Thứ tư 27/11/2024 09:22

Nắm vững nghị quyết để hiện thực hóa ý chí của Đảng

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp, định hướng cho một giai đoạn mới, đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Ý chí, khát vọng ấy có hiện thực hóa được hay không là ở nơi thực hiện; trước hết là việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, giúp cán bộ và đảng viên nắm vững những quan điểm cơ bản, nội dung cốt lõi của Nghị quyết. Qua đó để thống nhất ý chí và hành động trong quá trình thực hiện.

Việc Bộ Chính trị sớm ban hành Chỉ thị 01, ngày 9-3-2021, về nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cho thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công việc này.

Cần lồng ghép việc nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết vào quá trình xây dựng, hoàn thiện chương trình xây dựng chính quyền số, cải thiện hiệu quả dịch vụ công

Nội dung nghiên cứu, học tập bao gồm: Nghị quyết Đại hội; Báo cáo về các văn kiện trình Đại hội; Báo cáo chính trị; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) mười năm tới; Báo cáo phát triển KT-XH 5 năm vừa qua và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới; Báo cáo công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng khóa XII. Với hàng loạt vấn đề lớn, hệ trọng như vậy, việc nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết đòi hỏi phải khoa học, nghiêm túc, trực tiếp là người đứng đầu cấp ủy, báo cáo viên và người học phải nêu cao ý thức, tinh thần, trách nhiệm, mới đem lại hiệu quả cụ thể. Người học không chỉ quán triệt, nắm vững những nội dung cốt lõi của các nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh, đối ngoại,… mà còn tập trung đi sâu phân tích, tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung liên quan đến lĩnh vực, nhiệm vụ của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị đảm nhiệm.

Các văn kiện lần này, nhất là Báo cáo chính trị - văn kiện trung tâm của Đại hội, có nhiều điểm mới, không chỉ tổng kết 5 năm nhiệm kỳ Đại hội XII mà còn nhìn lại suốt 35 năm đổi mới; không chỉ đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới mà còn xác định mục tiêu mười năm tiếp theo và tầm nhìn đến năm 2045 - kỷ niệm 100 năm Ngày Nhà nước ta ra đời.

Theo đó, việc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII đặt ra những yêu cầu mới, toàn diện, để giúp người học nhận thức rõ đường lối đổi mới trong 35 năm qua không ngừng được bổ sung, phát triển và từng bước hoàn thiện, phù hợp xu thế tất yếu của thời đại, nhưng không bao giờ xa rời mục tiêu, lý tưởng của Đảng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Trong mục tiêu tổng quát ấy lại thấy rõ mục tiêu cụ thể, bước đi của mỗi chặng đường, như đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao,...

Việc nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng là khâu tiền đề, có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình đưa nghị quyết vào cuộc sống. Nhưng lâu nay, nhiệm vụ này vẫn là khâu yếu, chưa có nhiều đổi mới thật sự hiệu quả. Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng Đảng đã chỉ ra 27 biểu hiện về suy thoái, trong đó nhấn mạnh, tình trạng lười học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước,... Vì nhận thức sai lệch hoặc non kém về trình độ lý luận chính trị mà dẫn đến nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đặc biệt là có những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nói, viết, làm trái với Cương lĩnh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, thậm chí là hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước, xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo, nói xấu Đảng và chế độ ta. Chính vì thế, đợt nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết lần này là dịp tốt nhất để mở rộng các hình thức sinh hoạt chính trị, khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, góp phần tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đây cũng là cơ hội để uốn nắn những nhận thức lệch lạc; đặc biệt là đấu tranh, phản bác mạnh mẽ các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; bảo vệ đường lối đổi mới được khởi xướng từ Đại hội VI của Đảng, năm 1986 và tiếp tục khẳng định sâu sắc hơn trong các văn kiện Đại hội lần này.

