Thứ ba 13/05/2025 23:37

3 đề xuất phát triển mạng lưới điện ASEAN trong tương lai

Theo chuyên gia Mirza Sadaqat Huda, ASEAN cần giải quyết các vấn đề thể chế, thị trường REC…

Tiến trình hội nhập ASEAN đang mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có năng lượng. Trước những biến động địa chính trị và thương mại toàn cầu, Đông Nam Á cần một hệ thống liên kết năng lượng chặt chẽ, vận hành trên cơ sở luật lệ minh bạch nhằm thúc đẩy phát triển bền vững.

Chuyên gia Mirza Sadaqat Huda từ Viện Nghiên cứu Yusof Ishak (Singapore) nhấn mạnh tầm quan trọng của Lưới điện ASEAN (APG) trong một bài xã luận gần đây. Ông Huda cho rằng, để APG có thể tiếp tục phát triển, ASEAN cần thành lập một thể chế năng lượng khu vực, phát triển thị trường Chứng chỉ Năng lượng Tái tạo (REC) và thiết lập phương pháp tính phí luân chuyển minh bạch.

Việc tiếp tục phát triển mạng lưới điện tại Đông Nam Á là vô cùng cần thiết. Ảnh minh họa: evn.com.vn

Thể chế năng lượng khu vực: Nhu cầu cấp thiết

Theo ông Huda, kể từ khi Bản ghi nhớ APG đầu tiên có hiệu lực vào năm 2009, kết nối năng lượng tại ASEAN đã có những bước tiến đáng kể. Hiện nay, 9 trong số 18 dự án kết nối chính đã hoàn thành, trong đó nổi bật là dự án kết nối điện Lào - Thái Lan - Malaysia - Singapore (LTMS-PIP). Việc Singapore trực tiếp mua điện tái tạo từ Lào thông qua hệ thống lưới điện khu vực đã đánh dấu một cột mốc quan trọng, thúc đẩy hợp tác về cáp ngầm, hệ thống lưu trữ năng lượng và các dự án năng lượng mặt trời.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của quá trình hội nhập năng lượng, ASEAN cần một tổ chức khu vực đóng vai trò điều phối, tương tự như Mạng lưới các nhà điều hành hệ thống truyền tải châu Âu (ENTSO-E). Theo ông Huda, ENTSO-E là mô hình phù hợp nhờ khả năng điều hòa mã lưới điện, chia sẻ dữ liệu và lập kế hoạch phát triển hạ tầng khu vực. Điều quan trọng là tổ chức này có thẩm quyền pháp lý, yêu cầu các bên liên quan trong ngành năng lượng cung cấp dữ liệu nhằm đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả của thị trường điện.

Tuy nhiên, ASEAN cũng có thể tham khảo mô hình Quỹ Điện lực Nam Phi (SAPP), hoạt động dựa trên Biên bản ghi nhớ liên chính phủ mà không cần ràng buộc pháp lý. SAPP đã thành công trong việc thúc đẩy thương mại điện năng giữa các quốc gia thành viên nhờ cơ chế phối hợp linh hoạt.

Ông Huda nhận định: "Dựa vào những kinh nghiệm thực tế, ASEAN cần thảo luận về khả năng thành lập một tổ chức năng lượng khu vực, đồng thời xem xét cơ chế ràng buộc nhằm chính thức hóa việc chia sẻ dữ liệu, giải quyết tranh chấp và xây dựng quy định thị trường điện chung".

Phát triển thị trường Chứng chỉ Năng lượng Tái tạo (REC)

Tương lai của mạng lưới điện tại Đông Nam Á cũng phụ thuộc vào việc xây dựng thị trường REC khu vực. Trên thực tế, REC là công cụ tài chính giúp chứng nhận nguồn gốc điện năng từ các nguồn tái tạo, đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng năng lượng sạch.

Theo ông Huda, nhu cầu về REC ngày càng tăng do các tập đoàn lớn như Google và Samsung đang tìm kiếm nguồn cung điện sạch. Giai đoạn 2019-2023, tổng số REC từ năng lượng mặt trời và gió tại Đông Nam Á đã tăng gần 13 lần, trong đó Malaysia, Thái Lan và Việt Nam là những nước phát hành REC nhiều nhất.

Theo ông Huda, Việt Nam là một trong những quốc gia Chứng chỉ Năng lượng Tái tạo nhiều nhất. Ảnh minh họa: baochinhphu.vn

Tuy nhiên, một thách thức lớn đối với thị trường REC khu vực là việc chưa được các tiêu chuẩn quốc tế như RE100, vốn chỉ công nhận các giao dịch điện xuyên biên giới tại Bắc Mỹ và châu Âu. Điều này hạn chế tiềm năng thương mại REC trong khu vực ASEAN.

