Ngày 30/5, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Đây là 1 trong 2 chuyên đề giám sát tối cao trong năm 2022 được Quốc hội quyết định tại kỳ họp thứ nhất (7/2021).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành |
Tiến độ lập quy hoạch chậm
Trình bày báo cáo của đoàn giám sát , Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trong tổng số 111 quy hoạch được lập theo quy định của Luật Quy hoạch có 110/111 quy hoạch đã được phê duyệt nhiệm vụ.
Cụ thể, có 41/42 quy hoạch cấp quốc gia (riêng quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng phóng xạ chưa có dữ liệu đánh giá tiềm năng quặng urani nên chưa triển khai lập); 6/6 quy hoạch vùng, 63/63 quy hoạch tỉnh.
Đến nay mới có 07/111 quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt, gồm: Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, 4 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải (mạng lưới đường bộ quốc gia; mạng lưới đường sắt quốc gia; tổng thể hệ phát triển hệ thống cảng biển quốc gia; kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa), quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long và quy hoạch tỉnh Bắc Giang.
Kinh phí dành cho việc lập quy hoạch trong kế hoạch đầu tư công được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo là 4.368 tỷ đồng, trong đó có 1.243,63 tỷ đồng vốn của các bộ, ngành và 3.124,36 tỷ đồng của 56 địa phương.
Có 7 địa phương chưa phê duyệt dự toán lập kinh phí quy hoạch là Hòa Bình, Hà Nội, Bắc Ninh, Bình Định, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An. Lý do là các địa phương này chưa phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch hoặc được tài trợ sản phẩm quy hoạch nên chưa có số liệu về kinh phí lập quy hoạch.
Tính đến ngày 28/2/2022, các bộ, ngành đã giải ngân 244,68 tỷ đồng (bằng 19,67%) và các địa phương là 1.147,45 tỷ đồng (bằng 36,72%).
Đoàn giám sát chỉ ra một loạt tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.
“Tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 rất chậm so với yêu cầu của Quốc hội và thực tiễn khi còn 104/111 quy hoạch chưa hoàn thành lập, phê duyệt. Điều này, đã ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2021 – 2025”- báo cáo của đoàn giám sát nêu cụ thể,
Một số quy hoạch mới được phê duyệt nhưng đã bộc lộ bất cập
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết thêm, do tiến độ lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch chậm nên phải tiếp tục kéo dài thời hạn và điều chỉnh quy hoạch hiện hành thời kỳ 2011 - 2020, vì vậy đang tồn tại song song, đồng thời áp dụng hai loại quy hoạch. Trong khi, việc soạn thảo, ban hành danh mục quy hoạch được tích hợp vào các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và danh mục quy hoạch hết hiệu lực theo quy định còn chậm so với yêu cầu.
Việc quản lý đầu tư, kinh doanh với một số ngành sản xuất sản phẩm gặp khó khăn do chưa có chính sách thay thế các quy hoạch ngành, sản phẩm đã hết hiệu lực hoặc chưa được hướng dẫn cụ thể.
Đoàn giám sát cũng chỉ ra, việc lập đồng thời nhiều quy hoạch cùng một thời điểm trong khi số lượng, chất lượng tổ chức tư vấn hạn chế, việc đấu thầu lựa chọn tư vấn theo quy định của Luật Đấu thầu gặp nhiều khó khăn.
Số lượng cán bộ, chuyên gia có trình độ chuyên môn về quy hoạch để tham gia hội đồng thẩm định còn thiếu; chưa có đầy đủ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lập quy hoạch; hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chưa cao...
Từ đó, ảnh hưởng nhiều đến tiến độ, chất lượng lập, phê duyệt các quy hoạch. Đáng lưu ý, một số quy hoạch mới được phê duyệt nhưng đã bộc lộ bất cập như: Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long chưa thể hiện rõ mối quan hệ với TP. Hồ Chí Minh và vùng miền Đông Nam bộ.
Hay, 4 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải thì chưa thể hiện được tính đồng bộ, kết nối của 5 phương thức vận tải. Các dự án quan trọng quốc gia trong 4 quy hoạch này chưa phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn 5 năm để gắn kết với các kế hoạch trung hạn, bảo đảm tính khả thi trong triển khai thực hiện.
Đề nghị áp dụng chỉ định thầu để lựa chọn đơn vị tư vấn
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch.
Với các giải pháp cần triển khai ngay, đoàn giám sát kiến nghị cho phép Chính phủ, các cơ quan liên quan được thực hiện các nội dung Luật quy hoạch và các luật hiện hành chưa quy định hoặc đã quy định nhưng bất cập, vướng mắc được thực hiện khác với các luật này để đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch cho đến khi Luật quy hoạch được sửa đổi, có hiệu lực thi hành.
Trong đó Chính phủ quy định rõ khái niệm và phương pháp tích hợp quy hoạch; quy định cụ thể về quy trình lập quy hoạch để lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh nhằm bảo đảm phương pháp tích hợp quy hoạch trong lập quy hoạch.
Áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng đối với các quy hoạch chưa lựa chọn được tư vấn bảo đảm chất lượng, hiệu quả, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Bên cạnh đó lập đồng thời các quy hoạch; điều chỉnh quy hoạch cấp thấp hơn thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia (trừ quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn) khi có nội dung không thống nhất với quy hoạch cấp cao hơn theo hướng không phải thực hiện quy trình lập nhiệm vụ quy hoạch; rút gọn quy trình thẩm định, phê duyệt việc điều chỉnh quy hoạch.
Đồng thời cho phép sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên để chi cho việc điều chỉnh quy hoạch trong trường hợp này...
Về giải pháp trong trung, dài hạn, đoàn giám sát đề nghị Chính phủ tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật quy hoạch và văn bản pháp luật có liên quan để kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật quy hoạch trong thời gian tới.