Lào Cai: Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh
Ngày 20/5, thông tin từ UBND tỉnh Lào Cai cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành văn bản số 2550/UBND-TH ngày 18/5/2024 chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 2/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô (Chỉ thị số 14/CT-TTg).
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo điều hành chính sách tiền tệ và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh (Ảnh: CTTĐTLC) |
Tại văn bản, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện một số nhiệm vụ:
Với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Lào Cai, chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo có liên quan của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 14/CT-TTg, Công điện số 18/CĐ-TTg ngày 05/3/2024 về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024, Công điện số 32/CĐTTg ngày 05/4/2024 về các giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024 và các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND tỉnh Lào Cai để tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng hiệu quả trong năm 2024 phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.
Chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn bám sát tình hình kinh tế - xã hội trong nước và của tỉnh; các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, UBND tỉnh; chỉ đạo điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tập trung triển khai tích cực các giải pháp tăng trưởng tín dụng, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; giảm lãi suất ở mức hợp lý; giảm chi phí hoạt động; đơn giản hóa thủ tục, quy trình cấp tín dụng; tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính sách, chương trình tín dụng ưu đãi, nhất là các các chính sách mới, các chính sách tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp; hướng dẫn quy trình vay vốn để tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và người dân; tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng, đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến. Đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ nhất là hoạt động tín dụng và các dịch vụ thanh toán; đẩy mạnh chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt; thực hiện nghiêm túc việc thông tin công khai, minh bạch lãi suất cho vay bình quân.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp; kịp thời nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận tín dụng và dịch vụ ngân hàng của doanh nghiệp, người dân; chỉ đạo xử lý theo thẩm quyền và báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền…
Sở Kế hoạch và Đầu tư đẩy mạnh triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa quy trình đầu tư và thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Sở Tài chính tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư; sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn huy động; cân đối, phân bổ, lồng ghép nguồn lực hợp lý. Tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ các nguồn vốn đầu tư, ưu tiên bố trí đủ vốn thực hiện 03 Chương trình MTQG thuộc trách nhiệm bố trí vốn của ngân sách tỉnh. Kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư công theo thẩm quyền.
Sở Xây dựng đẩy mạnh triển khai các giải pháp thiết thực, hiệu quả để thực hiện Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội; triển khai quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Sở Công Thương đẩy mạnh thực hiện công tác xúc tiến thương mại, tăng cường kết nối cung cầu giúp doanh nghiệp tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh các hoạt động nâng cao ý thức của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về chuyển đổi số và thương mại điện tử xuyên biên giới. Tăng cường nắm bắt, thông tin về cơ chế, chính sách trong hoạt động xuất nhập khẩu của phía Trung Quốc; cập nhật tình hình cửa khẩu, nhu cầu thị trường, hàng hóa để thường xuyên thông tin cho doanh nghiệp chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh...
UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; ưu tiên nguồn lực tháo gỡ khó khăn trong hoạt động phục vụ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân, doanh nhiệp dưới các hình thức phù hợp, tập trung ngăn chặn tín dụng đen. Dành nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện tốt các chương trình tín dụng thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia…