Thứ năm 19/12/2024 13:50

Luật sư Bùi Văn Thành: Bộ Công Thương rất nỗ lực trong xây dựng Nghị định kinh doanh xăng dầu

Luật sư Bùi Văn Thành đánh giá, Bộ Công Thương đã rất nỗ lực và cầu thị trong xây dựng Nghị định kinh doanh xăng dầu.

Bộ Công Thương đã rất cầu thị trong quá trình xây dựng Nghị định

Tại Hội nghị trao đổi, thống nhất để hoàn thiện Dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu do Bộ Công Thương tổ chức ngày 2/10, sau khi lắng nghe các ý kiến góp ý, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định sẽ trình 2 phương án tính giá xăng dầu lên Chính phủ, trong đó có phương án doanh nghiệp tự định giá. Đồng thời, sẽ báo cáo Chính phủ về việc doanh nghiệp phân phối có ý kiến đề xuất muốn được mua hàng của nhau.

Luật sư Bùi Văn Thành đưa ra 8 đề xuất nhằm quản lý hiệu quả thị trường xăng dầu (Ảnh BT)

Liên quan đến nội dung trên, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Luật sư Bùi Văn Thành – Trưởng Văn phòng Luật sư Mặt Trời Mới, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội - Phó Chủ tịch Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng: Việc xây dựng Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu cho thấy một số nội dung về cơ chế, chính sách trong các nghị định hiện nay chưa phù hợp với cơ chế thị trường, chưa thúc đẩy việc xây dựng thị trường xăng dầu cạnh tranh, bất cập so với tình hình kinh doanh xăng dầu trong tình hình mới. Vì vậy phải có nghị định mới thay thế 3 nghị định hiện có. Nhưng do tầm quan trọng của mặt hàng xăng dầu, và do tính chất phức tạp, nhạy cảm của hoạt động kinh doanh xăng dầu, nên nghị định mới đã qua 5 lần dự thảo (lần lượt vào tháng 11/2022, tháng 2/2023, tháng 8/2023, tháng 9/2023 và tháng 6/2024).

“Do xăng dầu là mặt hàng đặc biệt, nên những nội dung chủ yếu của dự thảo, như điều kiện kinh doanh xăng dầu, việc doanh nghiệp tham gia thị trường kinh doanh xăng dầu cạnh tranh, minh bạch, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, giá bán, cơ chế giá và điều hành giá, đảm bảo nguồn cung đầy đủ và ổn định, phân cấp quản lý và bảo vệ người tiêu dùng... được mổ xẻ, cân nhắc nhiều lần” – ông Bùi Văn Thành nhận định và cho rằng: Bộ Công Thương – cơ quan chủ trì dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu đã nhiều lần đưa ra thông điệp sẽ thiết kế nghị định theo hướng thị trường nhiều nhất và quản lý nhà nước tốt nhất. Đồng thời cam kết, tiếp thu các ý kiến xác đáng, phù hợp với quy định của luật pháp hiện hành, phù hợp với thực tiễn trong công tác quản lý kinh doanh xăng dầu. Đây là tín hiệu đáng mừng cho người dân và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định sẽ trình 2 phương án giá lên Chính phủ, trong đó có phương án doanh nghiệp tự định giá xăng dầu (Ảnh: Thanh Tuấn)

Cũng theo Luật sư Bùi Văn Thành, về 2 phương án mà Bộ Công Thương dự kiến trình lên Chính phủ có phương án doanh nghiệp tự định giá, và việc doanh nghiệp phân phối đề xuất muốn được mua hàng của nhau.

