vấn đề già hóa dân số... Các vấn đề đào tạo lao động, nâng cao trình độ, nâng cao kỹ năng, đảm bảo dịch chuyển giữa các ngành, đảm bảo dịch chuyển nội ngành, dịch chuyển được lao động giữa khu vực thành thị, nông thôn… đó là những vấn đề căn cốt để phải đẩy nhanh hơn, tập trung nhiều hơn trong giai đoạn tới.
Ngoài ra, trong bối cảnh đó, việc tận dụng những thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể làm thay đổi căn bản trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật như là tự động hóa, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo vào quá trình sản xuất.
Đào tạo nguồn lao động chất lượng là yếu tố ưu tiên hàng đầu |
Đặt vấn đề đào tạo và đào tạo lại lao động là vấn đề căn cốt. Hiện nay, xu thế của thị trường không chỉ là đảm bảo an sinh xã hội cho lao động Việt Nam trong những ngắn hạn mà cả một quá trình. Việc đảm bảo bền vững thị trường lao động, phát triển đồng bộ liên thông hiện đại phải gắn với nâng cao chất lượng nguồn lao động, nguồn nhân lực, nâng cao tay nghề cho người lao động. Do đó, trong xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 28/2015/NÐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điểm của Luật Việc làm về BHTN, nội dung chính của dự thảo nghị định này nhằm mở rộng các trường hợp bất khả kháng để được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Trong quỹ BHTN, ngay từ khi có Luật Việc làm và trong khuôn khổ pháp lý của BHTN đã cho phép sử dụng quỹ để hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lại nhân lực. Tuy vậy, trong thời gian qua, rất ít doanh nghiệp tiếp cận được khoản hỗ trợ này, nguyên do, theo ông Hải, hiện nay, Việt Nam đang đặt vấn đề ấy lên khá cao và đang nghiên cứu làm sao gỡ bỏ được cơ chế, để có thể có những chính sách, thay đổi để tận dụng được nguồn đó nhiều hơn nữa.
Ngoài ra, chia sẻ về tình hình thị trường lao động thời điểm cuối năm, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp và chưa được khống chế, nhưng ở nước ta, tình hình kiểm soát dịch bệnh tốt đang tạo ra những điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh “mục tiêu kép”. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta trong những tháng đầu quý IV/2020 đã xuất hiện nhiều dấu hiệu khởi sắc như tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng giảm, nhu cầu sử dụng lao động có xu hướng tăng. Trên bình diện dự báo chiến lược, không thể phủ nhận thị trường lao động cuối năm có những tín hiệu tốt, tích cực do thời điểm này, các doanh nghiệp gia tăng các hoạt động sản xuất kinh doanh để phục vụ cho dịp lễ, Tết. Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tăng cao, song chủ yếu sẽ là các công việc thời vụ, bán thời gian. Nhu cầu tuyển dụng việc làm toàn thời gian sẽ vẫn giữ ở mức ổn định. Một số ngành được dự báo sẽ có nhu cầu tuyển lao động lớn trong dịp cuối năm như thương mại dịch vụ, giao nhận hàng, thương mại điện tử, công nghiệp chế biến,...
Bên cạnh đó, những chính sách mới về hiệp định thương mại song phương, hiệp định thương mại đa phương (EVFTA) đã dẫn đến làn sóng dịch chuyển mới có lợi cho thị trường lao động. Một số doanh nghiệp dệt may mở rộng quy mô hoạt động như xây mới nhà máy hoặc chuyển nhà máy từ nước khác sang Việt Nam, hoặc chuyển đơn hàng từ nước ngoài về Việt Nam sản xuất. Chính vì vậy, các doanh nghiệp này có nhu cầu tuyển dụng lớn về nhân sự, trong đó có các vị trí cấp trung và cấp cao. Dự báo nhu cầu tuyển dụng này sẽ tăng trong 3 tháng tới và tăng mạnh trong 6 tháng tới.