Kinh doanh thua lỗ, hãng Vietnam Airlines có nguy cơ bị hủy niêm yết?
Theo báo cáo tài chính năm 2021 chưa kiểm toán, hãng Vietnam Airlinesghi nhận doanh thu đạt 9.179 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cùng kỳ. Kinh doanh dưới giá vốn khiến Vietnam Airlines lỗ gộp 1.100 tỷ đồng trong quý cuối năm 2021. Con số này cùng kỳ năm trước thậm chí còn lên đến 2.085 tỷ đồng.
Sau khi trừ chi phí, Vietnam Airlines lỗ ròng 1.184 tỷ đồng trong quý 4 qua đó tiếp tục đào sâu khoản lỗ ròng cả năm 2021 đến 13.337 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối thời điểm 31/12/2021 âm 21.978 tỷ đồng và đã "ngốn" gần hết vốn điều lệ 22.144 tỷ đồng.
Ngoài ra, Vietnam Airlines còn bị mất cân đối tài chính trầm trọng vào cuối năm 2021 khi nợ ngắn hạn (41.259 tỷ đồng) vượt đến gần 30.000 tỷ đồng so với tài sản ngắn hạn (11.425 tỷ đồng). Số dư nợ vay thời điểm 31/12/2021 lên đến 34.800 tỷ đồng, chiếm hơn 55% tổng tài sản của hãng hàng không này.
Để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, công bằng với các doanh nghiệp khác, Vietnam Airlines phải chấp hành nghiêm quy định về công bố thông tin |
Trong khi đó, theo quy định tại Thông tư 96 của Bộ Tài chính, nếu tổ chức niêm yết cổ phiếu quy mô lớn là công ty mẹ của tổ chức khác như với trường hợp Vietnam Airlines thì phải công bố báo cáo tài chính quý trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý, tức là phải công bố báo cáo quý 1 chậm nhất vào ngày 30/4.
Vì vậy, việc trễ hẹn gần đây có nhiều ý kiến xem là động thái "nghi binh". Vì nếu báo cáo, Vietnam Airlines khó tránh được kết quả kinh doanh lỗ. Theo một chuyên gia thuộc Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, thực tế Vietnam Airlines đang trong tình trạng kinh doanh lỗ và có nguy lỗ lũy kế âm vốn chủ sở hữu sau hai năm. Việc xin gia hạn thời gian công bố kết quả kinh doanh quý dù vì lý do gì thì đó cũng là hành động trì hoãn mà các nhà đầu tư có thể đặt câu hỏi về mục đích.
Nhận định thêm, nhiều chuyên gia cho rằng, việc cổ phiếu Vietnam Airlines bị hủy niêm yết hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng cần phải đợi hết năm 2022. Tính lũy kế cả năm 2020 thì khoản lỗ đã vượt điều lệ nhưng theo quy định, số lỗ này phải được tính trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Thông tin về vấn đề này, đại diện Ủy ban Chứng khoán cho biết, việc Vietnam Airlines chậm nộp báo cáo tài chính là chưa chấp hành đúng quy định Thông tư 96 năm 2020 của Bộ Tài chính. "Chúng tôi tiếp tục đôn đốc Vietnam Airlines sớm công bố thông tin kịp thời", vị này nói.
Ý kiến từ các luật sư cho rằng, để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, công bằng với các doanh nghiệp khác, Vietnam Airlines phải chấp hành nghiêm quy định về công bố thông tin. Tuy nhiên, xét thấy suốt hơn 2 năm qua, nhiều doanh nghiệp nhất là du lịch, hàng không... bị kiệt quệ do dịch Covid-19 nên cùng những hỗ trợ về thuế, lãi suất... cần có chính sách hỗ trợ về chứng khoán.
Đơn cử doanh nghiệp bình thường nếu bị lỗ 3 năm, lỗ quá vốn chủ sở hữu thì có thể bị hủy niêm yết. Nhưng với những doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề do Covid-19 mà lỗ 3 năm đến nay đang hồi phục, tiềm năng rất tốt thì có thể không bị hủy niêm yết.
Như Báo Công Thương đã đưa, cuối tháng 4 vừa qua, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), HoSE: HVN) đã có công văn gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HoSE) về việc xin gia hạn thời gian công bố thông tin báo cáo tài chính quý I/2022.
"Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong những tháng đầu năm 2022, nhiều cán bộ nhân viên của Vietnam Airlines phải cách ly, điều trị tại nhà dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân sự làm công tác kế toán" - hãng này đưa ra lý do.
Bên cạnh đó, hãng này cho biết, các nhân sự của công ty này phải ưu tiên hoàn thành báo cáo tài chính năm 2021 được kiểm toán nên chưa thể tập trung cho công tác lập báo cáo tài chính quý I/2022.
“Do đó, Vietnam Airlines không thể thực hiện công bố thông tin báo cáo tài chính quý I theo quy định”, công văn nêu rõ. Sau đó, hãng bay này tiếp tục có công văn xin gia hạn công bố báo cáo thường niên năm 2021.
Tại công văn phúc đáp, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, lý do trên vào thời điểm hiện nay là không phù hợp. Theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 14 Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, tổ chức niêm yết cổ phiếu, công ty đại chúng quy mô lớn phải công bố báo cáo tài chính quý trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý.
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đề nghị Vietnam Airlines thực hiện công bố báo cáo tài chính quý I/2022 và khẩn trương thực hiện công bố báo cáo tài chính năm 2021 đã kiểm toán, báo cáo thường niên năm 2021 theo quy định của pháp luật.