Tìm giải pháp kiếm việc cho người lao động ngoài ‘tam tuần’
"Bài toán khó" cho người lao động trên 30 tuổi
Thời gian gần đây, nhiều bài viết trên mạng xã hội và báo chí đã phản ánh tình trạng người lao động dù đã bước qua tuổi 30, nhưng đang đối mặt với thử thách tìm việc làm, đặc biệt là tại 2 đô thị lớn là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Những người lao động trẻ được nhiều doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng hơn nhờ khả năng chịu áp lực cao và chấp nhận lương thấp. Ảnh minh họa: vieclamdaklak.net |
Theo lãnh đạo doanh nghiệp, những người trẻ được ưu tiên tuyển dụng vì họ sẵn sàng chịu áp lực cao và nhận mức lương thấp để tích lũy kinh nghiệm làm việc. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là tại các /chu-de/doanh-nghiep-khoi-nghiep.topic, cho rằng đầu tư vào đào tạo nhân sự trẻ sẽ hiệu quả và nhanh hơn so với bộ phận nhân sự lớn tuổi.
Bên cạnh đó, dù với lợi thế về kinh nghiệm, nhiều người lao động ngoài 30 tuổi đang ngày càng "bị bỏ lại phía sau" trong bối cảnh công nghệ và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp cho rằng, lực lượng lao động này kém linh hoạt, cập nhật chậm hơn và cũng khó đáp ứng nhu cầu so với người trẻ hơn.
Bên cạnh đó, yêu cầu về mức lương của người làm việc trên 30 tuổi cũng là một rào cản lớn. Khi đã có gia đình, chi phí sinh hoạt tăng cao khiến nhiều người không thể chấp nhận mức lương thấp. Điều này là một thách thức lớn với các doanh nghiệp, đặc biệt là những công ty khởi nghiệp với nguồn tài chính hạn chế.
Cần nâng cao năng lực cho người lao động
Vấn đề việc làm cho người trên 30 tuổi tại Việt Nam thực tế có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc, đất nước hiện đang có hiện tượng “Lời nguyền tuổi 35”. Người lao động Trung Quốc trên độ tuổi này bị coi là “quá lớn tuổi” và ít năng động hơn, dẫn đến khả năng cạnh tranh kém hơn so với ứng viên trẻ.
Để giải quyết tình trạng này, Chính phủ Trung Quốc đã nâng giới hạn độ tuổi tuyển dụng công chức từ 35 lên 40 tuổi vào cuối năm 2024, nhằm mở rộng cơ hội việc làm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giải pháp này chỉ mang tính nhất thời và không thể giải quyết triệt để vấn đề.
Bên cạnh việc tăng các cơ hội việc làm cho người lao động, ông Joe Ngai, giám đốc công ty tư vấn tuyển dụng McKinsey tại Trung Quốc, cho rằng yếu tố cốt lõi chính là sự thay đổi tâm thế của người lao động và những người tuyển dụng.
Trong đó, một giải pháp tiềm năng đến từ việc một người đảm nhiệm nhiều vai trò, chức vụ trong công ty hơn. Theo ông Joe Ngai, việc đa dạng hóa công việc có thể giúp lao động tăng cường thu nhập và tránh kiệt sức, trong khi những người lớn tuổi hơn có thể tận dụng kinh nghiệm để trở thành chuyên gia hoặc cố vấn độc lập.
Bên cạnh đó, tinh thần “học, học nữa, học mãi” cũng là yếu tố cốt lõi trên thị trường việc làm trong thời đại hiện nay.
Khi công nghệ và trí tuệ nhân tạo đang thay đổi mạnh mẽ, khả năng thích ứng và không ngừng học hỏi được coi là yếu tố sống còn đối với nhiều người lao động. Việc chủ động nâng cao năng lực không chỉ giúp người lao động duy trì khả năng cạnh tranh, mà còn tạo điều kiện để họ chuyển hướng nghề nghiệp khi cần thiết.
Bên cạnh đó, bản thân doanh nghiệp cũng cần tăng cường các chương trình, kỹ năng đào tạo cho người lao động trong thời đại mới. Bằng cách phát triển những chương trình đào tạo, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể khắc phục khả năng thiếu thích ứng với công nghệ số và sự linh hoạt, nhanh nhạy của người lao động trên 30 tuổi.
Trong thời đại 4.0, trau dồi kỹ năng công nghệ là chìa khóa giúp người lao động trên 30 tuổi duy trì việc làm và nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc làm chủ công nghệ không chỉ mang lại cơ hội phát triển cho người lao động và doanh nghiệp, mà còn đem lại lợi thế cho lực lượng lao động Việt Nam trên trường quốc tế. |