Hệ thống điện mặt trời áp mái tại tòa nhà Liên cơ quan số 4 (Quảng Ninh) |
Theo ông Phạm Quang Thái - Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh, hàng năm, nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn tỉnh tăng từ 10 - 15%. Để đảm bảo nguồn điện ổn định trong bối cảnh năng lượng có nguy cơ thiếu hụt, UBND tỉnh đã đưa việc triển khai Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trở thành yêu cầu cấp thiết, giải pháp có tầm quan trọng hàng đầu trong thực thi Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia.
Để thực hiện mục tiêu tiết kiệm từ 8 - 10% tổng điện năng tiêu thụ so với dự báo nhu cầu năng lượng theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, từ năm 2016 đến nay, UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các cơ quan chức năng nhà nước nâng cao vai trò quản lý về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Trong đó, đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh thực hiện tiết kiệm trong các khâu truyền tải, phân phối, kinh doanh và sử dụng điện; 100% các công trình xây dựng mới hoặc cải tạo lại phải ứng dụng giải pháp, thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm điện. Đồng thời, sử dụng năng lượng tái tạo thay thế nhiên liệu truyền thống trong lĩnh vực giao thông - vận tải; những nhóm ngành sử dụng nhiều năng lượng phải thay thế dần các trang thiết bị có hiệu suất thấp, tiến tới loại bỏ trang thiết bị công nghệ lạc hậu. Các doanh nghiệp (DN) tiêu thụ năng lượng trọng điểm trên địa bàn phải có hệ thống quản lý năng lượng và thực hiện kiểm toán năng lượng theo quy định...
Đặc biệt, sau hơn 10 năm hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất, “Gia đình tiết kiệm điện”, “Trường học chung tay tiết kiệm điện” của Công ty Điện lực (PC) Quảng Ninh, các tổ chức kinh tế - xã hội và cộng đồng dân cư trong tỉnh ngày càng có ý thức sử dụng điện tiết kiệm. Chia sẻ về các hoạt động này, ông Vũ Đình Tân - Phó Giám đốc PC Quảng Ninh - cho biết: Chương trình “Gia đình tiết kiệm điện” đã có sự tham gia của hơn 8.000 hộ gia đình trong toàn tỉnh. Những hộ gia đình này đã dần thay đổi thói quen sử dụng điện bằng cách sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời, lắp đặt điện mặt trời áp mái, thay thế đèn compact bằng đèn led... Đây cũng được xem là những “hạt nhân” tích cực để chương trình được lan tỏa sâu rộng đến cộng đồng dân cư.
Một bước tiến lớn trong công tác tiết kiệm điện của Quảng Ninh khi tháng 8/2019, tỉnh này phối hợp với Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức Hội thảo “Sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả: Trách nhiệm và lợi ích của DN”. Tại hội thảo, 100% DN sử dụng điện có sản lượng từ 1 triệu kWh trở lên ký thỏa thuận Chương trình điều chỉnh phụ tải (DR). Cuối năm 2019, tỉnh Quảng Ninh đã trao Giấy chứng nhận Cơ sở sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho 6 DN sản xuất công nghiệp, dịch vụ. Đây sẽ là nền tảng, cơ sở để công tác tiết kiệm điện của Quảng Ninh đi vào thực chất và đạt mục tiêu sản lượng điện tiết kiệm năm 2020 tăng 10% so với năm 2019.
Tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh Quảng Ninh đã có hơn 8.000 hộ gia đình tham gia Chương trình “Gia đình tiết kiệm điện”. 150 khách hàng sử dụng từ 1 triệu kWh/năm trở lên đã được PC Quảng Ninh làm việc, tự nguyện thỏa thuận tham gia Chương trình DR. |