Quảng Bình: Huy động mọi nguồn lực để có giải pháp giảm nghèo bền vững Tuần Giáo - Điện Biên: Nhiều chính sách xoá đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc |
Phụ nữ vươn lên làm chủ cuộc sống
Điển hình tại Lâm Đồng, nhờ triển khai thực hiện Đề án đã mang lại cơ hội lớn cho phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tham gia phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Thời gian qua, có hàng trăm ý tưởng tham gia Ngày Phụ nữ khởi nghiệp cấp tỉnh. Nhiều ý tưởng/ dự án đã được giới thiệu dự thi cấp Trung ương và đã đạt giải.
Nhiều mô hình chuỗi giá trị phát triển kinh tế của chị em phụ nữ thời gian qua đã mang lại hiệu quả |
Trong giai đoạn 2022 – 2025, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Lâm Đồng dự kiến tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ thành lập 5 hợp tác xã do nữ làm chủ, tranh thủ nguồn vốn trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh để hỗ trợ phụ nữ thành lập mô hình chuỗi giá trị phát triển kinh tế. Các cấp hội tổ chức, phối hợp đào tạo nghề cho 25.000 lao động nữ, hỗ trợ 250 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp…
Hay tại Bình Thuận, các cấp hội đã từng bước bám sát mục tiêu, nội dung hoạt động, giải pháp của Đề án; chủ động nguồn lực của từng cấp hội để xây dựng hoạt động cụ thể nhằm triển khai từng bước thực hiện có hiệu quả Đề án.
Bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Thuận – chia sẻ: Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025” của Chính phủ, thời gian qua chị em phụ nữ tại địa phương có nhiều ý tưởng khởi nghiệp thành công. Sản phẩm khởi nghiệp được người tiêu dùng và thị trường biết đến như: “Trồng rau sạch an toàn” (xã Vũ Hòa, Đức Linh), “Hồ bơi Tâm Nhân Trí” (xã Hồng Sơn, Hàm Thuận Bắc), “Tinh bột nghệ Đông Đan” (Tánh Linh), “Gạch không nung”, “Tranh giấy xoắn Quilling” (Hàm Tân) hay các sản phẩm từ trái thanh long gồm rượu vang, nước ép, siro... đã tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nữ nhàn rỗi địa phương.
Tại nhiều địa phương trên cả nước, bằng sự nhanh nhạy, vượt khó của mình, trong thời gian dịch bệnh bùng phát, sản phẩm do phụ nữ làm chủ đã được chào bán thông qua mạng xã hội zalo, facebook, trang fanpage… Điều này cho thấy sự năng động, khát vọng vươn lên của chị em phụ nữ, đem lại nguồn kinh tế ổn định.
Tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích phụ nữ tham gia làm chủ
Mới đây, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến khởi động Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”, phát động Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023 nhằm thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”.
Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” là đề án đầu tiên về phát triển kinh tế tập thể với đặc thù riêng cho giới nữ, nhằm đóng góp vào thúc đẩy bình đẳng giới thông qua hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành.
Mục tiêu Đề án đặt ra: Đến năm 2025, phấn đấu củng cố, hỗ trợ, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho ít nhất 750 hợp tác xã, 5.000 tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành đã được các cấp hội hỗ trợ thành lập.
Tạo việc làm ổn định cho 15.000 thành viên, lao động nữ trong hợp tác xã, 40.000 lao động nữ trong tổ hợp tác. 100% nữ quản lý của hợp tác xã được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị, điều hành phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Đến năm 2030, phấn đấu củng cố, hỗ trợ, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho ít nhất 1.500 hợp tác xã, 10.000 tổ hợp tác được các cấp hội hỗ trợ thành lập. Tạo việc làm ổn định cho 30.000 thành viên, lao động nữ trong hợp tác xã, 100.000 lao động nữ trong tổ hợp tác…
Theo bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam: Để thực hiện hiệu quả Đề án, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam luôn xác định ngoài phát huy kinh nghiệm thực tiễn các cấp hội cần đặt quyết tâm cao hơn nữa, phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành, chính quyền các cấp ngay từ khâu quán triệt, triển khai, nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp, nhân dân, hội viên, phụ nữ và toàn xã hội. Các giải pháp này không chỉ để thực hiện thành công Đề án, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới mà còn có ý nghĩa quan trọng giúp phụ nữ tham gia chủ động vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Nhằm tạo sự lan tỏa hơn nữa, Hội Liên hiệp phụ nữ các tỉnh cũng đã và đang tiếp tục hướng dẫn các cấp hội hỗ trợ, giúp chị em tự tin, mạnh dạn sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế; tuyên truyền, khuyến khích vận động hội viên, phụ nữ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất như tổ hợp tác, tổ liên kết, hợp tác xã. Tạo điều kiện giúp phụ nữ tiếp cận nguồn vốn, tranh thủ chương trình, đề án đào tạo nghề, giới thiệu việc làm để chị em hình thành, phát triển ý tưởng, xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả.
Thời gian tới, Hội Liên hiệp phụ nữ các tỉnh trong cả nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ các ngành liên quan huy động nguồn lực hỗ trợ những ý tưởng đang có sản phẩm, thực hiện hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, kinh doanh theo tiêu chuẩn an toàn, kết nối tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh. |