Lý do phải kéo điện lưới thay vì đầu tư điện năng lượng tái tạo tại Côn Đảo
3 khó khăn nếu đầu tư điện năng lượng tái tạo tại Côn Đảo
Liên quan đến đề xuất dự án kéo cáp ngầm xuyên biển cấp điện cho huyện đảo Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) từ lưới điện quốc gia với vốn đầu tư trên 4.950 tỉ đồng, nhiều ý kiến cho rằng có thể tận dụng nguồn năng lượng tái tạo thay vì bỏ số tiền lớn để xây tuyến cáp ngầm.
Trước những thông tin này, ông Nguyễn Đức Toàn - một người có thâm niên làm trong ngành điện tại Tp. Hồ Chí Minh cho biết, có nhiều khó khăn khi đầu tư điện mặt trời và điện gió tại Côn Đảo.
Theo ông Toàn, việc đầu tư điện mặt trời và điện gió tại Côn Đảo đã được bổ sung quy hoạch trong giai đoạn 2021-2030. Theo đó, tại Côn Đảo có các dự án điện mặt trời 1, 2, 3 với công suất lần lượt là 5MW, 3MW và 3MW và ngành điện cũng chủ động bổ sung công suất là 3MW. Điện gió cũng được bổ sung 02 nhà máy với công suất là 7MW.
Tuy nhiên đến thời điểm triển khai dự án, việc đàm phán giá mua điện của các nhà đầu tư với EVN không thành công do nhà đầu tư đề xuất giá bán điện cao hơn quy định của nhà nước và vượt cả giá FIT khuyến khích theo quyết định khuyến khích số 11 và 13 của Chính phủ do chi phí đầu tư cao nên không mang lại hiệu quả kinh tế khi đầu tư.
Trên thực tế, việc triển khai các nhà máy điện mặt trời cần phải có diện tích đất lớn, tuy nhiên tại Côn Đảo chỉ một phần nhỏ là đất ở và đất nông nghiệp còn chủ yếu là đất rừng phòng hộ, đất rừng tự nhiên. Do đó, nếu triển khai các nhà máy điện mặt trời phải sử dụng tới đất dừng phòng hộ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển sinh thái trên đảo. Hiện Việt Nam cũng không cho phép sử dụng đất rừng để phát triển kinh tế.
Việc đầu tư điện năng lượng tái tạo tại Côn Đảo gặp nhiều khó khăn |
Mặt khác, hiện Côn Đảo đang sử dụng nguồn phát điện từ các tổ máy chạy dầu diesel, trong khi đó nguồn điện gió và điện mặt trời thường không ổn định nên rất khó có thể điều tiết cùng lưới điện hiện có trên đảo. Riêng đối với điện mặt trời, do đặc điểm chỉ phát vào ban ngày trong khi đấy nhu cầu sử dụng điện chủ yếu vào chiều tối và ban đêm. Do vậy, đây cũng là một hạn chế không nhỏ đối với nguồn điện và lưới điện chung của đảo.
Để khắc phục nhược điểm của điện gió và điện mặt trời nếu triển khai trên đảo cần phải có hệ thống lưu trữ đi kèm, song điều này lại làm tăng chi phí đầu tư và tính sử dụng lâu dài không cao với môi trường nước và gió biển tại đảo. “Việc đầu tư điện gió và điện mặt trời trên đảo không phải là giải pháp lâu dài cho nguồn điện của đảo. Chúng ta cần nghiên cứu và có các giải pháp cấp điện khác cho sự phát triển của đảo bằng các nguồn năng lượng khác như đầu tư lưới điện từ đất liền, lựa chọn bổ sung thêm các công nghệ phát điện như điện sóng cũng là một giải pháp”, ông Nguyễn Đức Toàn nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Đào Du Dương - Trưởng văn phòng đại điện Hiệp hội năng lượng sạch Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, về điện gió và điện mặt trời, tất cả đều phải có nguồn điện nền, nguồn điện nền là nguồn điện ổn định. “Tại Việt Nam hiện nay, nguồn điện ổn định chỉ có thuỷ điện, điện khí, điện than, điện diesel. Điện gió và điện mặt trời đặc thù là không ổn định nên bắt buộc phải có một nguồn điện ổn định khác để trung hoà. Chính vì vậy, giải pháp tốt nhất hiện nay là kéo cáp ngầm từ đất liền ra”, ông Đào Du Dương cho hay.
Đối với đề xuất dùng hệ thống lưu trữ, ông Đào Du Dương cho biết, hiện tại hệ thống lưu trữ điện chưa ổn định và giá đang rất cao. Bên cạnh đó, hệ thống pin này cũng sẽ có tác động không nhỏ đến môi trường. Do vậy cần phải tính toán, cân nhắc kỹ các phương án nếu đưa hệ thống lưu trữ vào sử dụng.
Ổn định nguồn điện cho phát triển kinh tế
Theo thống kê, giai đoạn năm 2015-2020, ngành điện đã bù lỗ cho huyện Côn Đảo chi phí chạy máy phát điện diesel 446 tỉ đồng. Chỉ tính riêng trong năm 2021, chi phí giá thành cho mỗi kWh điện là 5.679 đồng nhưng giá bán bình quân chỉ 2.216 đồng, ngành điện đã bù lỗ 83,91 tỉ đồng cho cả năm và dự kiến năm nay bù lỗ trên 174 tỉ đồng.
Để đảm bảo nguồn cung cấp điện cho Côn Đảo, đến nay EVN đã chủ động đầu tư nhiều giai đoạn và đạt công suất phát điện cho đảo được gần 12.000kW thông qua nhiều tổ máy chạy dầu diesel.
Ngoài ra với chính sách điện khí hoá và đặc biệt ưu tiên cấp điện cho các vùng hải đảo của tổ quốc, giá bán điện EVN áp dụng tương tự như giá bán điện trong đất liền nên việc bù lỗ từ việc chạy dầu là đương nhiên. Nếu xét về khía cạnh kinh doanh thì việc cung cấp điện này hoàn toàn lỗ.
“Tuy nhiên bù lỗ để dân bám đảo, bù lỗ để bảo vệ chủ quyền, biển đảo của tổ quốc theo tôi thấy hoàn toàn hợp lý và là chính sách rất tốt của nhà nước Việt Nam chúng ta. Chính vì vậy chúng ta không nên đưa chuyện kinh doanh thương mại vào vấn đề này mà nên ủng hộ việc đầu tư các loại hình điện mới cấp điện cho đảo, cần thiết vẫn có thể đầu tư lưới điện từ đất liền ra tới đảo để đảm bảo an sinh, phát triển và bảo vệ chủ quyền của tổ quốc”, ông Nguyễn Đức Toàn đánh giá.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc kéo điện ra đảo phục vụ nhiều mục đích phát triển bền vững, đồng thời đảm bảo sự công bằng cho mọi người dân - một chính sách nhân văn của Nhà nước. Khi có nguồn điện ổn định, sẽ thu hút đầu tư, phát triển các loại hình dịch vụ; đồng thời góp phần giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.