Thứ ba 26/11/2024 18:12

Kiểm toán góp phần nâng cao hiệu quả triển khai xây dựng nông thôn mới

Thông qua những kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại nhiều địa phương đã được thực hiện đúng và trúng.

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng. Với mục tiêu toàn diện xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn từng bước hiện đại; gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ… góp phần thúc đẩy sự phát triển của khu vực nông thôn để tạo động lực cho phát triển chung của đất nước.

Với tầm quan trọng như vậy, những năm gần đây Kiểm toán nhà nước (KTNN), ngày càng chú trọng kiểm toán việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (Chương trình NTM), thông qua đó phát hiện những vướng mắc, bất cập để kịp thời kiến nghị chấn chỉnh; kiến nghị hoàn thiện chính sách nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình đang được triển khai.

Còn tồn tại một số bất cập

Năm 2015, là năm đầu tiên KTNN thực hiện kiểm toán Chương trình NTM giai đoạn 2010-2014 theo một chuyên đề riêng nhằm đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực đối với việc thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới và phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Cuộc kiểm toán đã tập trung đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành, việc phối hợp của các cơ quan trung ương, địa phương trong tổ chức thực hiện Chương trình, đánh giá tính hợp lý của việc phân bổ nguồn lực của Chương trình NTM cho các nhiệm vụ theo thứ tự ưu tiên, tính tuân thủ pháp luật, tính đúng đắn, trung thực, hợp lý của số liệu tổng hợp quyết toán nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương bố trí trực tiếp cho Chương trình giai đoạn 2010-2014.

Kết quả nổi bật nhất từ nội dung kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phải kể đến là cuộc kiểm toán Chương trình NTM giai đoạn 2021-2025 do KTNN thực hiện năm 2023. Cụ thể, KTNN chuyên ngành IV đã thực hiện kiểm toán tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) và 13 địa phương: Phú Thọ, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Phước, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Vĩnh Long, Cần Thơ. Qua đó, KTNN đã phát hiện, kiến nghị xử lý tài chính, kiến nghị chính sách; đồng thời yêu cầu các địa phương được kiểm toán, Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành có liên quan phải chấn chỉnh nhiều bất cập, thiếu sót nhằm nâng cao hiệu quản quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình.

Chương trình nông thôn mới đã xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn từng bước hiện đại

Theo kết quả kiểm toán, công tác xây dựng phương án phân bổ vốn, giao vốn giai đoạn 5 năm 2021-2025, hàng năm của Chương trình còn một số tồn tại trong việc xác định nguồn dữ liệu về số xã đạt chuẩn NTM, số xã khu vực III làm ảnh hưởng tới số vốn ngân sách Trung ương giao cho một số địa phương, một số địa phương đã được bố trí hỗ trợ vốn cao hơn so với phương án rà soát lại 358,39 tỷ đồng, trong khi một số địa phương được bố trí vốn hỗ trợ thấp hơn 150,46 tỷ đồng.

Báo cáo kết quả kiểm toán cũng cho thấy một số bộ, ngành liên quan chậm công bố chỉ tiêu cụ thể và ban hành hướng dẫn thực hiện đối với các tiêu chí, chỉ tiêu thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021-2025 phần nào làm ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí về xã, huyện NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu của các địa phương và ảnh hưởng đến việc đánh giá kết quả thực hiện xã NTM, xã NTM nâng cao.

Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra, tại 13 địa phương được kiểm toán, kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chưa đạt so với chỉ tiêu, kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 653/QĐ-TTg ngày 28/5/2022, cụ thể: 06/13 địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu số huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 01/01 địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; 05/13 địa phương chưa hoàn thành tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM; 07/13 địa phương chưa hoàn thành tỷ lệ xã NTM nâng cao; 03/06 địa phương chưa hoàn thành tỷ lệ xã NTM kiểu mẫu.

Những bất cập này cũng góp phần làm giảm hiệu quả triển khai Chương trình NTM. Theo thống kê, cập nhật số liệu tính đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 6.370/8.167 (78%) xã đạt chuẩn NTM, trong đó 1.612 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 256 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có 270 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM. Trong tổng số 20 tỉnh, thành phố có 100% xã đạt chuẩn NTM có 05 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Sản phẩm OCOP phát triển nhanh về lượng và nâng cao chất lượng, phát triển thương hiệu; đến nay có 11.056 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng 2.189 sản phẩm) với 5.724 chủ thể tham gia; có gần 20.500 hợp tác xã nông nghiệp và 19.660 trang trại.

Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, so với mục tiêu đề ra theo kế hoạch, nhiều chỉ tiêu trong phát triển NTM còn chậm, như việc phát triển các xã đạt chuẩn NTM nâng cao, xây dựng sản phẩm OCOP…

Kiểm toán nhà nước, ngày càng chú trọng kiểm toán việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới

Huy động các nguồn vốn, lồng ghép nguồn vốn còn hạn chế

Cụ thể, theo kết quả kiểm toán, đối với nguồn NSNN, các địa phương không xác định được chính xác số liệu huy động vốn thực hiện Chương trình năm 2021, 2022 đối với nguồn vốn NSNN giao hỗ trợ có mục tiêu cho các huyện, xã. Một phần nguyên nhân do không dự kiến mức vốn bố trí, cơ cấu nguồn vốn theo từng hoạt động, danh mục dự án đầu tư; không có quy định cụ thể về cơ chế lồng ghép, quy trình, thủ tục thanh toán, quyết toán vốn ghép; chưa xác định giải pháp huy động nguồn vốn thực hiện Chương trình;....

