Nghiêm ngặt bảo vệ “vùng xanh”
Các doanh nghiệp sản xuất tại TP. Đà Nẵng hiện đang được duy trì hoạt động với 50 – 100% lực lượng lao động thực hiện “3 tại chỗ” hoặc không (tùy quy mô, vị trí trong hay ngoài khu công nghiệp, khu công nghệ cao).
Trong bối cảnh dịch Covid – 19 vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao, việc bảo vệ an toàn phòng chống dịch, giữ vững “vùng xanh” trong sản xuất là yếu tố được các doanh nghiệp đặt lên hàng đầu.
Các doanh nghiệp sản xuất tại TP. Đà Nẵng luôn ý thức được tầm quan trọng của bảo vệ "vùng xanh" trong sản xuất để duy trì ổn định hoạt động của công ty |
Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (KCN Thọ Quang, Sơn Trà, Đà Nẵng) là một trong những đơn vị sản xuất và xuất khẩu lớn tại TP. Đà Nẵng với gần 3.000 lao động, là một trong số ít những doanh nghiệp đang tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, việc đảm bảo tiến độ đơn hàng đã kí kết là yếu tố “sống còn” đối với uy tín và hoạt động của doanh nghiệp.
Trong thời gian TP. Đà Nẵng thực hiện “ai ở đâu ở yên đó”, doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”. Đến thời điểm hiện tại, khi dịch Covid – 19 đã được kiểm soát, cùng với chi phí thực hiện “3 tại chỗ” phát sinh lớn, đơn vị đã chủ động chuyển sang áp dụng “1 cung đường, 2 điểm đến”.
Công tác phòng chống dịch tại công ty được thực hiện quyết liệt và nghiêm ngặt. Người lao động ngoài thực hiện khai báo y tế mỗi ngày thông qua quét QR Code trước khi vào công ty, thực hiện 5K, thì sẽ được lấy mẫu xét nghiệm Covid – 19 với tần suất 5 ngày/lần với tỷ lệ 50% người lao động tại khu sản xuất. Các công nhân từng bộ phận được bố trí làm việc theo từng nhóm cố định, có phòng thay đồ riêng, ăn theo số ghế riêng, tất nhiên bàn ăn đã chia ca với mật độ thấp và có vách ngăn. Công nhân khi đi làm đều phải ký cam kết thực hiện “1 cung đường 2 điểm đến”, tuyệt đối không đi vào vùng đỏ, vùng vàng hay mua bán hàng hoá để giữ an toàn cho công xưởng.
Khách hàng, đối tác đến làm việc được yêu cầu phải có xét nghiệm âm tính với Covid – 19 trong vòng 72 giờ hoặc thực hiện test nhanh tại chỗ.
Công ty cũng đã thành lập tổ phòng, chống Covid-19, khi có ca F0 khẩn trương truy vết tất cả các trường hợp F1, F2.
“Chi phí để vận hành tăng cao nhưng để giữ “vùng xanh” duy trì sản xuất, đảm bảo thu nhập cho người lao động công ty cũng phải chấp nhận. Nhờ đó, tinh thần của người lao động vẫn rất tích cực, sẵn sàng cùng doanh nghiệp tiếp tục thực hiện các quy định phòng dịch trong thời gian tới”, ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch HĐQT Công ty chia sẻ.
Giờ ăn giữa ca của công ty Cao su Đà Nẵng được chia nhỏ, đảm bảo giãn cách |
Tương tự, tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) (KCN Liên Chiểu, Liên Chiểu, Đà Nẵng), ngay từ những ngày khi mới tái bùng phát dịch Covid – 19 (từ 3/5) đơn vị đã liên tục triển khai, hoàn chỉnh các phương án phòng, chống dịch. Đến nay, ngoài những biện pháp phòng chống dịch chung trong sản xuất theo quy định; công ty đã chuẩn bị riêng 1 khu vực cách ly có thể tiếp nhận cùng lúc 60 F1 khi truy vết liên quan đến F0. Khu vực này được thiết kế như một trung tâm y tế thu nhỏ, có đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế, đồ dùng sinh hoạt đảm bảo cho các F1 khi cách ly tại chỗ sẽ duy trì được hoạt động sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, vừa theo dõi sức khỏe và thực hiện xét nghiệm 3 ngày/lần. “Với cách làm này, DRC hy vọng sẽ chủ động hơn trong việc duy trì hiệu quả hai nhiệm vụ cùng lúc là sản xuất và phòng, chống dịch; đồng thời không rơi vào bị động khi xuất hiện các ca F0”, ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty nói và thông tin thêm công ty còn thành lập các Tổ Covid – 19 an toàn theo từng phân xưởng có nhiệm vụ tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở người lao động tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. “Mỗi công nhân phải ký cam kết với tổ trong việc chủ động tự bảo vệ mình khi thực hiện phương án làm việc “1 cung đường, 2 điểm đến”, nếu để lây lan dịch bệnh sẽ bị xử lý theo quy định của đơn vị”, ông Nhựt cho hay.
Xây dựng tiêu chí về “doanh nghiệp xanh” để doanh nghiệp ổn định sản xuất
Dịch Covid – 19 kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nói như Bí thư Thành ủy Đà Nẵng – ông Nguyễn Văn Quảng “Sức khỏe của doanh nghiệp hiện nay rất yếu, nhiều doanh nghiệp có khả năng phá sản”. Cộng đồng doanh nghiệp TP. Đà Nẵng mong muốn sẽ có tiêu chí về phòng chống dịch Covid – 19 để yên tâm hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ông Vi Văn Việt – Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm TP. Đà Nẵng cho biết hiện nhiều doanh nghiệp ngành phần mềm đang bị gián đoạn và gặp khó do dịch Covid – 19. Đề nghị thành phố có cơ chế “thẻ xanh Covid” để sớm đưa doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường.
Doanh nghiệp sản xuất kiến nghị thành phố sẽ có tiêu chí đánh giá "doanh nghiệp xanh" để theo đó thực hiện và yên tâm ổn định sản xuất, kinh doanh |
Khảo sát từ ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp TP. Đà Nẵng, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng) đề nghị thành phố xây dựng tiêu chí, công nhận “doanh nghiệp xanh” dựa trên các tiêu chí: cơ sở vật chất, nhân lực được tiêm vaccine, nhân lực ở vùng xanh…nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp hoạt động trong điều kiện chính quyền thực hiện việc nâng mức giãn cách. Bên cạnh các phương án sản xuất an toàn hiện nay như “3 tại chỗ”, “1 cung đường – 2 địa điểm”, “4 xanh”… thì thành phố nên tiếp tục hỗ trợ, chấp thuận các phương án sản xuất an toàn mới do doanh nghiệp đề xuất nhằm thực hiện linh hoạt, phù hợp với từng doanh nghiệp, từng lĩnh vực, giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh trong điều kiện thực hiện giãn cách.
Thừa nhận những khó khăn và áp lực gia tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp do tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch Covid – 19 trong thời gian quan, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng – ông Nguyễn Văn Quảng cho biết thành phố luôn quan tâm tới “sức khỏe” của doanh nghiệp. Đồng thời đề nghị, trong thời gian tới, khi thành phố mở lại các hoạt động, doanh nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid – 19 như có phương án phòng, chống dịch; ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch. Ông Quảng cũng thông tin, thành phố sẽ ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong quản lý, phòng, chống dịch, hướng đến sớm hình thành “công dân xanh”, “doanh nghiệp xanh”, “xã hội xanh”.