Lừa đảo trên không gian mạng: Bài 3 - Giả mạo biên lai chuyển tiền thành công
Trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin, nhiều đối tượng đã lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền bạc, thông tin cá nhân trên không gian mạng... Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có cảnh báo các chiêu trò lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam. Hiện có 3 nhóm lừa đảo chính: Giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác với 24 hình thức lừa đảo đang nhắm vào các đối tượng: Người cao tuổi, lao động tự do, nhân viên văn phòng, công nhân, học sinh/sinh viên... Báo Công Thương xin trích đăng một số thủ đoạn lừa đảo để giúp bạn đọc nắm bắt thông tin, tránh trở thành nạn nhân của những đối tượng này. |
Lợi dụng sự tiện lợi của hình thức thanh toán trực tuyến, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là mua hàng số lượng lớn trên mạng xã hội, sau đó vay thêm tiền mặt của nạn nhân rồi chuyển khoản trả.
Các đối tượng đề nghị chuyển khoản theo hình thức Internet Banking cho người bán hàng. Thực chất là không có việc chuyển tiền thật.
Các đối tượng sử dụng một số phần mềm tạo dựng bill thanh toán, hóa đơn chuyển tiền giả đưa cho người bán xem nhằm chứng minh đã chuyển khoản và yêu cầu giao hàng gấp. Cho đến khi các nạn nhân không thấy tài khoản báo có tiền, nhận ra mình đã bị lừa, thì các đối tượng đã “cao chạy xa bay”.
Người dân cần luôn tỉnh táo và cẩn trọng khi thực hiện các giao dịch điện tử. Ảnh: Minh họa |
Để tránh bị lừa đảo, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân nên chờ thông báo đã nhận được tiền từ ngân hàng thay vì chỉ tin tưởng vào ảnh chụp giao diện chuyển tiền thành công. Không vội giao hàng hóa khi chưa có thông báo nhận tiền trong tài khoản ngân hàng từ chính điện thoại của mình.
Đặc biệt, hình ảnh “giao dịch thành công” bị làm giả thường có một số dấu hiệu khác lạ với hình ảnh từ ngân hàng chính thống về màu sắc, phông chữ, thời gian... do đó, người dân cũng cần tìm hiểu các thông tin hướng dẫn chính thống từ các ngân hàng và cơ quan chức năng để có khả năng nhận biết hành vi lừa đảo.
Không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu ứng dụng, mã xác thực OTP, email, v.v... cho bất kỳ ai kể cả khi người đó tự xưng là nhân viên ngân hàng, cơ quan nhà nước.
Đáng chú ý, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều hội nhóm, tài khoản công khai nhận làm giả bill thanh toán với giá từ vài chục nghìn đồng cho đến vài trăm nghìn đồng tùy theo giá trị bill. Bill thanh toán ghi số tiền càng lớn thì chi phí làm bill giả sẽ tăng theo. Thậm chí, thông qua một số website, các đối tượng tội phạm giờ đây chỉ cần nhập thông tin như số tài khoản ngân hàng của người bán hàng và số tiền cần chuyển là ngay lập tức đã có một bill thanh toán giống biên lai, hóa đơn xác nhận chuyển tiền thành công của ngân hàng.
Do hoạt động cung cấp và mua bán biên lai xác nhận chuyển khoản giả đang được diễn ra một cách công khai, lộ liễu trên mạng xã hội; hình ảnh bill chuyển khoản tinh vi, giống như thật, do đó người dân cần luôn luôn tỉnh táo và cẩn trọng khi thực hiện các giao dịch điện tử. Cần lưu ý, chỉ khi tiền đã vào tài khoản của mình mới tiếp tục thực hiện các giao dịch khác.