Thứ tư 01/01/2025 16:32
Kết nối xuất nhập khẩu nông sản, trái cây, thủy sản qua địa bàn tỉnh Lào Cai

Mở rộng quy mô giao thương biên giới

Hội nghị kết nối xuất nhập khẩu nông sản, trái cây, thủy sản diễn ra tại Lào Cai ngày 13/7/2018 đã thu hút hơn 200 doanh nghiệp hai nước và nhiều tổ chức xúc tiến thương mại các tỉnh, thành phố Việt Nam và tỉnh Vân Nam Trung Quốc tham dự, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Mở ra nhiều cơ hội hợp tác

Hội nghị kết nối xúc tiến xuất nhập khẩu nông sản, trái cây và thủy sản năm 2018 do Bộ Công Thương, UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo Sở Công Thương Lào Cai phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan thực hiện.

Tại hội nghị, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, hội nghị này nằm trong chương trình xúc tiến thương mại (XTTM) quốc gia 2018. Đây là cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt thông tin về thị trường Trung Quốc và cơ chế chính sách xuất nhập khẩu hàng nông sản, trái cây và thủy hải sản qua cặp Cửa khẩu quốc tế Lào Cai (Việt Nam) – Hà Khẩu (Trung Quốc); đồng thời doanh nghiệp Trung Quốc cũng có cơ hội tìm hiểu, trao đổi với các nhà cung ứng nông thủy sản Việt Nam, để từ đó doanh nghiệp hai nước có giải pháp phù hợp, thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa, phát triển thị trường và quan hệ bạn hàng. Đặc biệt, hiện nay, nông thủy sản, trái cây là một trong những ngành hàng có tiềm năng to lớn của Việt Nam. Các sản phẩm nông thủy sản, trái cây không những đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn ngày càng được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, trong đó có thị trường Trung Quốc.

Hội nghị thu hút đông các doanh nghiệp tham dự

Ông Lê Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nhấn mạnh, việc tổ chức hội nghị tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của tỉnh Lào Cai trong việc thúc đẩy, kết nối giao thương xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và các nước thứ ba với thị trường Trung Quốc, trong đó có một lượng lớn hàng hóa nông sản của nông dân từ các địa phương trên cả nước sản xuất được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Điều này, đã thể hiện ở giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh Lào Cai trong những năm qua liên tục tăng trưởng ở mức cao, trong đó các mặt hàng nông sản, trái cây xuất khẩu ngày càng có vị trí quan trọng trong tổng kim ngạch.

Năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lào Cai đạt trên 2,6 tỷ USD, tăng 30,3% so với 2016, trong đó xuất khẩu nông sản, trái cây, thủy sản đạt trên 280 triệu USD; 6 tháng đầu năm 2018, hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lào Cai tiếp tục tăng trưởng cao, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 1,55 tỷ USD, tăng 29% so với cùng kỳ 2017, trong đó xuất khẩu nông sản, trái cây, thủy sản đạt trên 306 triệu USD.

Trái thanh long của tỉnh Bình Thuận được giới thiệu tại hội nghị

Đánh giá cao về hiệu quả của hội nghị sẽ giúp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất - kinh doanh thanh long của tỉnh Bình Thuận được giao lưu, tiếp xúc với doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố Việt Nam và Trung Quốc, ông Đỗ Minh Kính - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cho hay, Bình Thuận có diện tích sản xuất và sản lượng thanh long lớn nhất cả nước với trên 27.000ha, trong đó diện tích cho sản phẩm gần 25.000ha, sản lượng thu hoạch trên 600.000 tấn/năm.

Hiện nay, quả thanh long của Việt Nam xuất sang thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) và Hà Khẩu (Vân Nam) đã có sự gia tăng đáng phấn khởi, từ 1.556 tấn với kim ngạch 1,4 triệu USD năm 2016, đến năm 2017 đã tăng lên 237.225 tấn với kim ngạch 152 triệu USD (tăng 152,5 lần về lượng và tăng 108,5 lần về kim ngạch so với năm 2016); trong 6 tháng đầu năm 2018, thanh long Việt Nam đã xuất khẩu là 270.917 tấn với kim ngạch 198,6 triệu USD, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, trong đó, thanh long của tỉnh Bình Thuận chiếm đa số.

Nhiều nông sản của các địa phương được trưng bày tại hội nghị

“Có được kết quả trên là nhờ sự phối hợp tăng cường, mở rộng mối quan hệ hợp tác, đối ngoại giữa tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam; cùng với sự phối hợp triển khai đồng bộ của Sở Công Thương Lào Cai và Ty Thương vụ tỉnh Vân Nam trong các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ xuất nhập khẩu… đã tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng cho việc giao nhận hàng hóa giữa hai nước, đặc biệt đã giúp đỡ để thanh long và các loại nông sản khác của tỉnh Bình Thuận được xuất khẩu thuận lợi vào thị trường Trung Quốc” - ông Đỗ Minh Kính nhấn mạnh!

Không chỉ có Bình Thuận, đại diện tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh đang rất cần được kết nối để tiêu thụ thủy hải sản, gạo, trái cây, rau màu, bánh pía… tìm kiếm các đối tác liên kết sản xuất và tiêu thụ, hợp đồng với các nhà nhập khẩu, vào các kênh phân phối lớn và các chợ đầu mối. Việc tham dự hội nghị, đối với Sóc Trăng có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ hội tốt để nắm bắt thông tin về thị trường Trung Quốc và cơ chế chính sách xuất nhập khẩu hàng nông sản, trái cây và thủy hải sản qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu, kết nối với các đơn vị đầu mối xuất nhập khẩu của Việt Nam và Trung Quốc.

