Thứ bảy 23/11/2024 02:46

Kiên Giang: Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp

Những năm qua, Kiên Giang huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng tập trung ở 2 khu công nghiệp Thạnh Lộc (huyện Châu Thành) và Thuận Yên (TP. Hà Tiên).

Phát triển 5 khu công nghiệp, tổng diện tích 840 ha

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kiên Giang, với Khu công nghiệp Thạnh Lộc, tỉnh bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng đến cuối năm 2023 hơn 778 tỷ đồng.

Đến nay, đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/quyết định chủ trương đầu tư 23 dự án, diện tích gần 70 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư 6.694 tỷ đồng, trong đó, 17 dự án đi vào hoạt động, 5 dự án đang thực hiện thủ tục và chấm dứt 1 dự án. Lũy kế vốn đầu tư vào Khu công nghiệp Thạnh Lộc đến cuối năm 2023 hơn 5.517 tỷ đồng.

Tiếp đến, Khu công nghiệp Thuận Yên, tổng giá trị đầu tư hạ tầng đến nay hơn 51,8 tỷ đồng, bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/quyết định chủ trương đầu tư cho 1 dự án, diện tích 22,6 ha, vốn đăng ký đầu tư 292,5 tỷ đồng, dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Khu công nghiệp Thạnh Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang (Ảnh: CTV)

Theo ông Lâm Huỳnh Nhân, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kiên Giang cho biết, các dự án đầu tư vào Khu công nghiệp Thạnh Lộc góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Giai đoạn 2017 - 2023, doanh thu bình quân của doanh nghiệp đạt 5.884 tỷ đồng/năm, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 900 triệu USD, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương. Các doanh nghiệp giải quyết việc làm ổn định cho hơn 12.100 lao động, đời sống người lao động ngày càng nâng lên.

"Các dự án đầu tư vào Khu công nghiệp Thạnh Lộc tạo ra sản phẩm công nghiệp mới cho tỉnh là giày da, gỗ MDF, bia, nước giải khát, kính cường lực, phụ kiện ngành điện, nước và gia tăng thêm một số sản phẩm công nghiệp khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như chế biến thủy sản, vật liệu xây dựng. Các dự án còn thúc đẩy một số lĩnh vực khác phát triển thông qua việc cung cấp dịch vụ, nguồn nguyên vật liệu... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh", ông Lâm Huỳnh Nhân cho biết..

Theo quy hoạch phát triển khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Kiên Giang có 5 khu công nghiệp, với tổng diện tích 840 ha, gồm: Thạnh Lộc 251,98 ha (giai đoạn 1 là 151,98 ha, giai đoạn 2 là 100 ha), Thuận Yên 133,95 ha, Tắc Cậu (Châu Thành) 68 ha, Xẻo Rô (An Biên) 210,54 ha và Kiên Lương II (Kiên Lương) 175 ha.

Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Việc kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư cấp 1 đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp đến nay vẫn chưa kêu gọi được. Đơn giá cho thuê đất trong khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh cao hơn so với các tỉnh lân cận, rất khó kêu gọi đầu tư; chi phí đầu tư xây dựng đối với 1 dự án khá cao, rất khó thu hút được các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Mặt khác, việc đầu tư kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp chưa đồng bộ, chỉ tập trung Khu công nghiệp Thạnh Lộc giai đoạn 1, nhưng vẫn còn một số hạng mục chưa đầu tư xong. Cụ thể là hệ thống xử lý và thu gom nước thải tập trung, công suất 7.000 m³/ngày đêm chưa kêu gọi được đầu tư, khai thác; hệ thống phòng cháy chữa cháy; trồng cây xanh; san lấp mặt bằng phần diện tích hơn 45 ha đất công nghiệp còn lại chưa hoàn thành. Cùng đó, chưa kêu gọi được nhà đầu tư cũng như chưa triển khai đầu tư được khu nhà ở công nhân, nhằm đáp ứng cho nhu cầu về nhà ở cho người lao động trong khu công nghiệp.

Ngoài ra, việc đầu tư kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Thuận Yên vẫn chưa được triển khai đầu tư hoàn chỉnh.

Nhiều chính sách thúc đẩy phát triển hạ tầng các khu công nghiệp

Theo đó, Kiên Giang có vị trí địa lý cách xa trung tâm kinh tế lớn của cả nước, hệ thống giao thông không thuận lợi so với nhiều tỉnh, thành trong khu vực, chưa có cảng biển phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa nên rất khó khăn kêu gọi nhà đầu tư cấp 1 đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp.

