Cần có phương án thay thế "3 tại chỗ" sau ngày 16/8 |
Linh hoạt phương án mở lại sản xuất cho doanh nghiệp
Tại cuộc họp trực tuyến của “Tổ Công tác đặc biệt về đảm bảo nguồn cung hàng hóa và hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phía Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp” của Bộ Công Thương (Tổ Công tác đặc biệt) với các tỉnh trọng điểm phía Nam chiều 17/8, ông Trần Anh Hào - Trưởng phòng Quản lý công nghiệp Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết: Để ổn định hoạt động sản xuất an toàn trong tình hình mới Thành phố đã đưa ra 4 phương án sản xuất để DN lựa chọn sau gồm: Phương án 1 - DN tiếp tục thực hiện phương án sản xuất "3 tại chỗ" hoặc phương án “3 tại chỗ theo kíp” linh hoạt (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ luân phiên theo kíp sản xuất); Phương án 2 - DN tiếp tục thực hiện phương án "1 cung đường 2 địa điểm” hoặc phương án "1 cung đường 2 địa điểm" mở rộng; Phương án 3 - DN có thể kết hợp cả 2 phương án sản xuất theo mô hình sản xuất “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 địa điểm”; Phương án 4 - DN tổ chức hoạt động theo phương châm "4 xanh" gồm: nhân lực xanh (người lao động xanh), cung đường xanh, vùng sản xuất xanh, nơi ở xanh . Trong đó, người lao động xanh được đi lại bằng phương tiện cá nhân giữa nơi làm việc xanh, nơi ở xanh theo một cung đường xanh nhưng không được dừng, đỗ dọc đường và không đi ngang qua các các vùng có nguy cơ lây nhiễm cao và rất cao trong các khung giờ phù hợp.
Tổ công tác đặc biệt họp trực tuyến với các tỉnh trọng điểm phía Nam chiều 17/8 |
Cũng như TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Trí Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai thông tin, sau thời gian hoạt động theo phương án 3 tại chỗ kéo dài nhiều DN đã muốn ngưng vì chi phí phát sinh và nhiều bất cập. Do đó, Sở Công Thương đã kiến nghị điều chỉnh phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 địa điểm” thành “1 cung đường, nhiều điểm đến “vùng xanh”.
Cụ thể, đối với các cơ sơ sản xuất tại “vùng xanh”: Cho phép cơ sở hoạt động trở lại, không cần áp dụng phương án “3 tại chỗ” với điều kiện chỉ được sử dụng người lao động có nơi ở tại “vùng xanh”, đồng thời cam kết về việc tổ chức xe đưa đón “1 cung đường” (tuyệt đối không dừng ngoài các điểm đăng ký).
Đối với các cơ sở sản xuất tại vùng có nguy cơ cao, hoặc thuộc khu vực cách ly: Được xem xét áp dụng linh hoạt phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường - nhiều điểm đến “vùng xanh” hoặc linh động kết hợp cả hai phương án”. Theo đó, cho phép công nhân đươc lưu trú ở các điểm tập trung khác nhau “vùng xanh”, tổ chức xe đón tại các điểm (tuyệt đối không dừng ngoài các điểm đăng ký).
Để thực hiện, tỉnh Đồng Nai đang thiết lập các “vùng xanh” phòng chống dịch Covid-19, đồng thời chính quyền địa phương cũng đang đẩy nhanh tiêm chủng vắc-xin phòng chống Covid-19 cho người lao động.
Cần thêm các hướng dẫn cụ thể
Những phương án mà chính quyền các tỉnh, thành phố đưa ra được cho là có sự linh hoạt hơn và tạo điều kiện để doanh nghiệp (DN) quay trở lại sản xuất. Ông Phạm Thanh Trực - Phó ban quản lý KCX-KCN TP Hồ Chí Minh (HEPZA) cho biết: Hiện có một số DN đã bắt đầu đăng ký với HEPZA để thực hiện sản sản xuất trở lại nhằm giải quyết các đơn hàng tồn đọng và giữ chân lao động.