Các rau củ được trồng theo tiêu chuẩn sạch thu hút sự quan tâm của khách tham quan

Tạo điều kiện thuận lợi tối đa

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đinh Thế Nam - Cán bộ xuất nhập khẩu - Công ty Cổ phần lâm nông sản thực phẩm Yên Bái chia sẻ, công ty lần đầu tham dự hội nghị nhằm mong muốn tìm kiếm đối tác, bạn hàng để mở rộng sản xuất, chế biến tinh bột sắn. Tại hội nghị, một đối tác Trung Quốc đã trực tiếp ký kết tiêu thụ 600 tấn và cam kết sẽ tiêu thụ 20.000 tấn tinh bột sắn.

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lào Cai, ông Lê Ngọc Hưng cho biết, Lào Cai luôn xác định thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh. Lãnh đạo tỉnh Lào Cai và các ngành chức năng đã, đang và sẽ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, tham gia định hướng, tạo mọi điều kiện và hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp khi tham gia hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai cam kết sẽ xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp khi có phản ánh; đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, xây dựng Lào Cai từng bước trở thành “Điểm đến hấp dẫn” thu hút doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nói riêng và các nhà đầu tư trong và ngoài nước nói chung. Đồng thời, tỉnh Lào Cai tiếp tục thực hiện công khai, minh bạch các thủ tục hành chính; tiếp tục thực hiện rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm giảm đầu mối, loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, khó thực hiện để giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Các sản phẩm của các địa phương thu hút đông khách thăm quan

Về phía Trung Quốc, bà Hoàng San- Ty thương vụ tỉnh Vân Nam bày tỏ, thương mại giữa tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và Việt Nam có tính bổ trợ cho nhau rất lớn, tỉnh Vân Nam chủ yếu nhập khẩu các mặt hàng trái cây, hải sản từ Việt Nam. Để đẩy mạnh trao đổi hàng hóa giữa Vân Nam với Việt Nam, Ty thương vụ tỉnh Vân Nam đã tổ chức đoàn đại biểu thương vụ châu Hồng Hà, châu Văn Sơn, thành phố Ngọc Khê cùng với 53 doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực nông sản, trái cây, và thủy sản sang Việt Nam tham dự hội nghị này.

Để khai thông dòng chảy nông sản vào thị trường Trung Quốc, bà Nguyễn Kim Liên - Phó Giám đốc Sở Công Thương Phú Thọ - cho rằng, các Bộ, ngành, trung ương cần tiếp tục hỗ trợ thông tin, dự báo thường xuyên nhu cầu tiêu thụ; thông tin các yêu cầu, rào cản kỹ thuật, quy chuẩn, tiêu chuẩn nhập khẩu vào thị trường chủ trực; hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp, thương nhân nước ngoài đến giám sát, thu mua, tiêu thụ nông sản, trái cây và thủy sản. Bên cạnh đó, thông tin cho các tỉnh, trong đó có Phú Thọ về những quy định, chính sách mới từ phía Trung Quốc trong việc nhập khẩu nông sản, thủy sản, gia súc, gia cầm, cung cấp các thông tin diễn biến tình hình cửa khẩu về số lượng, chủng loại mặt hàng xuất khẩu, giá cả, các thuận lợi, khó khăn, những khuyến cáo cần thiết… để kịp thời thông tin, tháo gỡ cho doanh nghiệp, thương nhân xuất, nhập khẩu hàng nông sản, trái cây và thủy sản.

Quỳnh Nga - Ngọc Quỳnh
Bài viết cùng chủ đề: Lào Cai

Tin cùng chuyên mục

Festival nông sản, sản phẩm làng nghề Hà Nội: Mua sắm tưng bừng chào Xuân 2025

Khai mạc Chương trình Phố rượu vang, trà, cà phê và đặc sản Đà Lạt

Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong xúc tiến thương mại và đầu tư tại Hoa Kỳ

Sở Công Thương Hà Giang: Quảng bá, giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Hà Nội: Khai mạc ‘Hội chợ hàng OCOP năm 2024’

Khai mạc Tuần hàng Việt ‘Made in Vietnam 2024’

Xúc tiến quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của Hà Nội tại Tiền Giang

Đà Nẵng: Tập huấn về Hệ thống quản trị thông tin và điều hành xúc tiến thương mại (Vietrade CRM)

Hàng trăm doanh nghiệp tìm cơ hội phát triển tại chuỗi triển lãm IGHE và IBTE 2024

TP. Hồ Chí Minh: Hơn 900 gian hàng tham dự Triển lãm quốc tế Vietbuild Home

Mekong Connect 2024: Hướng đến phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh mới

Đà Nẵng: Hỗ trợ doanh nghiệp kỹ năng xúc tiến thương mại sang thị trường RCEP

Ninh Thuận: Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư vào các ngành kinh tế trọng điểm

‘Kéo’ nhà mua hàng quốc tế đến Việt Nam để quảng bá rau, quả

Khai mạc Tuần hàng nông sản, đầu tư kết nối tiêu thụ sản phẩm của tỉnh Tuyên Quang tại Hải Phòng

Khai mạc triển lãm quốc tế chuyên ngành thiết bị làm bánh tại Việt Nam

Khai mạc Tuần lễ kết nối giao thương, giới thiệu sản phẩm ngành lương thực thực phẩm

Quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của Hà Nội tại Vĩnh Phúc

Hà Nội: Sắp diễn ra Hội chợ triển lãm sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm OCOP tại huyện Ba Vì

Hiệp định EVFTA: Cơ hội rộng mở để nông sản Việt vào thị trường EU