Khai trương MM Food Service Hưng Phú |
Kích cầu tiêu thụ hàng Việt và sản phẩm OCOP
Thị trường bán lẻ tại Việt Nam bắt đầu suy yếu dần kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu bùng phát. Theo thống kê, trong quý 3/2020, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ giảm 0,1% theo năm, so với mức -12% trong quý 2 do những tác động của dịch bệnh Covid-19. Ngay sau khi Việt Nam bước vào giai đoạn “bình thường mới”, Bộ Công Thương đã phát động các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa nhằm mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương sản xuất, kinh doanh.
Với cam kết phát triển bền vững và gắn bó lâu dài tại Việt Nam, MM đã tích cực hưởng ứng chương trình hành động của Bộ Công Thương, chung tay hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa vượt khó trong thời kỳ đại dịch. Vào đầu tháng 10, doanh nghiệp Thái Lan này đã chính thức tổ chức “Tuần hàng Việt Nam và Sản phẩm OCOP (Mỗi xã một sản phẩm)” tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội với sự tham gia của nhiều ngành hàng là các sản phẩm nổi tiếng đến từ nhiều địa phương và vùng miền của Việt Nam.
Cũng tại sự kiện này, MM Mega Market đã ký kết Biên bản ghi nhớ với Sở Công Thương của 14 tỉnh về việc “Phát triển sản xuất và kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP vào điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP”. Theo đó, MM phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoàn thành điều kiện, thủ tục đưa sản phẩm vào kênh phân phối của hệ thống siêu thị MM. Trong tháng 11/2020, MM tiếp tục đồng hành với Sở Công Thương tổ chức “Chương trình kết nối hàng Việt - OCOP Đà Nẵng 2020” có quy mô 60 gian hàng của 100 doanh nghiệp tham gia. Theo ông Bruno Jousselin - Tổng giám đốc MM Việt Nam, những sự kiện này không chỉ nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa, hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương, mà còn giúp doanh nghiệp tìm kiếm các cơ hội hợp tác chiến lược với nhà cung cấp mới, để cùng phát triển và mang đến sự đa dạng mặt hàng từ nhiều vùng miền đến cho khách hàng của MM. Chỉ một thời gian ngắn sau khi các sự kiện kết nối được triển khai, hiện, MM đã kết nối và đưa được hơn 500 mặt hàng OCOP vào phân phối trong hệ thống 21 trung tâm MM trên toàn quốc.
Tuần hàng Việt và các sản phẩm OCOP tại TP. Hồ Chí Minh |
Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Việt sang thị trường nước ngoài
Song song với các hoạt động kích cầu nội địa, MM nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu sang nước ngoài trong bối cảnh nông sản đối mặt với nhiều thách thức trong ngắn và trung hạn do Covid-19. Trong năm 2020, nhà bán lẻ Thái Lan đã đặt mục tiêu tăng sản lượng lên 6.000 tấn, gấp 5 lần năm 2019, tập trung vào các thị trường mới như Singapore, bên cạnh thị trường Thái Lan đã phát triển ổn định.
Nhằm phục vụ cho kế hoạch mở rộng thị trường và đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ thu mua, tiêu thụ nông sản, đại diện MM cho biết, đang tìm kiếm thêm các nhà cung cấp mới tại nhiều địa phương. Doanh nghiệp này đã thành lập bộ phận kinh doanh xuất khẩu, cùng phối hợp với bộ phận thu mua, quản lý chất lượng làm việc trực tiếp với nông dân để đảm bảo chất lượng nguồn hàng. Cũng theo ông Bruno Jousselin, một số thị trường như Indonesia, Hồng Kông, Malaysia đang quan tâm các mặt hàng thủy - hải sản Việt Nam.
Trước đó, MM đã triển khai nhiều hoạt động quảng bá với các đối tác nước ngoài, như tổ chức chuyến đi thực tế cho đội ngũ thu mua Thái Lan và các đoàn khách doanh nghiệp khu vực Đông Nam Á sang khảo sát, tìm kiếm nguồn hàng tại Lâm Đồng, Bến Tre, Cần Thơ..., mở ra cơ hội giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và các thị trường trong khu vực.
