Lạng Sơn: Phấn đấu xuất nhập khẩu đạt 5,5 tỷ USD
Để thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn, trong 6 tháng đầu năm 2020, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan nắm bắt tình hình hoạt động XNK tại các cửa khẩu để báo cáo Bộ Công Thương và UBND tỉnh Lạng Sơn. Đề xuất các biện pháp giải tỏa hàng hóa xuất khẩu bị ùn ứ ở cửa khẩu cũng như công tác quản lý và điều tiết các phương tiện vận tải hàng hóa. Đồng thời, cập nhật thông tin về tình hình XNK tại các cửa khẩu trên địa bàn và thông báo tới các địa phương có hàng hóa xuất khẩu qua Lạng Sơn phối hợp, khuyến cáo doanh nghiệp điều tiết tiêu thụ hàng hóa hợp lý để giảm thiểu rủi ro, thiệt hại khi xuất khẩu nông sản, hoa quả sang thị trường Trung Quốc qua Lạng Sơn gặp khó khăn. Phối hợp với các cơ quan liên quan hội đàm với phía Trung Quốc thống nhất các biện pháp hỗ trợ, thúc đẩy XNK qua cửa khẩu phụ Tân Thanh (Lạng Sơn) - Pò Chài (Quảng Tây, Trung Quốc). Chỉ đạo cán bộ, công chức thuộc Sở tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) tại phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Lạng Sơn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Phối hợp với Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn theo dõi, tổng hợp tình hình xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của địa phương và tham mưu cho UBDN tỉnh hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm ớt trên thị trường nội địa và xuất khẩu sang Trung Quốc...
Xe chở hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc chờ thông quan tại Cửa khẩu Tân Thanh |
Mục tiêu Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn đặt ra trong 6 tháng cuối năm 2020 là phấn đấu tổng kim ngạch XNK qua địa bàn đạt 4.180 triệu USD, lũy kế cả năm 2020 đạt 5.500 triệu USD, bằng100% kế hoạch đề ra. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng cuối năm đạt 2.580 triệu USD, luỹ kế cả năm đạt 3.220 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu 6 tháng cuối năm đạt 1.600 triệu USD; luỹ kế cả năm đạt 2.280 triệu USD; các mặt hàng của địa phương xuất khẩu 6 tháng cuối năm đạt 108 triệu USD, luỹ kế cả năm năm đạt 150 triệu USD. |
Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, phía Trung Quốc ngày càng siết chặt kiểm tra xuất xứ và chất lượng nông sản, hoa quả của Việt Nam xuất khẩu..., nên việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2020 qua địa bàn Lạng Sơn suy giảm mạnh, ước đạt 1.320 triệu USD, chỉ bằng 24% kế hoạch, giảm 47,6% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, xuất khẩu đạt 640 triệu USD, bằng 20% kế hoạch, giảm 52,9% so với cùng kỳ 2019; nhập khẩu đạt 680 triệu USD, bằng 30% kế hoạch, giảm 28,4% so với cùng kỳ 2019; hàng hóa của tỉnh Lạng Sơn xuất khẩu ước đạt 42 triệu USD, bằng 28% kế hoạch, giảm 37,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Đến nay, dịch bệnh Covid-19 ở trong nước đã cơ bản đã được kiểm soát tốt, các hoạt động kinh tế, xã hội... đang từng bước hồi phục trong bối cảnh bình thường mới. Mặc dù hoạt động XNK qua các cửa khẩu phụ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn chưa được khôi phục hoàn toàn, song kỳ vọng 6 tháng cuối năm tình hình thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ được cải thiện hơn, nhịp giao thương sẽ từng bước sôi động trở lại. Ông Phùng Quang Hội cho biết, ngành Công Thương tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục nỗ lực, quyết tâm phấn đấu hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn đã đề ra trong năm 2020.
Để đạt mục tiêu kim ngạch XNK của cả năm 2020, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục chủ động tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh các giải pháp chỉ đạo và giải quyết linh hoạt các vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại biên giới, kinh tế cửa khẩu, đặc biệt đối với xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và các hoạt động kinh tế đối ngoại khác. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng và linh hoạt để thu hút các doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua Lạng Sơn. Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan đàm phán, trao đổi... với các cơ quan có liên quan của Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, để bàn bạc, thống nhất các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của cả hai bên.