“Điều đó thể hiện sự cầu thị và tiếp thu ý kiến từ các doanh nghiệp của Bộ Công Thương trong quá trình xây dựng nghị định mới, là một bước đi tích cực và đáng hoan nghênh. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường xăng dầu phức tạp, có nhiều yếu tố liên quan đến nguồn cung, giá cả, quản lý thị trường, sự linh hoạt và lắng nghe ý kiến nhiều phía sẽ giúp xây dựng các chính sách phù hợp với thực tiễn. Sự cầu thị này cho thấy, Bộ Công Thương hiểu rõ về tính chất phức tạp và tác động nhiều mặt của thị trường xăng dầu, hiểu rõ những thách thức của doanh nghiệp trong lĩnh vực này, sẵn sàng xem xét các giải pháp khác nhau để tìm ra phương án tối ưu nhất” – luật sư Bùi Văn Thành nêu quan điểm.

Việc trình hai phương án giá lên Chính phủ, bao gồm phương án cho doanh nghiệp tự định giá, là một bước đi đột phá. Ông Bùi Văn Thành cho rằng, nếu phương án này được thông qua, nó sẽ tạo ra một thị trường xăng dầu có sự cạnh tranh hơn, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào nhà nước. Điều này có thể khuyến khích các doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí, cải thiện dịch vụ và cung cấp các sản phẩm đa dạng hơn cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, để chính sách thực sự hiệu quả, cần có một quá trình triển khai cẩn trọng và giám sát chặt chẽ. Bên cạnh việc xây dựng nghị định, các cơ quan quản lý cần đảm bảo tính minh bạch và rõ ràng trong quy trình thực hiện, đồng thời có các biện pháp xử lý nhanh chóng nếu xuất hiện những biến động bất lợi trên thị trường.

Để nâng cao hiệu quả quản lý mặt hàng xăng dầu

Để nâng cao hiệu quả quản lý mặt hàng xăng dầu trong thời gian tới với mục tiêu cao nhất là đảm bảo đủ xăng dầu cho nhu cầu sử dụng của người dân, ông Bùi Văn Thành cho rằng: Bộ Công Thương cần tiếp tục cải thiện hệ thống quản lý theo hướng chặt chẽ nhưng linh hoạt, đồng thời thích ứng với tình hình thị trường trong nước và quốc tế.

Cụ thể, luật sư Bùi Văn Thành đưa ra 8 đề xuất nhằm quản lý hiệu quả thị trường xăng dầu, thứ nhất: Bộ Công Thương cần tính đến việc phát triển hệ thống dự trữ quốc gia, điều tiết nguồn cung, xây dựng và duy trì kho dự trữ xăng dầu chiến lược ở cấp quốc gia, đảm bảo nguồn cung ổn định trước những biến động của giá dầu thế giới nhằm đối phó với tình huống khan hiếm hoặc giá cả tăng đột ngột, đồng thời giảm thiểu áp lực lên doanh nghiệp và người tiêu dùng. Cùng với đó, cần theo dõi sát sao tình hình cung cầu và có các biện pháp điều tiết kịp thời khi phát hiện tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ, bằng cách tăng cường xuất kho dự trữ hoặc yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối nhập thêm hàng.

Thứ hai, xây dựng cơ chế giám sát và kiểm tra minh bạch trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng hoặc bán hàng kém chất lượng, tránh các vi phạm gây thiệt hại cho người tiêu dùng, đảm bảo an ninh năng lượng.

Thứ ba, khuyến khích đầu tư và nâng cao năng lực sản xuất trong nước nhằm nâng cao năng lực tự chủ và giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, hạn chế tác động từ các biến động nguồn cung quốc tế và bảo vệ nền kinh tế trước các biến cố toàn cầu.

Thứ tư, khuyến khích các doanh nghiệp đầu mối và phân phối đầu tư vào công nghệ sản xuất và hệ thống quản lý thông minh, nhằm giảm chi phí vận hành và cải thiện hiệu quả phân phối.

Bộ Công Thương đang xây dựng Nghị định kinh doanh xăng dầu (Ảnh Thanh Tuấn)

Thứ năm, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường xăng dầu, từ đó tăng cường cạnh tranh và giảm sự phụ thuộc vào một số ít doanh nghiệp đầu mối lớn. Giảm giá thành và tăng sự linh hoạt trong việc điều chỉnh nguồn cung. Bộ Công Thương cần hợp tác với các cơ quan quản lý cạnh tranh để giám sát cạnh tranh công bằng, ngăn chặn hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh hoặc các liên kết bất hợp pháp giữa các doanh nghiệp, nhằm thao túng giá cả hoặc kiểm soát thị trường.

Thứ sáu, phát triển cơ chế giá linh hoạt và sát với thị trường. Cải thiện tính minh bạch trong quy trình điều chỉnh giá, bao gồm việc công bố công khai các yếu tố cấu thành giá bán lẻ xăng dầu (giá cơ sở, thuế, phí, lợi nhuận định mức…). Người dân có quyền, có nhu cầu hiểu và chấp nhận các điều chỉnh giá. Cải thiện cơ chế điều chỉnh giá linh hoạt, phản ánh kịp thời và trung thực các biến động của thị trường quốc tế. Khi điều chỉnh các chính sách giá hoặc phân phối xăng dầu, cần tham khảo kịp thời ý kiến từ nhiều bên liên quan, bao gồm các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế và người tiêu dùng, nhằm đảm bảo quyết định đưa ra phù hợp với thực tế và đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Thứ bảy, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển năng lượng thay thế (như điện, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh học) để giảm sự phụ thuộc vào xăng dầu. Khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo nhằm bảo vệ môi trường, giảm áp lực cho nguồn cung xăng dầu trong nước.

Thứ tám, chuyển đổi dần sang các phương tiện vận tải sử dụng năng lượng sạch. Hỗ trợ và khuyến khích người dân và doanh nghiệp sử dụng các phương tiện giao thông dùng năng lượng sạch, nhằm giảm dần nhu cầu xăng dầu trong tương lai.

Nguyễn Hòa
Bài viết cùng chủ đề: Kinh doanh xăng dầu

Tin cùng chuyên mục

Danh sách các tác phẩm đoạt giải báo chí tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2024

Báo Công Thương đoạt giải B báo chí tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2024

Longform | Tổng công ty Điện lực miền Bắc: Đảm bảo đủ điện cho nhu cầu sử dụng dịp cuối năm

EVNGENCO2 tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư với các dự án, nhà máy điện tại Lào

Tuyên Quang: Hoàn thành các công trình điện, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương

Năng lượng sinh khối - động lực xanh cho tương lai nông thôn Việt Nam

Xuất xưởng máy biến áp 500kV lớn nhất do Việt Nam sản xuất

Nhà máy xử lý rác thải '4 không’ đầu tiên tại Việt Nam được khánh thành

EVNNPT tăng cường khả năng truyền tải điện cho nhiều tỉnh miền Trung - Nam

Hội nghị Người lao động EVNGENCO2 năm 2024: Phát huy quyền dân chủ của người lao động

Gỡ vướng năng lượng tái tạo: Doanh nghiệp đánh giá cao 6 nhóm giải pháp của Bộ trưởng Bộ Công Thương

Nhà máy Thủy điện Quảng Trị tích nước phục vụ sản xuất kinh doanh và cấp nước hạ du năm 2025

Hoà lưới thành công tổ máy 2 thuỷ điện Ialy mở rộng vượt tiến độ 18 ngày

Nhà máy điện Phú Mỹ 2.2 kỷ niệm 20 năm hoạt động

Long An và EVNNPT tìm giải pháp gỡ vướng hàng loạt dự án truyền tải điện

Đánh thức giấc mơ 'ngủ đông' điện hạt nhân: Bài 5 - Xây dựng nguồn nhân lực tự chủ - cách nào?

Yên Bái: Đốc thúc tiến độ khởi công dự án Đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên

Bộ Công Thương và EU làm việc tại Cần Thơ, Trà Vinh về phát triển năng lượng

Công nghệ phát điện linh hoạt có thể tiết kiệm 65 nghìn tỷ Euro vào năm 2050

Lễ ký hợp đồng EPC dự án cấp điện từ lưới điện Quốc gia cho huyện Côn Đảo