Xuất hiện trong clip về Câu chuyện du lịch Việt Nam 2019, Tẩn Thị Su (sinh năm 1986) từng được tạp chí Forbes tôn vinh 30 gương mặt trẻ Việt Nam dưới 30 tuổi, Giám đốc Sa Pa OChau rạng rỡ, tự tin giới thiệu về hành trình xây dựng mô hình du lịch đặc sắc của mình.
Tẩn Thị Su giới thiệu những giá trị văn hóa bản địa với du khách |
Sống tại Lao Chải (Sapa, Lào Cai), kinh tế gia đình Su chỉ dựa vào trồng lúa, trồng ngô… Vì quá khó khăn, lúc học lớp 3 Su phải bỏ học cùng chị xuống thị trấn Sa Pa bán hàng thổ cẩm. Thị trấn Sa Pa thời điểm đó, như lời Su kể là chưa bị thương mại hóa, khách du lịch còn thưa thớt. Tuy nhiên, do không biết tiếng Anh nên Su khá vất vả khi bán hàng. "Chứng kiến những đứa trẻ hiền lành người Mông, người Dao vì mưu sinh mà phải giành khách. Tôi nghĩ rằng mình phải khác, nếu giỏi tiếng Anh sẽ bán hàng tốt hơn, nếu dành dụm được tiền, tôi sẽ đi học lại để thoát nghèo giúp đỡ gia đình và nuôi em" - Su nói.
Chịu khó, Su mày mò, làm quen với nhiều du khách để học tiếng Anh giao tiếp cơ bản, sửa lỗi phát âm sai với quyết tâm phải học tiếng Anh giỏi hơn mỗi ngày. Đến năm 2004, internet mới xuất hiện ở thị trấn Sa Pa. Ngoài những giờ bán hàng rong, Su vào học tiếng Anh trên mạng, rồi xin làm việc trong các khách sạn với mục đích có cơ hội tiếp xúc với khách du lịch nước ngoài để thực hành nói tiếng Anh. Lúc có một vốn tiếng Anh đủ để giao tiếp Su bắt đầu làm hướng dẫn viên du lịch và học bổ túc văn hóa; tranh thủ tư vấn, đưa các đoàn khách nước ngoài tới những thôn, bản của người Mông, người Dao, các điểm sinh hoạt cộng đồng.
Được tiếp xúc với các hoạt động du lịch, Su bắt đầu nuôi ý tưởng sẽ thành lập một dự án du lịch ở Sa Pa, đó là thành lập mạng lưới giúp khách du lịch liên kết với hướng dẫn viên bản địa để đưa khách về bản và giúp đỡ nhiều trẻ em vùng cao được đến trường… Năm 2007, với sự giúp đỡ của những người bạn Australia, Su xây dựng dự án Sapa OChau (OChau tiếng Mông nghĩa là "cảm ơn") tại xã Lao Chải, là cơ sở du lịch đầu tiên của người Mông ở xã Lao Chải kinh doanh về các dịch vụ theo mô hình du lịch cộng đồng. Năm 2011, Su được Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) và KOTO Quốc tế hỗ trợ đào tạo về năng lực lãnh đạo và quản lý kinh doanh… Sapa O Châu nhờ thế trở nên chuyên nghiệp và có những bước tiến đột phá, mở rộng từ du lịch thiện nguyện sang nhiều dịch vụ lữ hành, ăn uống, bán hàng thổ cẩm và doanh thu đã đạt cả tỷ đồng.
Hiện Sapa OChau đang là doanh nghiệp chuyên tổ chức các tour du lịch đến thăm các bản làng của người dân tộc ở Sa Pa, cung cấp hướng dẫn viên bản địa thông thạo khu vực và có thể nói tiếng Anh. Không chỉ vậy, Sapa OChau còn liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhiều người dân không biết chữ, thiếu kinh nghiệm làm du lịch; tuyển nhiều đứa trẻ bán hàng rong thành cộng tác viên, hướng dẫn viên nhí, đồng thời còn tổ chức các khóa học, tạo chỗ ăn ở, việc làm cho hàng trăm đứa trẻ dân tộc thiểu số...
Nghị lực, đầy khát vọng làm giàu cho quê hương, Tẩn Thị Su chính là gương mặt điển hình của thế hệ trẻ người Mông ở Sa Pa hôm nay. Sa Pa đang không ngừng phát triển, đời sống người dân cũng được hưởng lợi hơn, tuy nhiên, sự phát triển quá nóng cũng đang tạo ra nhiều hệ lụy. Vì vậy, với Tẩn Thị Su, cô luôn mong Sa Pa phát triển nhưng vẫn gìn giữ được những điều tốt đẹp, những nét khác biệt riêng có, để du khách yêu mến nơi này không chỉ bởi phong cảnh đẹp hoang sơ mà còn bởi sự chân tình của người dân bản địa.
Tẩn Thị Su luôn hy vọng mô hình du lịch cộng đồng của mình có thể chia sẻ rộng rãi để nhiều người biết đến và cùng thực hiện, truyền cảm hứng thay đổi cuộc đời cho những đứa trẻ nghèo ở Sa Pa. |