Do ảnh hưởng của chi phí san lấp mặt bằng, chi phí xử lý nền đất yếu và giá cho thuê đất nên chi phí để đầu tư dự án tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh cao, dẫn đến thời gian hoàn vốn của dự án dài, hiệu quả đầu tư của dự án không cao, từ đó, khó thu hút được các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến đầu tư dự án vào các khu công nghiệp.

Kiên Giang đặt mục tiêu năm 2025, đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành Khu công nghiệp Thạnh Lộc (giai đoạn 2) 100 ha, Khu công nghiệp Thuận Yên 133,95 ha, kêu gọi đầu tư Khu công nghiệp Xẻo Rô được duyệt 57 ha/210,54 ha. Sau năm 2025, tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp còn lại theo quy hoạch, gồm: Xẻo Rô 210,54 ha, Tắc Cậu 68 h), Kiên Lương II 175 ha.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp về đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xúc tiến kêu gọi đầu tư, hỗ trợ đầu tư hạ tầng, các cơ chế chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư… Tỉnh tạo điều kiện thuận lợi và môi trường đầu tư thông thoáng để kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư phát triển hạ tầng, đầu tư sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp.

Ngoài ra, tỉnh sẽ rà soát phương án phát triển các khu công nghiệp giai đoạn đến năm 2025, trong đó, lựa chọn, quy hoạch và kêu gọi đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp có điều kiện thuận lợi, phù hợp với thực tế và kết nối với hạ tầng kinh tế - xã hội tại địa phương. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu nhà ở công nhân các khu công nghiệp theo hướng phù hợp tình hình thực tế về vị trí, quy mô diện tích, nguồn vốn... nhằm tạo điều kiện thuận lợi kêu gọi thu hút đầu tư.

Hơn nữa, Kiên Giang cũng chủ động mời gọi, hướng dẫn nhà đầu tư từ khâu nghiên cứu, tìm hiểu môi trường đến khi thực hiện thủ tục đầu tư và trong suốt quá trình triển khai thực hiện dự án. Tập trung huy động tốt các nguồn lực đầu tư, trong đó, ưu tiên cân đối và bố trí vốn ngân sách để hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp theo quy hoạch.

Cùng với đó, Kiên Giang sẽ tranh thủ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tìm kiếm, đăng ký các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương cho đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển, để huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách và ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp.

Thêm vào đó, địa phương sẽ hỗ trợ nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp phù hợp với khả năng cân đối từ ngân sách tỉnh, nhằm chủ động và tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng “sạch”, kêu gọi thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội cho địa phương.

Thanh Xuân
Bài viết cùng chủ đề: Tỉnh Kiên Giang

Tin cùng chuyên mục

Lào Cai: Nâng cao năng lực thông tin về ứng phó sự cố, thiên tai

Lào Cai: Quyết liệt đẩy mạnh thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công

Quảng Ninh: Tập trung thúc đẩy đầu tư công, tạo nguồn lực cho phát triển

Thanh Hóa thu ngân sách năm 2024 đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ

Hội thảo quốc tế Kết nối công nghệ Đà Nẵng - Australia

Lào Cai: Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hồ sơ đề nghị xét công nhận nông thôn mới năm 2024

Khai mạc Tuần lễ nông sản và thực phẩm an toàn tỉnh Sơn La tại Hà Nội

Hải Phòng: Khai trương dự án chính quyền số hướng tới minh bạch, hiệu quả và tiện ích

Phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đối với ông Ngô Công Thức

Sản phẩm OCOP Quảng Ninh sẵn sàng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2025

Năm 2025, EVNCPC tiếp tục xây dựng 70 căn nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên

Quảng Ninh: Vươn tầm trung tâm logistics hàng đầu miền Bắc

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu đẩy nhanh tiến độ nhà ở xã hội, thương mại trên địa bàn

Lai Châu: Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác thông tin tuyên truyền, thông tin đối ngoại

Thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) sau sắp xếp đơn vị hành chính sẽ có bao nhiêu phường, xã?

Lào Cai: Tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi

Thừa Thiên Huế: Thuỷ điện Bình Điền giảm lưu lượng vận hành để cứu hộ vụ tai nạn ở cầu Bình Thành

Hải Phòng: Điều chỉnh vốn các dự án trong kế hoạch đầu tư công năm 2024

Sơn La: Hiệu quả cao từ việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719

10 năm Quần thể danh thắng Tràng An là di sản thế giới - Bài 1: Lực đẩy kinh tế Ninh Bình