Văn hóa tiền lẻ hay cái giá của văn hóa tâm linh quá rẻ? Sức hút từ miền trầm tích văn hóa tâm linh |
Những ngày đầu năm, trong một chuyến công tác tìm về các làng quê để tìm hiểu về văn hoá tâm linh các vùng miền. Có rất nhiều câu chuyện hay, song chúng tôi ấn tượng bởi câu chuyện thờ rắn nước ở xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Nghe các cụ cao niên trong làng kể lại, câu chuyện dường như được người dân thêu dệt thành thần thánh nhuốm màu hoang đường.
Người dân ở xã Tùng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh lập ngôi miếu này để thờ “ngài rắn nước” |
Rắn hiểu tiếng người?
Ông Hà Phan, 81 tuổi, người rành rõ nhất về chuyện này đã đưa chúng tôi đến thắp hương tại ngôi miếu thờ “ngài rắn” và cho biết, từ đứa trẻ chăn trâu đến các cụ già ở thôn Tân Quang (Tùng Lộc) nếu hỏi về chuyện thờ rắn nước đều có thể kể lại vanh vách.
Ông Phan còn giới thiệu với chúng tôi về những hình ảnh chụp con rắn nước được trưng bày trong miếu thờ, đến xác rắn được cất giữ trong chiếc hòm kính đầy “linh thiêng”.
Hồi tưởng lại, ông Phan kể, bắt đầu câu chuyện từ tháng 4 năm 2012, có một con rắn nước (sống dưới nước, thân màu vàng nhạt, có đốm đen, ăn ếch nhái – người viết) bò lên xe máy của một người dân tên là Nhân, sinh 49 quả trứng. Gia đình anh Nhân lo có điềm xấu đã làm lễ rước rắn ra trạm điện của xóm.
Cho đây là chuyện kỳ lạ, một số người dân đưa con rắn đến một am thờ gần đó và lập bàn thờ rắn sống. Hàng ngày, rất đông người hiếu kỳ đến xem, người thắp hương, quỳ khấn và truyền tai nhau về con rắn nước không có lưỡi, luôn đổi màu: lúc thì đen, lúc thì xanh đậm... Rắn chỉ uống nước C2, nước cam, không ăn bất cứ thứ gì khác.
Ông Hà Phan giới thiệu về hình ảnh “ngài rắn” được trưng bày trong miếu thờ |
Ông Phan tiếp lời: “Rắn còn nghe được tiếng người. Bất kể già hay trẻ, ai đến dâng hương thì rắn nhìn thẳng vào mặt và nhấp miệng ba lần. Rắn còn chịu nắng rất tốt. Dù nắng gắt mấy rắn cũng nằm trên bàn gỗ phơi mình. Có lần rắn chui vào ly hương đang cháy mà không vấn đề gì. Kỳ lạ hơn, có lần rắn cuốn mình vào tượng hổ, có thanh niên cầm cổ rắn kéo ra nhưng không được, rắn chỉ xây xước nhẹ…”.
Đáng nói, câu chuyện về “ngài rắn” còn được người dân ghi chép lại rất tỉ mỉ vào quyển vở kẻ ô li đặt ở miếu thờ: “Rắn rất hiền lành, bất kể đàn ông hay đàn bà đưa tay ra là rắn bò lên. Bà Quận ở xóm Nam Tân Dân, xã Tùng Lộc bị đau thần kinh ở tay. Bà mời rắn bò lên tay trị bệnh, rắn từ từ bò lên tay nằm im, tự nhiên tay bà không đau nữa…”.
Theo ông Hà Phan khẳng định, “ngài rắn” chữa bệnh cho người dân là có thật. Ai đau bệnh gì cứ đưa nước ngọt đến khấn vái xin “ngài rắn” rồi uống vào đều lành. Người đến xin “thuốc rắn” rất đông nên công đức lại rất nhiều tiền. Vì vậy, một số người dân họp bàn phải xây ngôi miếu để “ngài rắn” ở cho mát mẻ.
Sau đó, miếu thờ cũng được xây dựng với kinh phí hơn 20 triệu đồng từ tiền công đức. Rất đông người dân tham dự lễ khánh thành miếu thờ và rước “ngài rắn”. Hôm đó, tiếng trống, tiếng chiêng ầm vang khắp làng. Con rắn nước được rước đi một vòng quanh làng mới đưa vào miếu thờ làm lễ tế bái. “
Con rắn nước xuất hiện được 45 ngày thì chết. Xác được người dân đặt trong tủ kính để thờ cúng…” - ông Phan lắng giọng.
Bức ảnh chụp lại về hình ảnh người dân xã Tùng Lộc tổ chức lễ rước “ngài rắn” vào đền thờ |
Băn khoăn về thực hư câu chuyện kỳ bí này, chúng tôi tới gặp ông Nguyễn Chí Tùng, Chủ tịch xã Tùng Lộc và được biết, ngay sau khi thông tin trên lan truyền trong dân, chính quyền địa phương đã vào cuộc tìm hiểu, khẳng định đây là con rắn nước bình thường. Những người dân mê tín, thêu dệt thần thánh của con rắn đều được mời lên trụ sở xã làm việc.
