Động đất Myanmar: Khuyến nghị với an toàn công nghiệp Việt Nam! Động đất Myanmar cảnh báo những vùng đứt gãy Việt Nam Động đất Myanmar: Giao thương Việt Nam - Myanmar ảnh hưởng thế nào? |
Đông Nam Á nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, khu vực có hoạt động địa chất mạnh mẽ, khiến các quốc gia trong khu vực thường xuyên đối mặt với nguy cơ động đất và sóng thần. Việc triển khai các hệ thống cảnh báo sớm đóng vai trò quan trọng trong giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Hệ thống cảnh báo sớm động đất nổi bật trên thế giới
Ở Nhật Bản, hệ thống cảnh báo động đất sớm (EEW) là một trong những hệ thống tiên tiến nhất toàn cầu, được phát triển bởi Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA). EEW hoạt động bằng cách phân tích sóng P – loại sóng địa chấn đầu tiên phát ra từ trận động đất, được các cảm biến phát hiện ngay khi trận động đất bắt đầu.
![]() |
SASMEX trở thành hệ thống cảnh báo sớm địa chấn đầu tiên trên thế giới phát sóng công khai các cảnh báo địa chấn tới người dân thông qua hệ thống phát thanh và truyền hình. Ảnh minh họa |
Hàng ngàn cảm biến địa chấn được đặt khắp nước Nhật sẽ ghi nhận những rung động ban đầu và lập tức gửi dữ liệu về trung tâm xử lý của JMA. Tại đây, các chuyên gia và hệ thống tự động phân tích nhanh vị trí tâm chấn, độ sâu và độ lớn của trận động đất.
Nếu các tín hiệu cho thấy nguy cơ gây thiệt hại, EEW sẽ kích hoạt cảnh báo ngay lập tức, thông qua nhiều kênh: truyền hình, phát thanh, ứng dụng điện thoại, tin nhắn, bảng điện tử và loa phóng thanh công cộng.
Không chỉ cảnh báo cho người dân, hệ thống còn được tích hợp với nhiều cơ sở hạ tầng trọng yếu. Các tuyến tàu cao tốc Shinkansen, nhà máy điện, nhà cao tầng có thể tự động dừng hoạt động, ngắt điện, hoặc đóng hệ thống an toàn ngay khi nhận cảnh báo.
Ở Mexico, hệ thống cảnh báo động đất Mexico (SASMEX) là một trong những hệ thống cảnh báo sớm động đất tiên tiến và hiệu quả trên thế giới. Được vận hành bởi Trung tâm Đăng ký và Dụng cụ Địa chấn (CIRES), SASMEX đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do động đất gây ra tại Mexico.
Bắt đầu đi vào hoạt động tháng 8/1991, đến nay SASMEX trở thành hệ thống cảnh báo sớm địa chấn đầu tiên trên thế giới phát sóng công khai các cảnh báo địa chấn tới người dân thông qua hệ thống phát thanh và truyền hình.
Ở Hoa Kỳ, hệ thống cảnh báo động đất sớm ShakeAlert là một công cụ quan trọng giúp giảm thiểu tác động của động đất tại Hoa Kỳ. Được vận hành bởi Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), ShakeAlert cung cấp cảnh báo kịp thời, cho phép người dân và các hệ thống tự động thực hiện các biện pháp bảo vệ trước khi rung lắc mạnh xảy ra.
Ở Đài Loan (Trung Quốc), hệ thống cảnh báo động đất sớm (EEW) của Đài Loan (Trung Quốc), do Cục Khí tượng Trung ương (CWB) vận hành, đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu thiệt hại do động đất gây ra tại hòn đảo thường xuyên hứng chịu các hoạt động địa chấn này.
Sau trận động đất thảm khốc năm 1999 khiến hơn 2,400 người thiệt mạng, Đài Loan (Trung Quốc) đã chú trọng phát triển và tích hợp hệ thống EEW vào chiến lược phòng chống thiên tai quốc gia. Hệ thống này sử dụng mạng lưới cảm biến địa chấn dày đặc để phát hiện sớm các rung chấn và đưa ra cảnh báo kịp thời.