Tuy vậy theo ông Trực, chủ trương của các phương án là tốt nhưng DN chưa thể thực hiện do vướng quy định của Chỉ thị 16 là “ai ở đâu ở đó”, dẫn tới việc tập kết người lao động từ nơi ở đến khách sạn/ DN khó khăn. Ông Trực cho rằng, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cần có hướng dẫn cụ thể cho DN biết với trường hợp F0 sau khi khỏi bệnh có được tiếp tục làm việc không và F1 không có triệu chứng sẽ cách ly như thế nào?
Là đơn vị khá chủ động khi chủ động nghiên cứu, đề xuất phương án hoạt động mới phương châm "4 xanh" và được chính quyền TP Hồ Chí Minh lựa chọn là 1 trong 4 phương án ban hành hướng dẫn cho DN sau ngày 16/8, tuy vậy bà Lê Bích Loan - Phó Ban quản lý Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (SHPT) cho biết: Đến nay DN vẫn đang gặp vướng khi thực hiện theo phương án “4 xanh” của Thành phố. Lý do, ở phương án này, các DN có nhu cầu thay thế lao động cho lực lượng đang thực hiện 3 tại chỗ trước đó hoặc bổ sung thêm lực lượng mới. Dù vậy DN đang gặp khó “đầu vào” do cơ quan chức năng không cho test tại nhà máy (cần có cách ly an toàn với người lao động đang làm việc) nên người lao động phải tự di chuyển từ chỗ ở tới nơi test Covid, dẫn tới việc không thể qua được các chốt kiểm soát. Thậm chí có trường hợp người lao động xin đi để tham gia vào lực lượng sản xuất song các khu nhà trọ yêu cầu cam kết khi đã đi rồi dù bất kể kết quả như thế nào cũng không được quay lại nhà trọ.
Bên cạnh đó, hiện chỉ có TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai có phương án linh hoạt cho DN còn một số địa phương như Long An, Tiền Giang, Bà Rịa- Vũng Tàu… vẫn chưa có hướng dẫn phương án mới cho DN. Trong bối cảnh đó, ông Võ Ngọc Đỉnh - Phó Ban quản lý Khu kinh tế Long An kiến nghị Tổ công tác đặc biệt đề nghị Bộ y tế ưu tiên, sớm cung ứng vắc xin cho tỉnh Long An để tiêm cộng đồng nhanh chóng, liên tục để sớm ổn định tình hình dịch bệnh và tái sản xuất. Ông Đỉnh cũng kiến nghị cho phép DN chuyển đổi “3 tại chổ” thành phương án “1 cung đường, 2 điểm đến” và dời thời hạn đóng thuế cho DN trong các KCN trong tỉnh.
Ngoài các vướng mắc kể trên để hỗ trợ DN hoạt động trở lại, Sở Công Thương Bình Dương kiến nghị được hạ lãi suất vay ngân hàng, nới lỏng điều kiện vay/ giãn nợ cho DN nhằm giúp họ sớm có vốn tái sản xuất. Đặc biệt, Sở này cũng kiến nghị Bộ Công Thương có phương án hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường và làm việc với Bộ Tài chính điều chỉnh giá xăng, điện, than hỗ trợ DN.
Ghi nhận các ý kiến của DN, đại diện Tổ công tác đặc biệt cho biết, đối với vấn đề tiêm vắc xin, Bộ Công Thương nhiều lần đề nghị ưu tiên vắc xin cho công nhân lao động tại các KCX-KCN và đã được Chính phủ đồng ý. Tuy nhiên Bộ Công Thương sẽ tiếp tục kiến nghị ưu tiên vắc xin cho những tỉnh đang bị ảnh hưởng dịch nghiêm trọng.
Đối với kiến nghị về các phương án điều chỉnh sản xuất thay thế 3 tại chỗ, Tổ công tác đặc biệt đề nghị Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh sớm có hướng dẫn cụ thể và tiến tới mở hơn để tạo điều kiện cho DN phục hồi sản xuất.
Đối với các tỉnh chưa có phương án thay thế 3 tại chỗ, Tổ công tác đặc biệt đề nghị Sở Công Thương các tỉnh nghiên cứu và có thể học hỏi từ mô hình mới mà TP Hồ Chí Minh vừa đưa ra để có điều chỉnh phù hợp cho địa phương.
Liên quan đến chính sách tài chính, đại diện Tổ công tác đặc biệt cho biết, Bộ Công Thương đã có tổng hợp báo cáo Chính phủ để có phương án hỗ trợ DN.