Lễ tạ ơn (Pang Phoóng) của dân tộc Khángcũng là dịp để anh em, con cháu trong dòng họ gần gũi, chia sẻ những khó khăn, vui buồn trong cuộc sống; thắt chặt tình đoàn kết gắn bó; đồng thời nhắc nhở, răn dạy con cháu luôn nhớ về tổ tiên, cội nguồn của dân tộc mình.
|
Lễ tạ ơn của dân tộc Kháng là sợi dây tạo lên sự gắn kết cộng đồng |
Hàng năm, cứ đến mùa hoa mào gà nở đỏ trên nương cũng là mùa lúa chín, người Kháng lại tổ chức lễ tạ ơn tại nhà trưởng họ. Để tổ chức lễ tạ ơn, trưởng họ sắm lễ vật, nhờ thầy chọn ngày tốt để làm lễ và họp anh em họ hàng để thông báo ngày giờ làm lễ đồng thời phân công công việc cho mọi người.
|
Trang trí gian thờ tổ tiên, nơi thờ cúng trong lễ tạ ơn |
|
Phụ nữ Kháng đồ xôi chuẩn bị cho lễ tạ ơn |
Trước ngày lễ tạ ơn, trưởng họ cùng anh em lên rừng lấy cây sung rừng (mắc chắc), với mong muốn tổ tiên phù hộ cho lúa ngô luôn xanh tốt giống như cây này, hoa mào gà, cây mía rừng, ống nứa… để trang trí gian thờ tổ tiên, nơi thờ cúng trong lễ tạ ơn. Lễ vật là các nông sản của địa phương để dâng lên tổ tiên, thần linh, đặc biệt phải có rượu cần.
|
Cúng lễ vật sống và lễ vật chín |
|
Lễ cúng vật sống bắt đầu với nghi thức gõ 3 hồi chiêng, trống |
Thầy cúng Lò Văn Khâu, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên cho biết: Lễ cúng chính trong lễ tạ ơn bao gồm hai nghi thức: Cúng lễ vật sống và cúng lễ vật chín. Lễ cúng vật sống bắt đầu với nghi thức gõ 3 hồi chiêng của thầy cúng, sau đó anh em trong dòng họ lần lượt vào gian thờ thực hiện nghi thức vẩy rượu mời tổ tiên.
Tiếp theo, các con vật hiến tế (1 con lợn và 1 con gà) được đặt vào mâm cúng để thầy cúng làm lễ xin phép tổ tiên cho con cháu được dâng các con vật hiến tế và giết mổ trước sự chứng kiến của tổ tiên. Khấn xong, trưởng họ giao gà, lợn cho những người giúp việc đem đi chế biến và chuẩn bị mâm cúng, khi lễ vật đã được nấu chín, trưởng họ cùng thầy cúng đi chặt thêm một cành mắc chắc và lấy những gốc rạ để làm đũa cúng tổ tiên. Dòng họ thờ bao nhiêu người phải làm bấy nhiêu đôi đũa.
Lễ cúng chín gồm lễ vật: Lợn, gà, xôi, các loại rau củ, cá nướng… làm thành 2 mâm cúng. Thầy cúng và vợ cùng chủ nhà ngồi ở gian thờ làm lễ. Mâm thứ nhất có thịt lợn, tiết canh dâng lên trước ban thờ tổ tiên để khấn mời tổ tiên về dự lễ, hưởng các lễ vật và phù hộ cho mọi người trong dòng họ được khỏe mạnh, làm ăn phát đạt. Sau đó, dâng mâm thứ 2 có thịt gà luộc để nguyên con, gói xôi, cá nướng, bánh chưng, khoai, bí…
|
Chia đều mỗi thứ đồ cúng một ít vào trong lá mắc chắc |
|
Thầy cúng và dân làng tham gia lễ cúng thần đất |
Thầy cúng bày lá mắc chắc trên một tấm phên nhỏ, lần lượt chia đều mỗi thứ đồ cúng một ít vào trong lá mắc chắc (gia đình thờ bao nhiêu người thì chia thành bấy nhiêu phần), đặt lên mỗi phần một đôi đũa rồi khấn mời tổ tiên nhận lễ, kể tên các lễ vật và cầu xin tổ tiên phù hộ con cháu khỏe mạnh, vụ sau trồng được nhiều thóc ngô, nuôi được nhiều lợn gà để dòng họ lại làm lễ tạ ơn tổ tiên.
|
Uống rượu hưởng lộc trong lễ tạ ơn |
|
Múa điệu “xék pang” của dân tộc Kháng trong lễ tạ ơn |
Lễ tạ ơn của đồng bào Kháng là thông điệp kết nối quá khứ với hiện tại, là sợi dây tạo lên sự gắn kết cộng đồng, thể hiện khát vọng bình dị ngàn đời về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc của dân tộc Kháng. Lễ tạ ơn của người Kháng đã đem lại giá trị tinh thần, niềm lạc quan, niềm tin vào những điều tốt đẹp, cao cả, thiêng liêng, mang nhiều ý nghĩa nhân văn cao đẹp, đáp ứng đời sống văn hóa tâm linh của phần lớn bộ phận cư dân trong cộng đồng dân tộc Kháng.