Đáng chú ý, trong thời đại số, điện thoại thông minh đã trở thành công cụ hỗ trợ hiệu quả trong việc nhận cảnh báo sớm về động đất. Một số ứng dụng tiêu biểu gồm MyShake (sử dụng cảm biến gia tốc trong điện thoại để phát hiện rung chấn), Earthquake Network (cảnh báo sớm dựa vào dữ liệu cộng đồng), và LastQuake (cung cấp thông tin toàn cầu, cho phép người dùng chia sẻ cảm nhận).
Ngoài ra, Earthquake Alerts Tracker và Earthquake Zone cung cấp bản đồ động đất theo thời gian thực cùng các thông tin kỹ thuật như tâm chấn, độ sâu, cường độ. Đây đều là những giải pháp dễ tiếp cận, góp phần tăng cường năng lực phòng tránh thiên tai cho người dân.
Việt Nam – “vùng xám” của cảnh báo địa chấn
Việt Nam không nằm trực tiếp trên vành đai lửa, nhưng vẫn chịu ảnh hưởng từ các đứt gãy nội địa và lan truyền địa chấn từ Myanmar, Trung Quốc, Philippines. Tuy nhiên, đến nay, hệ thống cảnh báo sớm vẫn ở mức sơ khai.
![]() |
Việt Nam có 40 trạm quan trắc động đất hoạt động ổn định. Ảnh minh họa |
Hiện nay, Việt Nam có 40 trạm quan trắc động đất hoạt động ổn định, với khoảng cách giữa các trạm từ 200-300 km. Hệ thống này có thể ghi nhận các trận động đất từ độ lớn 3,5 trở lên. Khi có ít nhất 8 trạm ghi nhận cùng một trận động đất, hệ thống sẽ tự động xử lý và xác định độ lớn, sau đó cán bộ kiểm tra lại để đưa ra kết quả chính xác hơn. Tuy nhiên, hệ thống này chủ yếu phục vụ việc ghi nhận và nghiên cứu, chưa phát triển đến mức có thể cảnh báo sớm cho người dân trước khi rung chấn xảy ra.
Thêm vào đó, Việt Nam cũng chưa có ứng dụng điện thoại quốc gia để cảnh báo động đất cho người dân. Không có quy định cụ thể yêu cầu tích hợp cảnh báo địa chấn vào hệ thống hạ tầng trọng yếu như nhà cao tầng, thủy điện, bệnh viện.
So sánh với Myanmar, quốc gia vừa hứng chịu trận động đất 7,7 độ vào tháng 3/2025, có thể thấy bài học rõ ràng: không chuẩn bị trước là chuẩn bị cho thất bại.
Lối ra từ AI và dữ liệu vệ tinh
Trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu vệ tinh đang mở ra hướng đi mới cho các nước đang phát triển xây dựng EEW:
![]() |
Vệ tinh Sentinel-1A sử dụng công nghệ radar khẩu độ tổng hợp (SAR) để quan sát bề mặt trái đất. Ảnh minh họa |
Vệ tinh Sentinel-1A của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA), sử dụng công nghệ radar khẩu độ tổng hợp (SAR) để quan sát bề mặt trái đất. Công nghệ giao thoa radar (InSAR) cho phép đo lường chính xác các chuyển động nhỏ của bề mặt đất, thậm chí ở mức milimet.
Vệ tinh Landsat của Mỹ cung cấp dữ liệu quang học đa phổ với độ phân giải không gian và thời gian cao, hỗ trợ giám sát biến dạng bề mặt đất. Tuy nhiên, dữ liệu quang học từ Landsat có thể bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết như mây che phủ, hạn chế khả năng quan sát liên tục.
AI và các mô hình học máy (machine learning) đang được ứng dụng để phân tích hàng triệu tín hiệu địa chấn và rung chấn trong thời gian thực. Các mô hình học sâu (deep learning) không chỉ giúp xác định vị trí tâm chấn, độ sâu và cường độ của các đợt địa chấn, mà còn có khả năng dự đoán những yếu tố này trước khi các đợt sóng mạnh lan rộng.
