Kinh tế tập thể giúp huyện nông thôn TP. Hồ Chí Minh “thay da đổi thịt”
Hiệu quả từ những quyết sách đúng
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và thực hiện Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP của Chính phủ về kinh tế trang trại trên địa bàn thành phố, ngay từ giai đoạn 2000-2006, thành phố đã tạo điều kiện để kinh tế hộ nông dân mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sản xuất, chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa thông qua chương trình giống chất lượng cao với mũi đột phá qua chương trình 2 cây - 2 con của thành phố. Từng bước khắc phục tình trạng khó khăn do đô thị hóa, tích cực chuyển dần sang mô hình nông nghiệp đô thị.
Việc thực hiện những chủ trương, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước đã giúp mô hình kinh tế tập thể tại thành phố từng bước phát triển; tạo việc làm, tăng thu nhập; khuyến khích làm giàu đi đôi với xóa đói giảm nghèo; đồng thời khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong công cuộc phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.
Kinh tế tập thể giúp huyện nông thôn TP. Hồ Chí Minh “thay da đổi thịt” |
Nói về kết quả của mô hình kinh tế tập thể, ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Chỉ tính riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, tính đến tháng 7/2022, thành phố có tổng cộng 108 hợp tác xã với khoảng 2.509 thành viên, trong đó có 72% hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Như vậy, bình quân một hợp xã có 23 thành viên và tổng thu nhập của các hợp tác xã khoảng là 4,25 tỷ đồng/năm. Bình quân thu nhập của lao động từ 7 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Hợp tác xã hoa lan Sơn Hà (huyện Bình Chánh) là một ví dụ. Ông Lưu Cẩm Hùng - Giám đốc Hợp tác xã này cho biết, mặc dù chỉ với 7 thành viên và diện tích 12.000m2 nhưng mỗi năm, khu vườn của Hợp tác xã xuất bán khoảng 300.000 cây lan nguyên сhậu, mang lạі doanh thu trung bình 4- 4,5 tỷ đồng.
Hay với Hợp tác xã bò sữa Đông Thạnh (huyện Hóc Môn), theo bà Võ Thị Bích Liễu - Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã, lúc đầu thành lập hợp tác xã chỉ có 10 hội viên nhưng chỉ sau 1 năm bà con nhận thấy hiệu quả của mô hình này là khi đầu ra được đảm bảo nên dân bắt đầu xin gia nhập. Tới nay, chỉ sau gần 5 năm, hợp tác xã có khoảng 70 hội viên và mỗi tuần cung ứng đều đặn 15 tấn sữa cho thị trường.
Sự đóng góp của kinh tế hợp tác xã đã và đang thay đổi bộ mặt của các huyện nông thôn, ngoại thành, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp cho TP. Hồ Chí Minh. Thống kê của UBND TP. Hồ Chí Minh cho thấy, giai đoạn 2016 - 2020, GDP lâm - ngư nghiệp thành phố tăng bình quân 4,59%/năm; giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp tăng bình quân 4,52%/năm; giá trị sản xuất trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp năm 2020 ước đạt 600 triệu đồng/ha/năm vào giai đoạn 2016 - 2020, tăng bình quân 9,9%/năm.
Năm 2021, do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp toàn thành phố tuy giảm 11,37% nhưng trong 9 tháng đầu năm 2022 đã tăng trở lại với mức 4,5% so với cùng kỳ.
Tiếp tục hỗ trợ để mô hình hợp tác xã phát triển
Năm 2022 thành phố vẫn tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 13-NQ/TW và Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP; đồng thời năm 2022 cũng là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI giai đoạn 2020 – 2025, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030, do đó ngành nông nghiệp thành phố đang tập trung thực hiện quyết liệt cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới nhằm, trong đó có công tác hỗ trợ người dân, hợp tác xã phục hồi.
TP. Hồ Chí Minh cũng đã đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025, phát triển 150 hợp tác xã, 2 Liên hiệp hợp hợp tác xã; tốc độ tăng trưởng bình quân của khu vực kinh tế tập thể đạt 7%/năm; tỷ trọng đóng góp vào GRDP TP là 0,5%; thu hút thêm 15.000 lao động làm việc trong khu vực kinh tế hợp tác xã; tỷ lệ cán bộ quản lý hợp tác xã đã qua đào tạo có trình độ đại học, cao đẳng đạt trên 60%, còn lại đạt trình độ trung, sơ cấp. Xây dựng và phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại và dịch vụ.
Theo tinh thần đó, thành phố sẽ hỗ trợ cho các hợp tác xã phát triển về khoa học công nghệ, vật tư, giống, vốn cũng như liên kết tạo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp...
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn thành phố sẽ phối hợp với Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao, Liên minh Hợp tác xã hộ và các hộ nông dân để hỗ trợ hợp tác xã trong quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là ứng dụng các IoT, thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông sản, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP...
Thành phố cũng có chính sách tăng cường lượng trẻ tới làm việc, hỗ trợ cho các hợp tác xã thông qua trả lương “xứng đáng” để các nhân lực trẻ này có thể tham gia trực tiếp, hỗ trợ cho các hợp tác xã hoạt động hiệu quả hơn.