Tang vật thực phẩm chức năng không có nguồn gốc bị thu giữ
Những con số giật mình
“Chưa bao giờ những vụ bắt giữ TPCN lại xảy ra liên tiếp như hiện nay”- đây là nhận định của đại diện Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về số lượng các vụ vi phạm TPCN vừa qua.
Thống kê sơ bộ cho thấy, từ năm 2014 và 5 tháng đầu năm 2015, lực lượng chức năng các tỉnh, thành phố đã phát hiện và xử lý 2.113 vụ việc vi phạm về TPCN. Trong đó, vi phạm sở hữu trí tuệ là 287 vụ, hàng giả 887 vụ, hàng kém chất lượng là 949 vụ; số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là khoảng 236 tỷ đồng.
Chỉ tính riêng tại địa bàn Hà Nội, tính đến tháng 6/2015, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã xử lý 78 vụ vi phạm/97 vụ kiểm tra, số tiền thu nộp ngân sách là 1,8 tỷ đồng. Trong khi đó, cả năm 2014, con số này mới chỉ dừng lại ở 46 vi phạm/78 vụ kiểm tra, số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là trên 1 tỷ đồng.
Đặc biệt, xuất hiện nhiều vụ việc mang tính chất “nghiêm trọng” khi số lượng hàng hóa thu giữ lên tới hàng chục tấn. Đơn cử, ngày 5/5, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 đã kiểm tra Công ty Cổ phần Kingphar Việt Nam, B58 Nguyễn Thị Định, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Lực lượng đã tạm giữ lô hàng hóa là TPCN có dấu hiệu vi phạm. Qua giám định, 3/5 loại sản phẩm TPCN: Kingphar Baby; True Lady Kingphar; Viên xương khớp Kingphar của công ty này không đạt tiêu chuẩn theo công bố.
Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Thăng- Phòng Điều tra tội phạm kinh tế và chức vụ, Công an Hà Nội- phần lớn các loại TPCN này đã được tiêu thụ trên trên thị trường. Số bị thu giữ chỉ là lượng hàng còn lại.
TPCN giả “giăng bẫy” người tiêu dùng
Ông Vương Chí Dũng- Phó Cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội- cho biết, hiện nay, đến 90% các cơ sở kinh doanh thuốc, thực phẩm trên địa bàn Hà Nội đều đang có bán TPCN. Nhưng bao nhiêu phần trăm là sản phẩm thật thì khó mà đánh giá được.
Nhiều đường dây sản xuất và tiêu thụ TPCN đã được dựng lên một cách bài bản, chuyên nghiệp. Theo điều tra của các cơ quan chức năng, một lượng lớn hàng TPCN đang được đặt hàng làm giả từ Trung Quốc. Sản phẩm được làm nhái theo các hãng của nước ngoài sau đó tuồn về Việt Nam theo đường biên giới. Một con đường nữa là lượng lớn hàng giả được thông quan qua các cửa khẩu cảng biển, cảng hàng không, bưu điện quốc tế. Các đối tượng cũng thường trà trộn TPCN trong các lô hàng NK thông thường, không khai báo; lợi dụng hình thức bưu phẩm, bưu kiện, định mức miễn thuế… Cũng chính lý do này mà một loạt các sản phẩm TPCN hiện nay thường xuyên được đóng mác “hàng xách tay”!
Tinh vi hơn nữa là một số đối tượng thành lập công ty, đăng ký kinh doanh mặt hàng TPCN, đăng ký công bố chất lượng sản phẩm, đăng ký số cấp phép với Sở Y tế tỉnh, thành phố. Sản phẩm chủ yếu được thuê gia công tại các cơ sở sản xuất hoặc nguyên liệu thành phẩm được nhập về, đặt in tem nhãn ở cơ sở khác. Đặc biệt, thời gian gần đây, tại các khu vực lối xóm làng bản ở các vùng nông thôn, các huyện vùng sâu, vùng xa cũng đã xuất hiện thủ đoạn bán hàng TPCN bằng phương thức đa cấp.
Ông Nguyễn Xuân Ngọc- Trưởng phòng tổng hợp và thông tin liên ngành, Chi cục QLTT Hà Nội: TPCN giả không chỉ bị phù phép về nguồn gốc thành phần mà cả về giá cả. Điều này đang cho thấy sự “siêu lợi nhuận” từ kinh doanh các mặt hàng này. |
Kỳ II: “Lỗ hổng” từ khâu quản lý