“Thời kỳ đó xã có triệu tập những người xây dựng đền miếu lên tuyên truyền nói rõ cho họ hiểu ra đó là con rắn nước sống ở đồng. Miếu thờ nay vẫn còn tồn tại, không đập phá, mê tín dị đoan không còn nữa nhưng vẫn có người dân đến thắp hương ở miếu thờ…”, ông Nguyễn Chí Tùng, Chủ tịch xã Tùng Lộc cho hay.
“Thần đá” giúp tìm vật nuôi
Chưa hết ngạc nhiên về câu chuyện thờ "ngài rắn", chúng tôi lại bị thu hút bởi câu chuyện về hòn đá linh thiêng “mách bảo” người dân tìm lại vật nuôi ở xã Thanh Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh).
Thấy chúng tôi lạ mặt đến làng, một thanh niên trong làng gặng hỏi: “Các anh mất trâu bò phải không. Đền thờ “thần đá” thiêng lắm, mua thẻ hương, nén vàng đến khấn cầu sẽ tìm thấy ngay…”.
Theo quan sát của chúng tôi, khu đất rộng gần 1.000m2 được xây tường bao ở xóm Thanh Bình (Thanh Lộc) có đề bảng “Di Tích Bản Thổ”. Vào khu đất này là cây cổ thủ rập rạm và ngôi đền mới được đầu tư hơn 300 triệu đồng rất quy mô. Ở điện chính của đền có một hòn đá lộ thiên dài gần 1.6m, rộng 0.9m. Xung quanh hòn đá có đặt bàn thờ, lư hương, bình hoa để người dân thắp hương, khấn bái.
Khu đề thờ “thần đá” ở xã Thanh Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) có rất nhiều người dân đến thắp hương, khấn bái |
Đến thắp hương ở ngôi đền này, anh Lê Văn Toàn, ở thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) chia sẻ: “Gia đình có cặp lợn giống mới mua bị xổng chuồng, tìm kiếm hơn tuần nay rồi không thấy. Nghe bảo ngôi đền này thờ "thần đá" thiêng lắm, ai đến thắp hương sẽ tìm được vật nuôi. Hy vọng “thần đá” phù hộ sớm tìm được lợn”.
Tò mò về gốc tích của "thần đá", ông Nguyễn Công Tý, ở xóm Thanh Bình cho biết, từ khi sinh ra và lớn lên ông đã thấy người dân trong làng thờ “thần đá” rồi. Gốc tích về “thần đá” thì không ai hay biết. Chỉ thấy sự trùng lặp khi người dân trong làng mất trâu, mất bò đến thắp hương, cầu khấn thì sẽ có người khác mách bảo cho đến tìm. Tiếng lành đồn xa, nhiều người đến đây không chỉ khấn bái tìm vật nuôi mà còn cầu an, đi đường, thi cử…
Theo người dân trong làng, có một giai thoại thờ “thần đá” được truyền miệng lại hết sức ly kỳ. Vào thời phong kiến, làng có một người làm quan không tin vào chuyện cúng bái, thần thánh. Thôi chốn quan trường, người này về làng sống, không may mất một con lợn béo chuẩn bị làm thịt đã sai người đi tìm khắp mà không thấy.
Sau đó, có người mách với vị quan này mang ngọn trầu và quả cau đến thắp hương, khấn bái “thần đá” sẽ được phù hộ tìm lại lợn. Ban đầu không tin, sau đó vị quan này đưa lễ vật đến khấu đầu trước “thần đá”. Không ngờ ít hôm sau có người báo tin làng bên đang giữ con lợn. Tìm thấy lợn, vị quan này mừng rỡ, mua lễ vật đến tạ ơn “thần đá”.
Hòn đá ở xã Thanh Lộc được người dân gọi “thần đá” có bàn thờ, lư hương, bình hoa |
Hiện nay, đáp ứng nguyện vọng của người dân, UBND xã Thanh Lộc đã giao cho hội người cao tuổi của xã quản lý khu thờ "thần đá". Ngày rằm tháng giêng là lễ tế “thần đá”. Hội này đã lập ra ban quản lý để tiếp nhận tiền công đức cũng như hàng năm tu bổ lại ngôi đền này.
Ông Nguyễn Quang Phú, Chủ tịch xã Thanh Lộc cho biết: “Hòn đá nổi lên được mọi người tôn thờ từ xa xưa đến giờ. Đầu tiên mất con lợn, con gà, người dân đến thắp hương thấy hiệu nghiệm, sau đó xin cầu an cho con đi học, đi làm ăn xa...”.
Đáng nói, theo ông Phú, không chỉ người ở địa phương mà người dân các xã khác cũng đến cầu khấn tìm vật nuôi, xin "lộc". Du khách đến đây đếm không hết, ngày tết chen nhau thắp hương. Ông Phú cũng khẳng định, ở đây không có hoạt động mê tín dị đoan, viết tấu sớ. Du khách mang lễ vật đến cầu khấn, khi hương cháy xong rồi mang về...