Một số nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh tăng trưởng tốt
Thống kê của Hải quan Việt Nam cho thấy, năm 2023, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt hơn 7,1 tỷ USD, tăng 4,5% so với năm 2022. Thặng dư thương mại của Việt Nam với Anh đạt hơn 5,5 tỷ USD, tăng 4,9% so với năm 2022.
Việt Nam xuất khẩu sang Vương quốc Anh sản phẩm từ cao su tăng 61% so với năm 2022 |
Số liệu trong Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2023 chỉ rõ, kim ngạch xuất nhập khẩu với Vương quốc Anh, đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường bạn giữ được mức tăng trưởng dương, đây có thể coi là kết quả rất khả quan. Giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Anh đạt hơn 6,3 tỷ USD, tăng 4,6% so với năm 2022. Việc lạm phát vẫn ở mức cao khiến nhu cầu tiêu dùng giảm sút vẫn là trở ngại lớn đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam ở thị trường này.
Tuy nhiên, Việt Nam đang có cơ hội tăng cường xuất khẩu các nhóm hàng như thực phẩm, rau quả, da giày, giấy, cao su, dây điện và dây cáp điện, điện thoại và linh kiện sang Vương quốc Anh do nhu cầu nhập khẩu rất lớn, đặc biệt khi hệ thống cung ứng có nhiều khoảng trống do ảnh hưởng của Brexit và xung đột quân sự tại Ukraine.
Đáng chú ý, một số nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh có tăng trưởng tốt như: Giấy và các sản phẩm từ giấy (71%); sản phẩm từ cao su (61%); dây điện và dây cáp điện (60,5%); phương tiện vận tải và phụ tùng (41%); kim loại thường và các sản phẩm (22%); điện thoại và linh kiện (16%); rau quả (16,7%); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (21%); xơ, sợi dệt các loại (16,8%); hạt điều (13%), cà phê (11,4%), giày dép các loại (3,9%).
Năm 2023, Việt Nam nhập khẩu các loại hàng hóa từ Vương quốc Anh đạt gần 796 triệu USD, tăng 3,2% so với năm 2022. Trong đó các nhóm hàng nhập khẩu từ Anh tăng mạnh bao gồm: Hàng thủy sản (99%); sản phẩm từ sắt thép (74%); vải các loại (52%); kim loại thường (16,4%); phương tiện vận tải khác và phụ tùng (83%); thuốc trừ sâu và nguyên liệu (16,4%); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (13,7%);
Cục Tiêu chuẩn Thực phẩm Anh (FSA) và Cục Tiêu chuẩn Thực phẩm Scotland (FSS) ngày 7/11/2023 đã đưa ra thông báo chính thức về việc tái kiểm thực tế 50% sản phẩm thanh long xuất khẩu từ Việt Nam vào khu vực Anh (England), xứ Wales và Scotland trước khi được phép lưu thông trên thị trường.
Quy định trên đã được áp dụng từ ngày 7/3/2024. Riêng vùng Bắc Ailen vẫn sẽ áp dụng Quy định nhất quán liên quan của EU. Phía nhà chức trách Vương quốc Anh cũng thông báo, việc rà soát và xem xét việc kiểm tra sản phẩm sẽ được tiến hành định kỳ 2 lần/năm.
Việc sản phẩm thanh long xuất khẩu từ Việt Nam vào khu vực Anh (England), xứ Wales và Scotland sẽ tác động tới hoạt động xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam, bao gồm: chi phí xét nghiệm tăng, thời gian thông quan kéo dài, tâm lý người tiêu dùng sở tại với trái thanh long Việt Nam sẽ diễn biến tiêu cực, các siêu thị tại Anh sẽ ngần ngại mua thanh long Việt Nam. FSA và FSS cũng ghi nhận mức độ tuân thủ tốt và số lượng thấp mẫu thử lỗi đối với sản phẩm thanh long của Việt Nam thời gian qua, có thể xem xét giảm tần suất kiểm tra tại các điểm kiểm soát biên giới trong thời gian tới.