![]() |
Xử lý nợ đọng bảo hiểm vì quyền lợi người lao động |
Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, từ ngày 1/6/2016, cơ quan BHXH chính thức được giao chức năng thanh tra việc đóng BHXH của các doanh nghiệp (DN). Theo đó, ngành BHXH có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính những DN vi phạm.
Tuy nhiên, mức xử phạt vi phạm hành chính hiện nay tối đa là 75 triệu đồng và mức xử phạt với tổ chức, đơn vị là 150 triệu đồng. Với mức phạt không đủ sức răn đe này đã khiến tình trạng nợ, trốn đóng BHXH vẫn diễn ra phức tạp tại nhiều địa phương.
Vì vậy, những quy định mới tại Bộ luật Hình sự (hiệu lực từ 1/1/2018) được kỳ vọng ngăn chặn tình trạng này. Cụ thể :Người nào gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ theo quy định từ 6 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng. Phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm với tội trốn đóng bảo hiểm từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng; trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.
Thậm chí, nếu pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, hoặc bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Bên cạnh tình trạng nợ đọng bảo hiểm, thời gian qua còn xuất hiện nhiều biểu hiện của trục lợi bảo hiểm như đi khám nhiều lần ở nhiều cơ sở, cấp trùng thuốc…
Về vấn đề này, theo số liệu của BHXH Việt Nam, năm 2017, qua kiểm soát từ Hệ thống thông tin giám định BHYT, phát hiện 1.580 bệnh nhân khám, chữa bệnh (KCB) bình quân từ 8 lần/tháng, KCB tại 3 cơ sở y tế trở lên. Cá biệt, có trường hợp bệnh nhân đi khám tới 17 lần/tháng. Thậm chí, trong cùng một ngày, bệnh nhân này đi khám vừa ở bệnh viện, trạm y tế phường, vừa ở trung tâm y tế thành phố. Hàng chục lần bệnh nhân được cấp trùng thuốc, mỗi lần cấp thuốc chỉ cách nhau 1, 2 ngày khám. Đáng nói hơn, không chỉ người tham gia bảo hiểm mà ngay cả các bác sỹ, cơ sở KCB cũng có dấu hiệu trục lợi bảo hiểm.
Theo Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra (BHXH Việt Nam) - ông Trần Ðức Long- có rất nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi nhằm chiếm đoạt, trục lợi. Đơn cử, các tổ chức, cá nhân lợi dụng kẽ hở của pháp luật và một số quy định chưa chặt chẽ về BHXH, BHYT để thực hiện những hành vi lạm dụng, trục lợi Quỹ BHXH, BHTN, nhất là Quỹ ốm đau - thai sản. Do đó, với một số điều luật về tội gian lận bảo hiểm được quy định trong Bộ luật Hình sự sẽ là biện pháp mạnh để ngăn chặn tình trạng lợi dụng kẽ hở của pháp luật thực hiện những hành vi chiếm đoạt, lạm dụng, trục lợi Quỹ BHXH.
Chỉ tính riêng trong năm 2017, có hơn 100 nghìn doanh nghiệp nợ BHXH của khoảng 2 triệu lao động với số tiền lên tới gần 6.000 tỷ đồng, đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ và chính sách an sinh xã hội. |