Ví dụ nổi bật là thuật toán DiTing do đại học Texas tại Austin (Mỹ) phát triển, được đào tạo trên dữ liệu địa chấn từ Trung Quốc, đã phân tích các mô hình rung chấn để xác định tâm chấn tiềm năng và đánh giá khả năng xảy ra động đất.
Hành động chiến lược cho Việt Nam
Thứ nhất, thay đổi tư duy “vùng an toàn”: Không nên chủ quan vì ít có động đất lớn. Hệ thống cảnh báo là bảo hiểm chiến lược, đặc biệt trong bối cảnh đô thị hóa nhanh.
Thứ hai, lập bản đồ nguy cơ động đất quốc gia: Cần xây dựng bản đồ nguy cơ động đất chi tiết đặc biệt tại các khu vực có công trình trọng yếu như thủy điện, đường cao tốc, thành phố đông dân cư. Lập bản đồ nguy cơ địa chấn không phải là nhiệm vụ của riêng ngành địa chất, mà cần phối hợp chặt chẽ với quy hoạch đô thị, xây dựng, giao thông và phòng chống thiên tai.
Thứ ba, ban hành quy chuẩn kỹ thuật bắt buộc cho công trình trọng yếu: Cần nhanh chóng xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với những công trình có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng trong trường hợp xảy ra động đất. Cần có quy định bắt buộc tích hợp cảnh báo động đất vào thiết kế và vận hành các công trình như bệnh viện, nhà cao tầng, nhà máy điện, hầm giao thông hay trường học trong quản lý rủi ro thiên tai.
Thứ tư, đầu tư vào công nghệ lõi, bắt đầu từ AI và vệ tinh: Học học hỏi từ thuật toán DiTing ở Mỹ để phân tích tín hiệu địa chấn, đồng thời đầu tư vào các hệ thống tiếp nhận và xử lý dữ liệu từ các vệ tinh như Sentinel (châu Âu) hoặc Landsat (Mỹ), kết hợp với dữ liệu địa chấn nội địa để phát hiện sớm các vùng tích tụ ứng suất địa tầng.
Thứ năm, xây dựng ứng dụng cảnh báo động đất trên di động: Các ứng dụng như MyShake (Mỹ) hay LastQuake (châu Âu) đã chứng minh hiệu quả trong việc cảnh báo sớm dựa trên cảm biến trong điện thoại hoặc mạng lưới cộng đồng. Việt Nam hoàn toàn có thể thí điểm phát triển ứng dụng quốc gia về cảnh báo động đất, tích hợp với các nền tảng phổ biến như Zalo, SMS, App địa phương, và tích hợp bản đồ nguy cơ địa chấn theo thời gian thực.
Thứ sáu, tham gia các sáng kiến khu vực và quốc tế về chống rủi ro địa chấn:Những quốc gia đi trước như Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc) sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm thông qua chương trình viện trợ, chuyển giao công nghệ hoặc nghiên cứu chung. Thay vì tự đầu tư đơn lẻ với nguồn lực hạn chế, Việt Nam nên chủ động đàm phán và đề xuất các dự án hợp tác quốc tế.
Thứ bảy, lồng ghép giáo dục cộng đồng: Việt Nam cần cần đưa giáo dục phòng tránh thiên tai vào trường học, bệnh viện, khu dân cư, và tổ chức diễn tập định kỳ để cộng đồng không bị bất ngờ khi thảm họa xảy ra. Nhật Bản là minh chứng điển hình: ngay từ cấp tiểu học, học sinh đã được dạy cách trú ẩn, sơ tán và phản ứng khi có động đất.
Trận động đất Myanmar mạnh 7,7 độ vừa qua một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo cho toàn khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam – nơi vẫn tiềm ẩn nhiều đứt gãy địa chất nguy hiểm nhưng chưa có hệ thống cảnh báo động đất sớm hiệu quả. Kinh nghiệm từ Nhật Bản, Mexico và Mỹ cho thấy: chỉ khi chủ động chuẩn bị và đầu tư vào công nghệ lõi như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu vệ tinh, cùng các ứng dụng cảnh báo trên di động, Việt Nam mới có thể bảo vệ người dân, hạ tầng trọng yếu và đảm bảo an toàn công nghiệp trước thảm họa địa chấn ngày càng khó lường. |