Chủ nhật 27/04/2025 06:46

Minh bạch quảng cáo: Cần luật hóa trách nhiệm người nổi tiếng

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, người nổi tiếng, nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm cần đặt trong khuôn khổ pháp luật một cách rõ ràng và nghiêm túc.

Gần đây, ngoài vụ sữa giả, dư luận xã hội không khỏi bức xúc trước tình trạng một số người nổi tiếng, nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, người nổi tiếng tham gia quảng cáo sản phẩm thiếu trung thực, thổi phồng công dụng, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Những vụ việc này không chỉ làm dấy lên làn sóng phản ứng mạnh mẽ từ công chúng, mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc nâng cao trách nhiệm của nghệ sĩ khi tham gia quảng bá sản phẩm.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB Law đã có chia sẻ với Báo Công Thương về trách nhiệm của người nổi tiếng trong việc tham gia quảng cáo cũng như việc kiểm soát, quản lý sản phẩm nội bộ của doanh nghiệp nhằm tránh các rủi ro pháp lý, bảo vệ người tiêu dùng.

Việc một số người nổi tiếng, nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm thiếu trung thực đang gây nhiều bức xúc trong dư luận. Ảnh minh họa

- Việc nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật không chỉ gây bức xúc mà còn gây hệ lụy nghiêm trọng đối với người tiêu dùng. Ông đề xuất gì để siết chặt trách nhiệm pháp lý trong hoạt động quảng cáo của người có ảnh hưởng?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Trong chuỗi hoạt động quảng cáo, không chỉ nhà sản xuất hay doanh nghiệp mới phải chịu trách nhiệm, mà người đại diện hình ảnh, đặc biệt là nghệ sĩ, người nổi tiếng, người có tầm ảnh hưởng cũng cần đặt trong khuôn khổ pháp luật một cách rõ ràng và nghiêm túc.

Theo đó, cần bổ sung quy định rõ ràng về trách nhiệm của người quảng cáo. Hiện nay, Luật Quảng cáo 2012 và các văn bản dưới luật vẫn thiếu quy định cụ thể ràng buộc trách nhiệm pháp lý của KOLs (người có ảnh hưởng), nghệ sĩ khi quảng cáo sai sự thật.

Vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung luật theo hướng: Người quảng cáo phải tự kiểm tra, xác minh thông tin sản phẩm; chịu trách nhiệm liên đới nếu sản phẩm gây thiệt hại cho người tiêu dùng; phải công khai mối quan hệ tài trợ hoặc lợi ích với bên cung cấp sản phẩm; công khai, minh bạch và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Cần thiết, chúng ta nên công bố công khai tên tổ chức/cá nhân vi phạm, đưa vào “danh sách đen quảng cáo” (Blacklist). Ngoài xử phạt hành chính, có thể buộc bồi thường thiệt hại, xin lỗi công khai và cấm tham gia hoạt động quảng cáo trong thời hạn nhất định nếu vi phạm nhiều lần.

Ngoài ra, cần thành lập bộ phận chuyên trách trong các cơ quan quản lý nhà nước để giám sát quảng cáo trên nền tảng số, phối hợp với nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube. Đồng thời khuyến khích người tiêu dùng phản ánh sai phạm qua một cổng thông tin trực tuyến chuyên biệt, đơn giản, dễ tiếp cận.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB Law

- Thưa ông, liên quan đến vụ sữa giả gây bức xúc trong dư luận, ông đánh giá thế nào về mức độ vi phạm và chế tài xử lý hiện hành đối với hành vi này?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Vụ việc sản xuất và tiêu thụ sữa giả là hành vi đặc biệt nguy hiểm cho xã hội và cần được xử lý nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giữ gìn trật tự trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Pháp luật hiện hành đã có đầy đủ công cụ để xử lý, vấn đề còn lại là việc thực thi phải thật sự quyết liệt, công khai và kịp thời. Dưới góc độ pháp lý, hành vi này có thể bị xử lý hành chính và hình sự, tùy thuộc vào mức độ và hậu quả gây ra.

Cụ thể, xử lý hành chính, nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, người vi phạm có thể bị xử phạt theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP, cụ thể là Điều 3 và Điều 9, Điều 10 quy định về xử phạt hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hoá không có giá trị sử dụng, công dụng. Mức phạt có thể lên tới 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức, kèm theo các biện pháp bổ sung như tịch thu hàng hóa vi phạm, tiêu hủy sản phẩm giả, buộc nộp lại số tiền thu lợi bất chính và đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trong trường hợp hành vi có dấu hiệu cấu thành tội phạm, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm. Mức phạt có thể lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân nếu hành vi gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như làm chết người, gây tổn hại lớn đến sức khỏe hoặc thu lợi bất chính với số tiền lớn.

- Từ vụ sữa giả, ông có khuyến nghị gì dành cho doanh nghiệp trong việc thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ, quản lý sản phẩm, quảng cáo để tránh rủi ro pháp lý và tổn hại niềm tin người tiêu dùng?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Đây là một hồi chuông cảnh tỉnh không chỉ đối với các cá nhân có tầm ảnh hưởng tham gia quảng bá sản phẩm, mà còn đặc biệt đặt ra yêu cầu rất rõ ràng cho các doanh nghiệp trong việc thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ và cơ chế quản lý chất lượng sản phẩm - đặc biệt ở khâu phân phối.

