Quảng cáo sôi động trên các sàn điện tử
Phải khẳng định, làn sóng thứ tư của đại dịch Covid-19 khiến tốc độ lây lan nhanh, đặc biệt biến thể Delta gây nguy hiểm cho người bệnh. Hiện, TP. Hồ Chí Minh là địa phương có ca nhiễm nhiều nhất trong cả nước, và dự báo còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Điều này tạo nên áp lực không nhỏ cho công tác thu dung, điều trị các bệnh nhân Covid-19.
Các loại máy có chức năng tạo oxy được giao bán trên nhiều sàn thương mại điện tử |
Để giảm thiểu cho các cơ sở điều trị, mới đây, Bộ Y tế đã triển khai thí điểm cách ly F0 tại nhà sau thời gian 10 ngày nằm viện. Việc triển khai này được dựa trên kết quả theo dõi 70-80% trường hợp F0 không có triệu chứng thời gian qua.
Theo đó, trường hợp F0 sau 10 ngày được thu dung điều trị tại các cơ sở y tế được xét nghiệm 2 lần bằng phương pháp Realtime RT-PCR, nếu kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được chuyển về cách ly tại nhà theo quy định.
Trên thực tế, Tổ chức Y tế thế giới cũng đã đưa ra khuyến cáo giảm thời gian điều trị tại các cơ sở y tế đối với các F0. Tuy nhiên, trước hướng dẫn mới này của Bộ Y tế, không ít người đã tìm mua các loại máy có chức năng tạo oxy, bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng.
Phóng viên vào Google và gõ từ khóa "bình thở ô xy mini", chỉ trong vòng 0,30 giây đã cho ra 409.000 kết quả, hay từ khóa “bình thở ô xy y tế” cho ra 2.900.000 kết quả. Giá mặt hàng này cũng dao động từ 1.600.000 đồng đến vài chục triệu đồng, và được giới thiệu trên nhiều sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada...
Chị Thủy, ở Cầu Diễn, Hà Nội cho biết: Thông tin Bộ y tế cho F0 cách ly tại nhà mới thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh, nhưng 2 hôm nay khi Hà Nội có thêm nhiều ca nhiễm khiến chị cũng hoang mang, bởi bố mẹ đều cao tuổi lại có bệnh nền, nên để yên tâm hơn chị đã phải lên phố Phương Mai (quận Đống Đa, Hà Nội) mua phòng để trong nhà, khi cần thì lấy ra sử dụng.
Không thiếu máy thở cho người bệnh
Trước sự việc này, Bộ Y tế đã lên tiếng cam kết không thiếu máy thở cho người bệnh, người dân hoàn toàn yên tâm, không nên mua, tích trữ máy thở vì vừa gây lãng phí, vừa tạo khan hiếm nguồn cung khiến các cơ sở y tế, bệnh viện có thể không thể mua được máy cho bệnh nhân cần trong trường hợp dịch bệnh có những diễn biến khó lường.
Chuyên gia y tế cảnh báo, việc người dân tự ý mua các thiết bị tạo oxy để sử dụng tại nhà là không cần thiết. Khi mắc Covid-19, người bệnh cần được điều trị chuyên biệt, không thể đơn thuần điều trị tại nhà với oxy.
Ths.BS Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Bộ Y tế - giải thích: Trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 có xuất hiện tình trạng suy hô hấp, khó thở thì việc sử dụng thiết bị, hệ thống hỗ trợ hô hấp là cần thiết, tuy nhiên không phải tất cả các trường hợp bệnh nhân đều cần đến thở máy.
Theo dữ liệu được ghi nhận trong đợt dịch lần thứ 4 có khoảng 80% bệnh nhân không triệu chứng hoặc có biểu hiện lâm sàng nhẹ, chỉ khoảng 5% số ca cần thở oxy gọng kính, 0,17% thở máy không xâm nhập, 1,3% số ca thở máy xâm nhập. Việc thiết lập, vận hành và đưa vào sử dụng hệ thống máy thở cần được thực hiện tại cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị phụ trợ, có thầy thuốc được đào tạo chuyên môn để vận hành. Quá trình bệnh nhân sử dụng máy thở cũng phải được kiểm tra, theo dõi, tiến hành các xét nghiệm cần thiết để có những chỉ định, xử lý kịp thời. Vì vậy, chuyên gia y tế khuyến cao, người dân không nên mua, tích trữ các bình khí oxy tại nhà, vì không những không thể sử dụng được mà còn tiềm ẩn nguy cháy nổ rất lớn.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia về công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa diễn ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng giao Bộ Y tế căn cứ kịch bản phòng, chống dịch Covid-19, phối hợp với các cơ quan và địa phương rà soát, đánh giá nhu cầu về trang thiết bị, vật phẩm y tế, đề xuất phương án đấu thầu tập trung.
Bộ Y tế đã tiến hành khảo sát, đánh giá năng lực sản xuất oxy trong nước cho thấy, khả năng cung ứng oxy từ các đơn vị sản xuất trong nước cao gấp 30 lần so với nhu cầu hiện nay tại các bệnh viện, do đó nguồn cung cấp khí oxy cho cả nước là không thiếu. |