Nam Định hấp dẫn các “ông lớn” FDI
Chia sẻ tại Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Cheng Wai Keung – Phó Giám đốc điều hành, Công ty TNHH Top Textiles cho biết, doanh nghiệp đang thực hiện 1 dự án tại khu công nghiệp dệt may Rạng Đông, với tổng diện tích khoảng 312.000m2, công suất 120 triệu mét vải/năm.
“Giai đoạn 1 của dự án đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho khoảng 1.000 lao động, con số này sẽ tăng hơn nữa khi mở rộng sang giai đoạn 2. Hiện nhà máy của chúng tôi đang trong giai đoạn hoàn thiện một số công đoạn cuối cùng và sớm bắt đầu sản xuất”, ông Cheng Wai Keung cho hay.
Ông cũng đồng thời cho biết, những tháng gần đây, Nam Định đã thu hút một số nhà đầu tư lớn từ Hong Kong, Singapore, Đài Loan, Nhật Bản. Những nhà đầu tư này sẽ góp sức thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển.
Sản xuất kéo sợi ở công ty Dệt Nam Định (Ảnh: Băng Dương) |
Là cái nôi của ngành công nghiệp dệt may, với nền tảng lao động tay nghề cao, không có gì lạ khi Nam Định thu hút một lượng lớn doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực dệt may tới đầu tư.
Gần đây nhất, cuối tháng 2/2024, Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Nam Định đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Yi Da Demin Mill (VN) Co.,Ltd để sản xuất các sản phẩm dệt may tại KCN Dệt may Rạng Đông. Tổng vốn đầu tư nhà máy này khoảng 1.467 tỷ đồng, tương đương 60 triệu USD.
Dự án được đầu tư làm 3 giai đoạn, dự kiến chính thức sản xuất vào quý IV/2030. Sau khi hoàn thành cả 3 giai đoạn, công suất mỗi năm của dự án đạt khoảng 55 triệu m2 vải có nhuộm, 5 triệu m2 vải không nhuộm; 20 triệu sản phẩm quần áo.
Ngoài lĩnh vực dệt may, thời gian qua, Nam Định cũng đã thu hút được nhà đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực khác như năng lượng, sản xuất máy tính, đồ gia dụng… Theo thống kê, tháng 2/2024, Nam Định đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới cho 2 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 8 triệu USD.
Năm 2023, tính đến ngày 20/12, tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 59 dự án (bao gồm 39 dự án đầu tư trong nước và 20 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký 2.412 tỷ đồng và 332 triệu USD. Trong đó, cấp mới cho 19 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 328 triệu USD.
Với nhiều nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển hạ tầng giao thông, Nam Định là điểm sáng trong thu hút đầu tư FDI.
Đặc biệt, với Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, địa phương xác định tiếp tục khai thác 6 khu công nghiệp (KCN) đã được thành lập. Đồng thời, phát triển thêm 10 KCN với tổng diện tích đến năm 2030 được kỳ vọng tiếp tục là động lực “kéo” các nhà đầu tư đến với Nam Định.
Để thoát “điểm trũng” hạ tầng giao thông kết nối, theo ông Phạm Đình Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, địa phương phát triển 5 hành lang kinh tế gắn với các tuyến giáo thông huyết mạch.
Cụ thể, hành lang Quốc lộ 10 (thành phố Nam Định - Cao Bồ): Đi từ huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) - thành phố Nam Định - thị trấn Gôi (Vụ Bản) - thị trấn Lâm (Ý Yên) - đến thành phố Ninh Bình, là hành lang động lực chủ đạo của tỉnh. Đẩy mạnh phát triển các vùng nông nghiệp tập trung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến. Chú trọng phát triển ngành dịch vụ - du lịch, các điểm du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng.
Hành lang Cao tốc Bắc Nam nối dài (Hà Nội - Cao Bồ - Rạng Đông): Đi từ huyện Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam) - Cao Bồ (Ý Yên) - thị trấn Liễu Đề - thị trấn Quỹ Nhất - thị trấn Rạng Đông; là hành lang phát triển động lực chủ đạo của tỉnh. Tập trung nguồn lực phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thương mại và dịch vụ; ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, luyện thép, khai khoáng, dịch vụ du lịch sinh thái cảnh quan.
Hành lang kinh tế ven biển (Nghĩa Hưng - Hải Hậu - Giao Thủy): Đi từ huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) - đô thị Đại Đồng - thị trấn Quất Lâm - thị trấn Cồn - thị trấn Thịnh Long - thị trấn Rạng Đông - đến huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình); là hành lang phát triển động lực chủ đạo. Ưu tiên phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thương mại và dịch vụ; trong đó khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, luyện thép, khai khoáng, dịch vụ du lịch sinh thái biển, nuôi trồng thủy hải sản, dịch vụ cảng và logistics.
Hành lang quốc lộ 21 và tuyến đường từ thành phố Nam Định - Xuân Trường - Giao Thủy: Đi từ huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam) - thành phố Nam Định - thị trấn Cổ Lễ - thị trấn Xuân Trường - thị trấn Quất Lâm; là hành lang phát triển động lực thứ cấp đến năm 2030 và chủ đạo đến năm 2050. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nhằm thu hút đầu tư vào phát triển công nghiệp, du lịch.
Hành lang tuyến cao tốc CT.08 (Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng): Đi từ huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) - thị trấn Cổ Lễ - thị trấn Liễu Đề - đến huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình); là hành lang phát triển động lực thứ cấp đến năm 2030 và chủ đạo đến năm 2050. Tập trung phát triển công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thương mại, dịch vụ và du lịch.
Trên cở sở các hành lang kinh tế đã được xác định cùng định hướng quy hoạch các KCN mới, Nam Định tiếp tục trải thảm đỏ thu hút các dự án FDI vào từng địa bàn phù hợp. Từ đó, phát triển công nghiệp trở thành ngành kinh tế động lực chủ đạo thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa Nam Định trở thành một trong những trung tâm công nghiệp của Vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GRDP của tỉnh Nam Định chiếm trên 50%.