Mở cửa thị trường cho quả bưởi và chanh sang New Zealand
Ngày 22/3, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) gửi Công văn số 637/BVTV-HTQT tới Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố; Hiệp hội Rau quả Việt Nam; và các tổ chức, cá nhân sản xuất và xuất khẩu trái cây tươi đề nghị xin ý kiến về dự thảo “Chương trình xuất khẩu về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với hai loại quả tươi là bưởi và chanh xuất khẩu sang New Zealand. Theo đó, Cục BVTV đã đề xuất hai bước quản lý sinh vật gây hại trên đồng ruộng và sau thu hoạch.
Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục BVTV - cho biết, trước khi xuất khẩu quả tươi đi New Zealand hay bất cứ nước nào, chúng ta phải đáp ứng quy định của phía nước nhập khẩu.
Đầu tiên là cơ quan quản lý BVTV cấp quốc gia gửi hồ sơ kỹ thuật liên quan đến mặt hàng xuất khẩu, bao gồm các nhóm thông tin như: thông tin sản phẩm, giống, quy trình canh tác, danh sách các sinh vật gây hại có thể lây nhiễm, biện pháp BVTV, các hoạt chất sử dụng trong cận thu hoạch, phương pháp bảo quản sau thu hoạch và trước khi xuất khẩu, công tác kiểm dịch thực vật… và tất cả phải được cung cấp đầy đủ bằng tiếng Anh.
Theo thông lệ quốc tế, trên cơ sở hồ sơ từ nước xuất khẩu, nước nhập khẩu (ở đây là New Zealand) sẽ đánh giá nguy cơ dịch hại có kèm theo các biện pháp quản lý cũng như nhận xét về khả năng đảm bảo yêu cầu của nước xuất khẩu. Tuy nhiên, điểm khác là từng nước sẽ đưa ra tỷ lệ lấy mẫu, biện pháp kiểm dịch thực vật khác nhau.
New Zealand có hơn 5 triệu dân, bên cạnh đó New Zealand có hệ thống kiểm dịch thực vật chặt chẽ bậc nhất thế giới, do đó, việc xuất khẩu quả tươi sang thị trường này mang nhiều ý nghĩa.
Bởi nếu Việt Nam xuất khẩu được sang New Zealand, điều đó không những thể hiện uy tín hàng hóa, năng lực kỹ thuật, kiểm dịch, quản lý của chúng ta, mà còn tạo thuận lợi trong việc đàm phán mở cửa thị trường với các quốc gia khác.
Trong các yêu cầu từ phía New Zealand, ông Hoàng Trung cho biết, việc lưu trữ hồ sơ cần được quan tâm đúng mức. Trong đó, vùng trồng phải có sổ ghi chép nhật ký; cơ sở đóng gói cần hồ sơ quản lý chất lượng sản phẩm; cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật phải có giấy chứng nhận của Cục BVTV về điều kiện hoạt động.