Lá lốt: Biết cách dùng sẽ rất tốt cho sức khỏe, còn không lại dễ gây họa
Công dụng tuyệt vời từ lá lốt
Theo y học cổ truyền, lá lốt hơi cay, vị nồng, tính ấm, có tác dụng làm ấm bụng, trừ lạnh và giảm đau, thường dùng để chữa đau nhức xương khớp, chứng ra nhiều mồ hôi tay chân, mụn nhọt...
Lá lốt là vị thuốc dân gian gần gũi, dễ tìm, có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe |
Còn theo nghiên cứu y học hiện đại, lá lốt có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và giảm đau khá tốt. Trong 100g lá lốt có chứa nhiều dưỡng chất quan trọng cho cơ thể, như: Năng lượng 39 kcal, nước 86,5g, protein 4,3g, chất xơ 2,5g, canxi 260mg, photpho 980mg, sắt 4,1mg, vitamin C 34mg.
Rễ lá lốt chứa chất benzyl axetat, còn lá và thân chứa chất alkaloid, beta-caryophylen.
Với giá trị dưỡng chất như vậy, lá lốt có công dụng và được sử dụng trong nhiều bài thuốc khác nhau như: Chữa đau lưng, sưng khớp gối, bàn chân tê buốt; chữa phù thũng; chữa ra nhiều mồ hôi tay chân…
Đặc biệt với bệnh đau nhức xương khớp, lá lốt có tác dụng đã được y học hiện đại nghiên cứu. Qua phân tích thành phần của lá lốt nhận thấy, có nhiều tinh dầu cùng các hoạt chất chống oxy hóa. Trong đó tiêu biểu nhất là flavonoid, alcaloid. Flavonoid là chất chống viêm mạnh mẽ, có khả năng ức chế các cytokine tiền viêm thông qua quá trình điều hòa miễn dịch; đồng thời giúp tăng cường sản xuất collagen type 2, là collagen cấu thành lên sụn khớp, từ đó duy trì sức khỏe của xương khớp.
Alcaloid giúp ức chế thần kinh trung ương, làm giảm cảm giác đau nhức khó chịu. Ngoài ra, alcaloid cũng có thể hoạt động như một chất chống viêm hiệu quả.
Một số bài thuốc dân gian từ lá lốt
Chữa đau nhức xương, khớp khi trời lạnh:
+ 15g lá lốt phơi khô (khoảng 20-30g lá tươi), sắc 2 chén nước còn ½ chén, uống trong ngày.
+ Nên uống khi thuốc còn ấm, sau bữa ăn tối.
+ Mỗi liệu trình điều trị 10 ngày.
+ Hoặc lá lốt và rễ các cây bưởi bung, vòi voi, cỏ xước (mỗi vị 30g), tất cả đều dùng tươi, thái mỏng, sao vàng, sắc với 600ml nước còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày. Uống liên tục trong 7 ngày.
Trị chứng ra nhiều mồ hôi ở tay, chân:
+ Lá lốt tươi 30g, rửa sạch, để ráo cho vào 1 lít nước đun sôi khoảng 3 phút, khi sôi cho thêm ít muối, để ấm dùng ngâm hai bàn tay, hai bàn chân thường xuyên trước khi đi ngủ tối. Thực hiện liên tục trong 5-7 ngày.
+ Hoặc lá lốt 30g, thái nhỏ, sao vàng hạ thổ. Sắc với 3 chén nước còn 1 chén. Chia 2 lần, uống trong ngày. Uống trong 7 ngày liền. Sau khi ngừng uống thuốc 4 đến 5 ngày lại tiếp tục uống một tuần nữa.
Đầu gối sưng đau:
+ Lá lốt, ngải cứu mỗi vị 20g (tất cả dùng tươi), rửa sạch, giã nát, thêm giấm chưng nóng, đắp, chườm nơi đầu gối sưng đau.
Cách ngâm chân bằng lá lốt hiệu quả
Chuẩn bị khoảng 30g lá lốt, rửa sạch lá và để ráo nước. Cho phần lá lốt đã được rửa sạch vào khoảng 1 lít nước. Đun sôi hỗn hợp này trong khoảng từ 3 đến 5 phút. Tiếp đó, cho một chút muối vào hỗn hợp này, để đến khi nước ấm thì tiến hành ngâm chân và ngâm tay.
Nên ngâm từ khi nước ấm đến khi nước nguội. Mỗi ngày một lần và vào buổi tối trước khi ngủ. Để đạt hiệu quả, cần thực hiện liên tiếp trong khoảng 2 tuần. Nếu lựa chọn được những lá già, thân rễ của cây lá lốt thì hiệu quả sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, cần đun nước lâu hơn để có thể tận dụng hết được các dưỡng chất có trong thuốc.
Những ai cần cẩn trọng khi dùng lá lốt?
Theo lương y Bùi Hồng Minh, không phải ai cũng có thể ăn lá lốt. Một số đối tượng không nên ăn loại gia vị này như người bị đau dạ dày, nhiệt miệng, táo bón.
Người bị đau dạ dày dễ bị kích ứng niêm mạc khi ăn đồ ăn có tính nhiệt như lá lốt. Với người bị táo bón, nhiệt miệng vốn là những người bị nóng trong, ăn lá lốt vào cơ thể sẽ khiến tình trạng bệnh thêm nặng nề. Do đó, nếu đang gặp phải những vấn đề bệnh tật này, bạn cần tuyệt đối không ăn lá lốt.
Lá lốt có tính nóng nên nếu phụ nữ đang cho con bú sử dụng quá nhiều có thể bị mất sữa hoặc làm sữa bị loãng không đủ chất.
Người đang bị nóng gan, nhiệt miệng nặng, đau dạ dày không nên sử dụng lá lốt vì có thể khiến tình trạng bệnh trở nên nặng hơn.
Ăn quá nhiều lá lốt, khoảng trên 100g/ngày có thể khiến bạn gặp một số vấn đề về tiêu hóa như khó tiêu, đầy bụng, ợ nóng...
Những bài thuốc chữa đau khớp bằng lá lốt nói riêng và các bài thuốc dân gian nói chung đều có một số ưu điểm như: đơn giản, dễ thực hiện và tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả điều trị thì cần áp dụng đúng cách, cần thực hiện trong một thời gian nhất định. Thông thường, chỉ mang lại hiệu quả với những trường hợp bệnh nhẹ. |