Theo ông Huda, việc đạt được công nhận từ RE100 và các tiêu chuẩn quốc tế khác là điều kiện tiên quyết để ASEAN thu hút các nhà đầu tư lớn. Nếu REC xuyên biên giới được chấp nhận, khu vực sẽ mở rộng cơ hội phát triển năng lượng tái tạo, nâng cấp hạ tầng lưới điện và hệ thống lưu trữ năng lượng, đồng thời góp phần trung hòa carbon trong ngành năng lượng.

Chính vì vậy ASEAN cần tạo nền tảng cho các cuộc đàm phán giữa các quốc gia Đông Nam Á, nhằm thống nhất tiêu chuẩn REC, tạo điều kiện cho việc công nhận chứng chỉ REC xuyên biên giới, giúp thị trường phát triển minh bạch và dễ tiếp cận hơn.

Xây dựng phương pháp tính phí minh bạch

Theo ông Huda, ASEAN đặc biệt cần một cơ chế minh bạch để tính toán phí luân chuyển điện qua biên giới. Trong dự án LTMS-PIP, Lào đã trả phí luân chuyển cho Thái Lan và Malaysia, qua đó đưa điện đến Singapore. Tuy nhiên, mức phí này không được công khai do các thỏa thuận thương mại.

Ông Huda cho rằng, ASEAN có thể học hỏi mô hình của SAPP, trong đó phí luân chuyển được tính dựa trên ba yếu tố: tỷ lệ sử dụng lưới điện, chi phí vận hành và bảo trì, cùng với chi phí thay thế hạ tầng. Theo chuyên gia, một phương pháp tính phí minh bạch sẽ giúp thúc đẩy đầu tư và tạo động lực phát triển các dự án kết nối điện khu vực.

Bản ghi nhớ APG mới cần đặt ra nguyên tắc tính phí luân chuyển công bằng, đơn giản và dễ thực hiện. Ông Huda nhận định, điều này không chỉ giúp đảm bảo thu hồi chi phí đầu tư mà còn tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích các quốc gia ASEAN tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng.

Chuyên gia Huda nhận định: "Bản ghi nhớ APG đầu tiên đã tạo nền tảng quan trọng để thúc đẩy nghiên cứu và hợp tác trong lĩnh vực năng lượng. Tuy nhiên, các thỏa thuận kế nhiệm cần đi xa hơn, với mục tiêu xây dựng thể chế mạnh mẽ, tạo ra cơ chế thị trường minh bạch và phản ánh đúng những cơ hội, thách thức hiện nay. Việc tiếp tục phát triển mạng lưới điện ASEAN sẽ không chỉ tăng cường kết nối mà còn đảm bảo an ninh năng lượng và thu hút đầu tư vào năng lượng sạch trong khu vực”.
Phú Quý (theo Fulcrum)
Bài viết cùng chủ đề: Năng lượng tái tạo

Tin cùng chuyên mục

PC Lào Cai cùng chủ nhà máy thuỷ điện nâng cao chất lượng vận hành lưới điện

EVNNPC: Sẵn sàng cung ứng điện mùa nắng nóng

Chính thức điều chỉnh tăng giá điện từ ngày 10/5/2025

NSMO ứng dụng AI vận hành hệ thống điện quốc gia

Cập nhật tiến độ cụm dự án truyền tải giải tỏa công suất NMĐ Nhơn Trạch 3&4

Tính giá điện: Cần bỏ tình trạng mua cao, bán thấp

Bộ Công Thương phê duyệt khung giá điện chất thải năm 2025

Khung giá cho thuỷ điện tích năng năm 2025

Cơ chế mới về điện lực tạo hành lang pháp lý cho đầu tư tư nhân

Thực hiện Quy hoạch điện VIII điều chỉnh: Những vấn đề lớn nào cần lưu ý?

Lào Cai: Khách hàng đồng hành cùng chương trình DR

Không để sự cố lưới truyền tải điện cao điểm mùa khô 2025

Khoảnh khắc cùng cán bộ vận hành hệ thống điện trực 30/4

Ngành điện phía Nam đảm bảo điện cho đại lễ 30/4

Trắng đêm của kỹ sư vận hành hệ thống điện miền Nam

EVNSPC: Dấu ấn 50 công trình điện mừng ngày Giải phóng miền Nam

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Quy hoạch điện VIII điều chỉnh

Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha tê liệt vì sự cố mất điện

Đảng bộ EVNNPT bước vào nhiệm kỳ mới với khí thế mới

EVNNPT đóng điện nhiều công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ và ngày thống nhất đất nước