Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững Thủ tướng: Phải chú trọng đào tạo nghề để có nguồn lao động chất lượng cao |
Mục tiêu đào tạo nghề cho 7.450 lao động nông thôn
Kế hoạch Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Lai Châu năm 2023 đặt mục tiêu, đổi mới và phát triển đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Gắn đào tạo nghề với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật từ 55,97% vào năm 2022 lên 58,28% vào cuối năm 2023; trên 80% số người học sau đào tạo có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất lao động, thu nhập cao hơn.
Kế hoạch Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Lai Châu năm 2023 đặt mục tiêu, đổi mới và phát triển đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo |
Chỉ tiêu đào tạo nghề 3 tháng cho 7.450 lao động nông thôn, trong đó nghề nông nghiệp là 4.815 người và phi nông nghiệp là 2.635 người. Đối tượng tham gia học nghề là lao động nông thôn trong độ tuổi lao động (nữ 15-55 tuổi và nam từ 15-60 tuổi), có nhu cầu học nghề. Trong đó ưu tiên người khuyết tật thuộc đối tượng hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo; người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, người sau cai nghiện trở về với cộng đồng, người chấp hành xong án phạt tù.
Yêu cầu của việc đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu người lao động và nhu cầu thị trường; gắn với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; yêu cầu của chuyển dịch lao động và nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia chương trình phải đảm bảo năng lực cho đào tạo, có đủ điều kiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp, không tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi chưa dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập hoặc khả năng cải thiện năng suất lao động.
Tại huyện Nậm Nhùn, từ năm 2017 đến nay đã mở được 39 lớp dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp với 1.200 học viên tham gia |
Thay đổi từ những chương trình đào tạo nghề
Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được tỉnh Lai Châu quan tâm và đã có những chuyển biến rõ dệt, giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và ổn định đời sống, thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Điển hình như chị Giàng Thị Hoa - bản Thà Giàng Chải, xã Tả Ngảo huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu) học nghề trồng cây đương quy từ chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn vào năm 2018 và đã có thu nhập ổn định, giúp chị cải thiện sinh kế.
Bên cạnh đó, mô hình trồng xoài Đài Loan của gia đình ông Mào Văn Dũng cùng nhiều hộ dân ở bản Mường Mô, xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) được thực hiện từ chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện Nậm Nhùn. Năm 2019, gia đình ông Mào Văn Dũng đang loay hoay tìm hướng trồng cây gì phù hợp với đất canh tác vườn đồi cho hiệu quả kinh tế cao. Sau khi được tham gia vào chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn là trồng xoài Đài Loan, ông đã áp dụng vào vườn đồi của gia đình.
Được hỗ trợ 70 cây giống và thực hiện đúng kỹ thuật trồng, chăm sóc, sau hơn 1 năm, cây xoài đang sinh trưởng và phát triển tốt. Ông Mào Văn Dũng cho biết, nhờ tham gia các lớp dạy nghề nên gia đình tìm được hướng phát triển kinh tế mới.
Tại huyện Nậm Nhùn, từ năm 2017 đến nay đã mở được 39 lớp dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp với 1.200 học viên tham gia. Sau khoá học, học viên không chỉ nắm. được kiến thức, áp dụng tốt vào công việc hàng ngày mà còn nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Để giúp người dân thoát nghèo, ổn định cuộc sống, tỉnh Lai Châu xác định, công tác đào tạo nghề cho người lao động nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững.
Trên cơ sở đó, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm. Cùng với đó, chú trọng quy hoạch, đầu tư xây dựng mạng lưới cơ sở đào tạo nghề, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ dạy nghề, xây dựng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị, bồi dưỡng giáo viên cho các nghề trọng điểm; gắn kết cơ sở đào tạo với doanh nghiệp trong việc đặt hàng nhu cầu lao động…