Việc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng không chỉ là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội mà còn là nhiệm vụ, là nhu cầu, mong muốn của tất cả đảng viên trong toàn Đảng. Hình thức tổ chức cần nghiên cứu cụ thể sao cho phù hợp với đặc điểm, tính chất, tình hình của từng loại hình tổ chức đảng, địa phương, đơn vị; làm bài bản, nghiêm túc, có chất lượng nhưng không vì thế mà sao lãng việc khác, nhất là những nhiệm vụ trước mắt như phòng, chống đại dịch Covid-19. Ngược lại, không ỷ vào việc lo giải quyết nhiệm vụ chính trị trọng tâm, hay cấp bách, đột xuất mà tổ chức học tập qua loa, “đánh trống ghi tên” cho xong, để báo cáo thành tích. Gắn nghiên cứu, học tập Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với những nội dung liên quan trong nghị quyết đại hội đảng bộ ở cấp mình để làm sâu sắc thêm từng nội dung cụ thể, thấy rõ sự thống nhất trong chỉ đạo, trong xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ từ Trung ương đến cơ sở; trong các mối quan hệ, liên thông giữa các địa phương, các lĩnh vực, các ngành trong hoạch định đường lối cũng như tổ chức thực hiện đường lối ấy.

Quá trình nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết cũng là quá trình xây dựng, hoàn thiện chương trình hành động, biến những nhận thức lĩnh hội được thành ý chí, kế hoạch, chương trình công tác với những việc làm cụ thể trong thực tiễn.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng để lại nhiều dấu ấn, tình cảm tốt đẹp trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; là một trong những đại hội thành công nhất trên mọi phương diện cả về nội dung và tổ chức. Nhưng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói khi phát biểu bế mạc Đại hội: Không phải đại hội xong là coi như xong. Đại hội chỉ là mở đầu. Còn làm được hay không, mai kia có biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động hay không, có ra của cải vật chất, mang lại giàu có và hạnh phúc cho nhân dân hay không, đấy mới là thành công thực tế của Đại hội. Điều này cực kỳ quan trọng. Vừa qua kiểm tra, kiểm điểm, chúng ta thừa nhận tổ chức thực hiện nghị quyết vẫn là khâu yếu. Sắp tới phải hết sức chú ý điều này.

Bằng tất cả tình cảm, tâm huyết và trách nhiệm với Đảng, điều Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng căn dặn như một thông điệp nhắn nhủ chúng ta, hãy biến khí thế của Đại hội thành sức mạnh của toàn Đảng, của các cấp, các ngành để hiện thực hóa ý chí của Đảng, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Như thế thành công của Đại hội mới có ý nghĩa thật sự. Tư tưởng ấy, tinh thần ấy cần được quán triệt, thấm nhuần sâu sắc trong đợt sinh hoạt chính trị quan trọng này.

Theo Báo Nhân dân

Tin cùng chuyên mục

Đào tạo, phát triển cán bộ trẻ - lực lượng nòng cốt trong công tác xây dựng Đảng

Bảo vệ nền tảng tư tưởng hướng tới mục tiêu 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng

Kỳ 2: Nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp khắc phục căn bệnh “sợ trách nhiệm”

Kỳ 1: Nhận diện về những biểu hiện của căn bệnh “sợ trách nhiệm”

Lai Châu: Nhận diện những thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc nhằm xâm phạm an ninh quốc gia

“Tuần lễ Vàng” – dấu ấn của tinh thần đại đoàn kết dân tộc

Di chúc của Bác mãi mãi đồng hành cùng dân tộc

Cán bộ, đảng viên thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng: Soi chiếu từ Quy định số 144-QĐ/TW

Giải pháp phòng, chống hoạt động ‘xâm lăng văn hóa’ đối với nước ta

Lan tỏa tinh thần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Bộ mặt thật của Việt Tân từ cái gọi là 'hội luận kinh tế thị trường ở Việt Nam'

Bài 5: Đạo pháp bất ly thế gian pháp

Bài 4: Tư cách của tín đồ phải đứng sau nghĩa vụ công dân

Bài 3: Quan điểm của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về Phật giáo

Bài 2: Họ xa rời Phật pháp chân chính, trái đời ngược đạo

Chấn chỉnh những sai lệch để Phật giáo tốt đời đẹp đạo: Bài 1: Khi thuyết giảng xuyên tạc phá hoại đức tin

Đoàn kết tôn giáo xây dựng đất nước phát triển bền vững

Không công khai do sợ sai

Tổng Bí thư Trần Phú: Tấm gương ngời sáng về sự kiên trung, tận hiến cho sự nghiệp cách mạng

Bài 3: Hướng tới một nền kinh tế cạnh tranh minh bạch, hiệu quả