Thứ hai 23/12/2024 07:01

Mở rộng hợp tác đầu tư giữa Hàn Quốc và Việt Nam tại khu vực miền Trung

Các tỉnh, thành phố miền Trung còn nhiều tiềm năng và luôn tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư Hàn Quốc đến đầu tư, kinh doanh.

Kim ngạch thương mại Việt Nam – Hàn Quốc tăng 160 lần trong 30 năm

Chiều 24/11, tại TP. Đà Nẵng, Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng phối hợp với UBND các địa phương: TP. Đà Nẵng, tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Quảng Nam, và tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội thảo Mở rộng hợp tác đầu tư giữa Hàn Quốc và Việt Nam tại miền Trung Việt Nam.

Ông Kang Boo Sung – Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại Đà Nẵng

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Kang Boo Sung – Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại Đà Nẵng cho biết, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc đã phát triển nhanh chóng trên mọi lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.

Trong đầu tư, tính đến tháng 7/2023, Hàn Quốc là đối tác đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư là 83 tỷ USD. Riêng năm 2023, tổng vốn đầu tư mới từ Hàn Quốc vào Việt Nam là 2,3 tỷ USD, đứng thứ 2 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Trong lĩnh vực thương mại, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao ở mức khoảng 500 triệu USD, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng hơn 160 lần trong 30 năm qua, đạt 81,1 tỷ USD vào năm 2022 và hai nước hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của nhau.

Theo ông Kang Boo Sung, sự hợp tác kinh tế tích cực này là tiền đề thúc đẩy việc nâng cấp mối quan hệ giữa hai nước lên thành “đối tác chiến lược toàn diện” vào cuối năm 2022, và trung tâm của sự hợp tác này là khoảng 8.000 doanh nghiệp Hàn Quốc hiện đang hoạt động tại Việt Nam. “Trọng tâm để phát triển mối quan hệ song phương Việt Nam – Hàn Quốc trong 30 năm tới là mở rộng và phát triển một cách bền vững hơn nữa mối quan hệ hợp tác kinh tế hiện nay”, Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại Đà Nẵng nói.

Theo Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại Đà Nẵng, hiện, các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam tương đối tập trung nhiều hơn ở khu vực miền Bắc và miền Nam Việt Nam, nhưng nhờ chính sách phát triển cân bằng giữa các khu vực của Việt Nam và hoạt động thu hút đầu tư tích cực của chính quyền các địa phương nên ngày càng có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm đến khu vực miền Trung hơn trước. Hiện nay đang có khoảng 250 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại khu vực miền Trung Việt Nam. “Tôi tin rằng sự thành công của các doanh nghiệp này sẽ là những ví dụ điển hình để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào khu vực miền Trung hơn nữa”, ông Kang Boo Sung nhận định và cho biết, Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng cũng sẽ nỗ lực cùng với chính quyền các địa phương miền Trung hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp Hàn Quốc, đồng thời góp phần mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa hợp tác kinh tế giữa Hàn Quốc và khu vực miền Trung Việt Nam.

Các địa phương miền Trung cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Hàn Quốc

Tại chương trình, 4 địa phương miền Trung gồm: Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã giới thiệu về môi trường đầu tư, lợi thế thu hút đầu tư của mỗi địa phương; đồng thời, lắng nghe các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm đầu tư tại miền Trung cũng như các đề xuất mở rộng đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc vào miền Trung Việt Nam.

Các dự án vốn FDI đầu tư vào miền Trung còn chưa tương xứng với tiềm năng

Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng – ông Hồ Kỳ Minh cho biết, xác định vốn đầu tư nước ngoài là một hợp phần quan trọng của nền kinh tế, nhiều địa phương khu vực miền Trung đã và đang đẩy mạnh thu hút vốn FDI với nhiều chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuê đất, hỗ trợ đào tạo lao động, nhập khẩu trang thiết bị tạo tài sản cố định dự án… Bên cạnh đó, việc liên tục cải thiện môi trường đầu tư, thủ tục hành chính đã tạo sự thuận lợi cho các nhà đầu tư nói chung, doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng ngay khi đến tìm hiểu, đầu tư vào các địa phương.

