Kinh tế Đông Nam Á 2023: Vượt qua thách thức, tăng trưởng vượt trội
Bước vào năm 2023, nền kinh tế Đông Nam Á đã phải đối mặt với bối cảnh phức tạp gồm căng thẳng địa chính trị, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và những ảnh hưởng kéo dài của đại dịch COVID-19.
Song vượt qua những thách thức, chi tiêu tiêu dùng vẫn là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế ở Đông Nam Á, khi duy trì ổn định; thu nhập tăng, tầng lớp trung lưu ngày càng xuất hiện nhiều.
Cùng với đó, việc áp dụng nhanh chóng các công nghệ kỹ thuật số, được tăng tốc bởi đại dịch, mang đến cơ hội phát triển trong thương mại điện tử, công nghệ tài chính và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.
Các sáng kiến hợp tác khu vực, chẳng hạn như Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), đã tăng cường hội nhập kinh tế, tạo thuận lợi cho thương mại và dòng vốn đầu tư trong khu vực Đông Nam Á.
Kinh tế Đông Nam Á 2023: Vượt qua thách thức, tăng trưởng vượt trội (Ảnh: Reuters) |
Đồng thời, với việc mở cửa lại biên giới và nới lỏng các hạn chế đi lại, ngành du lịch Đông Nam Á đã dần phục hồi. Di sản văn hóa phong phú, vẻ đẹp tự nhiên và các điểm tham quan đa dạng của khu vực tiếp tục thu hút du khách.
Các kết quả ấn tượng trong năm 2023 được thể hiện khi 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á bao gồm: Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng 4,2% và 4,8% vào năm tới. Tốc độ này sẽ vượt xa mức tăng trưởng 1,1% dự kiến của các nước phát triển vào năm 2023 hoặc mức ước tính 0,7% vào năm tới. Sự tăng tốc này thật đáng chú ý, đặc biệt khi xét đến dòng tiền du lịch từ Trung Quốc vẫn chưa quay trở lại Đông Nam Á như dự kiến.
Trong năm 2023, các nền kinh tế của khu vực Đông Nam Á đã chiếm 8% kim ngạch xuất khẩu toàn cầu. Kể từ năm 2020, đã vượt Liên minh châu Âu trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Đồng thời, khu vực này đang được hưởng lợi từ việc tái cấu trúc các chuỗi cung ứng toàn cầu vì đây là nơi giao nhau của hai trong số các hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Toàn diện và tiến bộ đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Theo một cuộc khảo sát gần đây của HSBC, các công ty ở châu Á - Thái Bình Dương có kế hoạch sẽ đặt 24,4% chuỗi cung ứng của mình tại Đông Nam Á trong một đến hai năm tới, tăng so với mức 21,4% kể từ năm 2020.
Khi nhiều công ty đa dạng hóa và áp dụng chiến lược sản xuất "Trung Quốc + 1", Đông Nam Á sẽ tiếp tục chiếm thêm thị phần. Nhiều khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu sẽ được hướng đến khu vực này vì trọng tâm của hoạt động sản xuất toàn cầu đang tiếp tục dịch chuyển.
Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi sang mục tiêu phát thải ròng bằng 0 là xu hướng mang tính cấu trúc thứ hai mang lại những cơ hội to lớn khi Đông Nam Á chạy đua "xanh hóa lưới điện".
Đáng chú ý, trong khi phần lớn năng lượng cung cấp cho Đông Nam Á đến từ nhiên liệu hóa thạch, vì vậy thật đáng khích lệ khi Indonesia và Việt Nam - hai trong số những nền kinh tế năng động nhất khu vực đã công bố các Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với nhóm 7 quốc gia và các quốc gia phát triển khác.
Bảng tổng kết tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Nam Á 2022-2023 (Ảnh: Bloomberg) |
Dự báo, trong năm 2024, lãnh đạo các nước trong khu vực dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, năng lượng và các chương trình xã hội. Những khoản đầu tư này sẽ thúc đẩy hoạt động kinh tế và tạo việc làm. Điều này tạo nên sự kỳ vọng của người dân trong khu vực về một cuộc sống sẽ cải thiện tốt hơn so với năm 2023.
Rohit Chatterji, đồng giám đốc M&A khu vực châu Á - Thái Bình Dương của JPMorgan, cho biết: “Hoạt động ở Đông Nam Á vẫn được thúc đẩy bởi sự hợp nhất trong nước trong các lĩnh vực như tổ chức tài chính và TMT (công nghệ, truyền thông, viễn thông)”.
Sự kỳ vọng của người dân về sự tăng trưởng là có cơ sở, song nền kinh tế khu vực Đông Nam Á được dự báo sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi các căng thẳng chính trị ngày càng gia tăng. Điều này có thể ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư trong khu vực. Bên cạnh đó, các tranh chấp thương mại, lệnh trừng phạt và sự gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục gây ra rủi ro cho các nền kinh tế Đông Nam Á, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và thương mại.
Trong năm 2024, lạm phát tại khu vực Đông Nam Á dự báo sẽ tiếp tục tăng cao do hạn chế về nguồn cung và chi phí năng lượng. Điều này có thể khiến các ngân hàng trung ương ở Đông Nam Á thắt chặt chính sách tiền tệ và làm chậm tăng trưởng kinh tế.
Để ứng phó trước những khó khăn trước mắt, các nền kinh tế Đông Nam Á đang ưu tiên tăng trưởng bền vững và bao trùm, tập trung vào năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng xanh và các chương trình bảo trợ xã hội nhằm giải quyết bất bình đẳng thu nhập và giảm nghèo.