Đối với nguồn vốn tín dụng: Không xác định được chính xác các khoản tín dụng vay để đầu tư thực hiện cho các nội dung thành phần của Chương trình do nguồn vốn tín dụng được Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố tổng hợp trên tất cả các khoản vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại trên địa bàn nông thôn, không nêu cụ thể các chương trình vay, các khoản vay liên quan đến các nội dung của Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.

Việc thực hiện cơ chế huy động vốn, cơ chế lồng ghép các nguồn vốn thực hiện Chương trình tại một số địa phương: Chưa ban hành cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu và các chương trình, dự án khác trên địa bàn theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP; chưa lập danh mục chi tiết các dự án thuộc Chương trình, danh mục các dự án lồng ghép mục tiêu, đối tượng của Chương trình.

Trao đổi với báo chí, lãnh đạo KTNN chuyên ngành IV, đơn vị tổ chức kiểm toán cho biết, cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu và các chương trình, dự án khác là vấn đề khó và là thách thức chung của các địa phương trong triển khai Chương trình. Để có cách làm thống nhất, hiệu quả đòi hỏi các Bộ, ngành chức năng phải có hướng dẫn, cũng như địa phương phải phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 145.728 triệu đồng, trong đó thu hồi nộp ngân sách các khoản chi sai quy định 46,3 triệu đồng; thu hồi kinh phí thừa 36.724 triệu đồng; giảm thanh toán 6.597 triệu đồng; bố trí vốn ngân sách địa phương hoàn trả cho chương trình 102.360 triệu đồng. Kiến nghị xử lý khác 307.259 triệu đồng, trong đó chủ yếu là điều chỉnh không tổng hợp vào quyết toán kinh phí của Chương trình giai đoạn 2021-2025 là 298.932 triệu đồng.

Đồng thời, đối với UBND các tỉnh được kiểm toán, KTNN kiến nghị phải chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thiện, trình HĐND tỉnh, thành phố ban hành cơ chế lồng ghép các nguồn vốn thực thực hiện Chương trình theo quy định hiện hành giai đoạn 2021-2025; kiểm tra, rà soát, đối chiếu, tổng hợp số liệu các nguồn vốn đã đầu tư cho Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 (năm 2021, 2022) của địa phương; tăng cường kiểm tra, rà soát các dự án trong Chương trình đảm bảo bố trí vốn thực hiện đầu tư đúng nội dung, đối tượng và bố trí nguồn vốn phù hợp với quy định Chương trình giai đoạn 2021-2025.

Thùy Linh
Bài viết cùng chủ đề: nông thôn mới

Tin cùng chuyên mục

Thanh Hóa tuyên truyền, vận động người dân giao nộp hàng nghìn loại vũ khí, vật liệu nổ

Trao tặng mũ bảo hiểm và hướng dẫn an toàn giao thông cho học sinh lớp 1 khu vực phía Nam

Bài 2: Khi phụ nữ được trao quyền "dẫn dắt" doanh nghiệp

Nhân sự 25/11: Đồng ý cho các ông Bùi Văn Cường, Nguyễn Văn Thể thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng

Dự báo thời tiết biển hôm nay 26/11/2024: Nam Biển Đông có mưa rào và dông

Dự báo thời tiết hôm nay 26/11/2024: Bắc Bộ trời chuyển rét, Trung Bộ mưa lớn

Đã tìm ra quán quân đại sứ truyền thông Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh - HUIT'S Iconic 2024

Cách đăng nhập Cổng Dịch vụ công Bảo hiểm Xã hội Việt Nam bằng tài khoản VneID

Hà Nội và Cần Thơ chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai thực hiện Đề án 06/CP

Quảng Bình: Xe tải chở 30 con bò lao xuống vực, tài xế tử vong

Nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu qua hội thi tàu tốt, huấn luyện tàu hải đội dân quân thường trực

Từ 1/1/2025: Bảo hiểm y tế thanh toán dịch vụ ngày giường bệnh như thế nào?

Lừa đảo trực tuyến diễn ra ở tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội

Quảng Nam: Sạt lở đất làm nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt

Dự án Làng Đại học Đà Nẵng chính thức khởi công

Lễ phát động cuộc thi ‘Chống hàng giả và lừa đảo trực tuyến’

Hà Nội: Cháy quán bar Titan tại quận Hoàn Kiếm, nhiều người chạy lên sân thượng lánh nạn

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá: Cân nhắc tác động từ nhiều yếu tố

Bài 1: Vị thế người phụ nữ trong xã hội ngày càng được khẳng định

Nhân sự Trung ương: Bộ Chính trị, Bộ Công Thương bổ nhiệm cán bộ chủ chốt; Quốc hội phê chuẩn nhân sự