“Lãnh đạo các địa phương miền Trung luôn cam kết tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với khu vực tư nhân và các khu vực kinh tế khác để cùng nhau phát triển, đem lại lợi ích cho cả hai bên”, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nói.

Riêng tại TP. Đà Nẵng, hiện có 268 dự án vốn FDI Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư 362 triệu USD, đứng thứ 5/45 vùng/lãnh thổ có dự án đầu tư tại Đà Nẵng. Các dự án đầu tư của Hàn Quốc đều được triển khai đảm bảo tiến độ và chất lượng, phù hợp với định hướng phát triển của thành phố.

“Hội thảo là dịp để các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam cùng nhau tìm hiểu môi trường đầu tư tại Đà Nẵng nói riêng và những lợi thế, tiềm năng, định hướng của các tỉnh, thành phố miền Trung nói chung”, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nói và hy vọng nhiều công ty Hàn Quốc sẽ đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, hợp tác kinh doanh tại Đà Nẵng và miền Trung.

Các địa phương miền Trung Việt Nam kêu gọi đầu tư từ Hàn Quốc

Ông Nguyễn Xuân Bắc – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh hiện có 15 dự án vốn FDI của Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký hơn 360 triệu USD. Tỉnh Quảng Ngãi mong có sự hợp tác nhiều hơn nữa với các đối tác Hàn Quốc trong thiết lập quan hệ hợp tác, hữu nghị (kết nghĩa) với các địa phương của Hàn Quốc; Hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa của tỉnh sang thị trường Hàn Quốc, chú trọng sản phẩm nông nghiệp; Hỗ trợ kết nối, thu hút, quảng bá xúc tiến đầu tư; Hợp tác nguồn nhân lực (đào tạo, đưa người lao động ra nước ngoài làm việc có thời hạn).

Vũ Lê
Bài viết cùng chủ đề: thu hút đầu tư Hàn Quốc

Tin cùng chuyên mục

Trở lại nơi làm nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận: Bài 3 - Vào cuộc với hào khí anh hùng

Sóc Trăng: Nông dân kỳ vọng lớn vào vụ hành tím sớm phục vụ Tết

Tuyên Quang: Giá trị sản xuất ngành công nghiệp huyện Na Hang tăng 12%

Thanh Hóa: Triển khai có hiệu quả chính sách giảm nghèo bền vững

Đồn Biên phòng Lũng Cú tiếp tục trồng cây xanh bảo vệ biên giới

Bài 2 - Tự hào vì quê hương có nhà máy điện hạt nhân

Sở Công Thương Hà Giang: Quảng bá, giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Khai mạc Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu năm 2024

Quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP và đặc sản tỉnh Nghệ An năm 2024

Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh thành khu kinh tế năng động, thông minh

Kết nối đầu tư, thương mại và du lịch 2 tỉnh Sơn La và Thanh Hóa

Hậu Giang: Phát triển công nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong năm 2025

Trở lại nơi làm nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận: Bài 1 - Đồng thuận và mong chờ

Đồng Tháp: Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93,75%, cao hơn bình quân cả nước

Ngành Công Thương Thanh Hóa triển khai hiệu quả khuyến công, góp phần xóa đói giảm nghèo

Vĩnh Phúc: Người dân, doanh nghiệp là trung tâm của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Phê chuẩn kết quả bầu ông Dương Minh Dũng làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

Sóc Trăng: Nông dân ‘đổi đời’ nhờ xuất khẩu vú sữa sang thị trường Hoa Kỳ

Giao lưu văn hóa giữa lực lượng biên phòng Hà Giang (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc)

Bài cuối - Giải pháp đưa Chương trình OCOP phát triển bền vững