Cụ thể, doanh nghiệp cần kiểm soát tốt từ trong ra ngoài, bởi, nhiều doanh nghiệp hiện chỉ chú trọng khâu sản xuất, mà chưa kiểm soát chặt quá trình đưa sản phẩm ra thị trường - từ nhà phân phối, đại lý cho tới người quảng bá (KOLs, nghệ sĩ). Trong khi đó, một sai sót nhỏ ở khâu này cũng có thể dẫn tới khủng hoảng truyền thông hoặc thậm chí là vi phạm pháp luật.

Cùng với đó, phải kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm trước khi quảng cáo. Doanh nghiệp nên có đội ngũ pháp lý hoặc bộ phận chuyên môn để rà soát các yếu tố sau: Sản phẩm đã đủ điều kiện lưu hành chưa? Có giấy tờ công bố chất lượng không? Nội dung quảng cáo có đúng với bản chất sản phẩm không?

Đồng thời, phải chọn người đại diện quảng cáo một cách có trách nhiệm. Đó là, khi mời nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo, doanh nghiệp nên: Làm hợp đồng rõ ràng về trách nhiệm pháp lý, cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin về sản phẩm, giám sát nội dung họ đăng tải, tránh để sai lệch hoặc phóng đại quá mức.

Ngoài ra, phải chủ động tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng. Đây cũng là cách để phát hiện sớm rủi ro, từ đó ứng phó kịp thời và hạn chế thiệt hại. Cuối cùng, doanh nghiệp cần xác định rõ rằng, uy tín trên thị trường không chỉ đến từ doanh số, mà còn từ sự minh bạch và trách nhiệm đối với cộng đồng.

- Bên cạnh đó, theo ông, doanh nghiệp cần nâng cấp quy trình giám sát chất lượng - truy xuất nguồn gốc ra sao để phòng ngừa sự cố tương tự trong tương lai?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Trước hết, doanh nghiệp cần xây dựng và áp dụng nghiêm ngặt hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế như ISO 22000, HACCP, hoặc FSSC 22000. Các tiêu chuẩn này không chỉ kiểm soát an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất mà còn yêu cầu đánh giá rủi ro, truy vết nguyên liệu và kiểm soát từng công đoạn một cách khoa học, có hệ thống.

Tiếp theo, doanh nghiệp cần triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc nguyên liệu và sản phẩm đầu ra bằng công nghệ số, ví dụ như mã QR, blockchain hoặc các phần mềm truy xuất chuyên dụng. Việc số hóa toàn bộ quy trình từ khâu nhập nguyên liệu, sản xuất, đóng gói, phân phối đến khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng sẽ giúp phát hiện và ngăn chặn sớm các sai phạm, đồng thời nâng cao tính minh bạch và niềm tin thị trường.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần tăng cường kiểm tra nội bộ, đào tạo định kỳ và xây dựng văn hóa doanh nghiệp gắn liền với tuân thủ pháp luật. Các bộ phận như kiểm định chất lượng (QA/QC), pháp chế nội bộ và ban điều hành phải phối hợp chặt chẽ để phát hiện và xử lý kịp thời mọi rủi ro tiềm ẩn, đặc biệt là trong bối cảnh các hình thức làm giả ngày càng tinh vi và có tổ chức.

Xin cảm ơn ông!

Một doanh nghiệp uy tín không chỉ dừng lại ở việc "đúng luật", mà còn phải chủ động "vượt chuẩn" - nghĩa là tự đặt ra tiêu chuẩn nội bộ nghiêm ngặt hơn so với mức tối thiểu của pháp luật. Đây là cách để doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu của chính mình, giữ vững lòng tin của người tiêu dùng và tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững trong ngành.
Bảo Thoa
Bài viết cùng chủ đề: quảng cáo sai quy định

Tin cùng chuyên mục

Xe container cháy dữ dội trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai

'Thủ phủ' thời trang Hà Nội bùng nổ ưu đãi dịp đại lễ 30/4

Xếp hàng tìm về mùa xuân lịch sử qua từng trang giai phẩm Báo Nhân Dân

Chiến thắng 30/4: Ngọn lửa bất diệt trong lòng thế hệ trẻ

Diễn biến mới nhất vụ lật xe khách ở Tam Đảo

Tìm ra Quán quân giải đua xe năng lượng trời Cao Thắng

Chiến thắng lịch sử 30/4: Chuyện kể từ đất nước ‘cực quang’

Ngành xăng dầu: Bản anh hùng ca thầm lặng trong những bước ngoặt lịch sử

TikToker Phạm Thoại bất ngờ tái xuất sau gần 60 ngày 'vắng bóng'

Hà Nội rực rỡ cờ hoa chào mừng Ngày Thống nhất non sông

Thông tin về chế độ thanh niên xung phong giai đoạn 1965-1975

Thúc đẩy du lịch xanh: Cần đổi mới tư duy, hành động

Thành phố Huế: Phát động Tháng hành động an toàn lao động

Hướng về đại lễ 30/4: Bản lĩnh Việt Nam qua lời các tướng lĩnh trong ‘Chân trần, Chí thép'

Việt Nam giành 6 huy chương Vàng tại Olympic Toán học Turkmenistan

Chùm ảnh: Buổi sơ duyệt diễu binh, diễu hành phục vụ đại lễ 30/4

Thời tiết hôm nay 26/4: Hà Nội mưa đá, gió giật mạnh

Thời tiết biển hôm nay 26/4/2025: Nam Biển Đông có mưa, dông

Hà Nội sắp xếp hệ thống khám chữa bệnh theo 3 cấp

Hà Nội thành lập Cụm công nghiệp làng nghề Thạch Xá