Phát triển mở rộng mạnh mẽ
Có thể nói, đại dịch Covid-19 đã thay đổi nhanh chóng thói quen mua sắm của người tiêu dùng và tạo ra một năm chuyển đổi sôi động của thị trường bán lẻ Việt Nam. Trong đó, làn sóng các nhà bán lẻ chuyển đổi sang bán hàng đa kênh, phát triển các nền tảng bán hàng trực tuyến đã diễn ra rất nhanh. “Có những chiến lược phát triển của MM trong kế hoạch ban đầu (khi chưa xảy ra đại dịch Covid-19), chúng tôi dự kiến sẽ triển khai ở thời gian xa hơn, nhưng khi Covid-19 xảy ra, chúng tôi đã phải nhanh chóng triển khai chiến lược đó sớm hơn. Đấy là cuộc cách mạng chuyển đổi kỹ thuật số trong kinh doanh, phát triển mảng thương mại điện tử và đẩy mạnh kênh bán hàng online, bên cạnh kênh offline” - ông Bruno Jousselin chia sẻ.
Năm 2020 đánh dấu cột mốc mới, khi tập đoàn Thái Lan này đưa vào vận hành tại thị trường bán buôn, bán lẻ Việt Nam hai mô hình kinh doanh mới. Cụ thể, vào đầu tháng 12/2020, MM đã khai trương địa điểm kinh doanh - depot đầu tiên tại Phú Quốc (trạm trung chuyển, lưu trữ và cung cấp hàng hóa). Mô hình kinh doanh depot cung cấp các mặt hàng được lưu trữ và phân phối rất đa dạng, chủ yếu là thực phẩm đông lạnh, đồ khô và phi thực phẩm nhằm phục vụ nhóm khách hàng chuyên nghiệp: Nhà hàng; khách sạn 4 - 5 sao, 2 - 3 sao, quán ăn và tạp hóa tại Phú Quốc nhằm đón đầu cơ hội khi Phú Quốc vừa chuyển mình thành “thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam”.
Mới đây, vào đầu tháng 1/2021, MM tiếp tục đưa vào hoạt động Depot thứ 2 tại Lâm Đồng nhằm cung ứng đa dạng hàng hóa, chất lượng, kịp thời, với giá cạnh tranh cho nhóm khách hàng chuyên nghiệp HoReCa (Nhà hàng, Khách sạn, Căng tin) và nhóm khách hàng tạp hóa trên địa bàn. Depot này cũng được kỳ vọng sẽ đón đầu những cơ hội mới trong bối cảnh ngành du dịch, dịch vụ tại Lâm Đồng có dấu hiệu phục hồi tích cực và tiếp tục tăng trưởng theo định hướng trở thành “ngành kinh tế mũi nhọn” của tỉnh.
Tiếp đó, ngày 24/12, doanh nghiệp này tiếp tục khai trương một mô hình phân phối mới là Trung tâm phân phối và bán sỉ thực phẩm (Food Service Center). Đây là mô hình trung tâm phân phối và bán sỉ cho nhóm khách hàng có nhu cầu mua hàng số lượng lớn và nhóm khách hàng chuyên nghiệp như HoReCa. MM Food Service đầu tiên hoạt động tại 9B Kha Vạn Cân (phường Linh Đông, Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) đã đánh dấu một bước phát triển mới của MM tại Việt Nam.
Cũng trong tháng 12/2020, MM Mega Market chính thức đưa vào vận hành trạm trung chuyển thịt heo đầu tiên tại miền Bắc nhằm mục tiêu cung cấp sản phẩm chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng. Đồng thời, mang đến cho các nông hộ cơ hội tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng thịt heo áp dụng công nghệ cao của MM và đảm bảo đầu ra bền vững.
Mặc dù bị tác động đáng kể do đại dịch Covid-19 gây ra, nhưng ngành bán lẻ Việt Nam vẫn hứa hẹn triển vọng tăng trưởng mạnh trong dài hạn. Theo dự báo của Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 9 - 9,5% mỗi năm trong giai đoạn 2020 - 2025. Bởi vậy, trong giai đoạn đại dịch cũng là thời điểm để các doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ có tiềm lực mạnh và tầm nhìn dài hạn như MM đầu tư phát triển mở rộng. |