Trong lĩnh vực công nghệ, nhiều chuyên gia cho rằng, đại dịch đã thúc đẩy chuyển đổi số. Lần đầu tiên trở lại Việt Nam sau gần 3 năm gián đoạn vì dịch Covid-19, chắc hẳn ông cảm nhận được sự thay đổi của Việt Nam. Ông nhận xét thế nào về quá trình chuyển đổi số tại đây?
Tôi đã trở lại Việt Nam sau 3 năm và thấy kinh tế của các bạn thực sự phát triển rất tốt và rất nhanh. Điều này cho thấy Chính phủ Việt Nam cùng với sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp tư nhân đã đưa kinh tế Việt Nam tiến lên. Trong đại dịch, các quốc gia đã phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Nhưng khi đến thăm Việt Nam sau 3 năm đại dịch, tôi đã nhìn thấy rất nhiều tín hiệu tích cực.
![]() |
Tôi nhận thấy cách chính phủ của các bạn đối đầu với thách thức, chèo lái nền kinh tế rất quyết liệt, mạnh mẽ. Trên thực tế, các cơ quan chức năng đã liên tục trao đổi với chúng tôi cùng các doanh nghiệp khác. Tôi cho rằng, sự kết nối với các doanh nghiệp là một hành động quan trọng để thúc đẩy kinh tế. Kết quả hiện rất tích cực: Rất nhiều các dự án mới có chất lượng từ các tập đoàn đa quốc gia đã được ký kết và tiến hành tại Việt Nam. Tôi tin đất nước của các bạn đang đi đúng hướng và rất kỳ vọng vào tương lai của đất nước này.
Việt Nam đang đặt ra nhiều mục tiêu tham vọng và đang đẩy nhanh tốc độ để thực hiện mục tiêu ấy. Đó là, đến năm 2025 Việt Nam sẽ có 100.000 doanh nghiệp công nghệ số. Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nền tảng chuyển đổi số đạt 75%,…
Đây là một mục tiêu rất rõ ràng và cụ thể. Theo tôi, để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần giải được bài toán nguồn nhân lực cũng như các nguồn lực khác. Nguồn nhân lực phải được đào tạo ở cả 3 cấp độ: tại trường học, khi đầu tư vốn và trên toàn ngành công nghiệp. Để hiện thực hoá các mục tiêu này, không chỉ cần sự nỗ lực của chính phủ mà tất cả chúng ta, từ người dân đến doanh nghiệp đều phải tham gia vào tiến trình này.
![]() |
Ông Ehsanul Islam – Tổng giám đốc Tập đoàn Qualcomm khu vực Đông Nam Á |
Dường như ông rất chú trọng vào việc phát triển nguồn nhân lực. Ông đánh giá như thế nào về nhân lực Việt Nam hiện tại và cần làm gì để phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam?
Nguồn nhân lực là yếu tố vô cùng quan trọng trong mọi nền kinh tế. Muốn phát triển, chúng ta cần tập trung vào con người.
Trong lĩnh vực công nghệ, 95% người dân Việt Nam đã được bao phủ 4G. Chính phủ Việt Nam cùng nhiều tập đoàn lớn sở tại như Viettel, VNPT,… đang nghiên cứu và phát triển công nghệ 5G. Là một quốc gia đang phát triển, tôi có thể khẳng định các bạn đang đi rất nhanh trong lĩnh vực công nghệ. Và một trong những yếu tố thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số không thể không nhắc đến con người. Con người Việt Nam quyết đoán, lạc quan, chăm chỉ. Tập đoàn của chúng tôi có văn phòng tại Việt Nam và tuyển dụng nhiều kỹ sư bản địa chất lượng cao. Tôi nhận thấy sự quyết tâm của họ. Ở họ có tinh thần luôn sẵn sàng thử thách các ý tưởng mới.
Trên thực tế, văn phòng tại Việt Nam có nhiệm vụ chính là hỗ trợ các doanh nghiệp khác tại các quốc gia khác nhau. Sự hỗ trợ của các kỹ sư Việt Nam đã làm hài lòng các khách hàng ở Thái Lan, Nhật Bản. Tôi không thấy sự thiếu sót nào ở các nhân sự người Việt. Vì vậy, chúng ta cần phải đào tạo nhiều hơn nữa các kỹ sư có chất lượng cao như vậy tại chính đất nước này.
Trên thực tế, đổi mới sáng tạo phải bắt nguồn từ giáo dục. Vì vậy, ngay từ giai đoạn đầu của giáo dục, những nhân lực tương lai cần phải có kiến thức số, phải được giáo dục số và từ đó có thể cống hiến các sản phẩm trên phạm vi toàn cầu. Trên thực tế, rất nhiều kỹ sư Việt Nam đang có các sản phẩm có giá trị trên toàn cầu. Vì vậy, tôi tin rằng, giáo dục cần phải được tập trung và dành nguồn lực lớn vào đây.
Thưa ông, ông đánh giá thế nào về tiềm năng thị trường công nghệ Việt Nam?
Mục tiêu của chúng tôi chính là công nghệ cải thiện cuộc sống của con người. Trong 20 năm vừa qua, chúng tôi thực sự đã tiếp cận được một số lượng lớn người trên toàn thế giới như ở Việt Nam, châu Phi, Bangladesh và nhiều người đã sở hữu máy tính cá nhân. Việt Nam là một thị trường lớn với 100 triệu dân, trình độ giáo dục khá cao, mọi người đều có khả năng sử dụng công nghệ. Đồng thời, các tài năng ở đây, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật đã đóng góp rất nhiều trong sự phát triển công nghệ tại đây.
Với 100 triệu dân, số lượng điện thoại di động được bán ra tại thị trường Việt Nam là 130 triệu chiếc. Bạn có thể tưởng tượng được viễn cảnh kết nối di động ở đây. Theo tính toán, sẽ có thêm 20 triệu chiếc điện thoại di động nữa sẽ được bán ra. Và rất nhiều trong số đó sẽ chứa chip của Qualcomm. Vì vậy, đây là thị trường rất quan trọng của Qualcomm.
Bên cạnh đó, có rất nhiều công ty đa quốc gia đã đầu tư vào Việt Nam và nhiều sản phẩm của họ sử dụng chip do chúng tôi sản xuất. Tôi nhận thấy viễn cảnh hoạt động ở Việt Nam rất tươi sáng.
Xin cảm ơn ông!