Du lịch Lâm Đồng tiếp tục vững đà tăng trưởng Lâm Đồng: Kích cầu du lịch thông qua Tuần lễ vàng Du lịch năm 2024 Du lịch Lâm Đồng tăng tốc, đón hơn 5 triệu lượt khách trong nửa đầu năm 2024 |
Ngày 29/10, tại TP. Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 25/7/2022 (Nghị quyết 18) của Tỉnh ủy Lâm Đồng về việc phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Tại hội nghị, đại diện ngành du lịch Lâm Đồng đã thông tin kết quả đạt được trong quá trình thực hiện Nghị quyết trong 2 năm qua. Các đại biểu sở ngành, địa phương trong tỉnh tham dự cũng trình bày một số tham luận về kết quả thực hiện các nội dung, nhiệm vụ và đề xuất các giải pháp triển khai thực hiện Nghị quyết trong thời gian tới.
Ngành du lịch đạt nhiều kết quả nổi bật
Ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đánh giá việc triển khai Nghị quyết 18 đã bám sát tình hình thực tế đặt ra trong bối cảnh hiện nay. Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết, tỉnh Lâm Đồng đã đạt được nhiều kết quả vượt bậc. Bên cạnh đó, vẫn còn một số khó khăn, tồn tại chưa được giải quyết. Chính vì thế, thông qua Hội nghị, ngoài việc tổng kết những kết quả đã đạt được cũng cần nhìn nhận, xem xét lại những tồn tại, hạn chế để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
Mô hình du lịch canh nông đang thu hút khách du lịch tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: CTV |
Theo đó, tại Nghị quyết 18 đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp với 25 nội dung trọng tâm để phát triển du lịch Lâm Đồng dựa trên nội lực, sức mạnh tổng hợp các ngành kinh tế và sự tham gia tích cực của người dân; đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, đầu tư, xây dựng, xúc tiến và kinh doanh du lịch với đa dạng loại hình, sản phẩm; chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng cao, mang tính đặc thù và lợi thế của tỉnh. Ưu tiên quy hoạch và thu hút đầu tư phát triển các dự án du lịch có quy mô lớn; thu hút các nhà đầu tư chiến lược có năng lực, kinh nghiệm và thương hiệu trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế.
Tỉnh Lâm Đồng sẽ tập trung thực hiện định hướng quy hoạch phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao. Ảnh: CTV |
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - là khu vực năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và là thị trường có nhiều tiềm năng, Lâm Đồng được chia thành 3 vùng với 5 thế mạnh: Phát triển cây nông nghiệp - chăn nuôi gia súc, công nghiệp dài ngày, lâm nghiệp, khoáng sản, du lịch và dịch vụ. Ngoài ra, tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch chất lượng cao với các sản phẩm du lịch đặc thù, đa dạng và đã trở thành điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước.
Khách du lịch đến tham quan tại khu du lịch Thác Prenn Đà Lạt. Ảnh: CTV |
Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương, sự nỗ lực đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch và toàn xã hội, du lịch Lâm Đồng đã có bước phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, theo hướng chất lượng cao và bền vững, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Chính vì vậy, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã đưa ra những định hướng cụ thể về phát triển du lịch chất lượng cao và bền vững thông qua Nghị quyết 18 về phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Qua 02 năm thực hiện Nghị quyết 18, việc nâng cao nhận thức về du lịch đã chuyển hóa thành hành động cụ thể, huy động ngày càng nhiều nguồn lực tham gia khai thác tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch của tỉnh theo hướng chất lượng cao và bền vững. Các chỉ tiêu về du lịch phát triển ổn định. Giai đoạn 2022 - 2024, lượt khách du lịch đến Đà Lạt - Lâm Đồng tăng đều mỗi năm với mức tăng trưởng bình quân là 65,9%; lượng khách du lịch đăng ký lưu trú (tổng lượng khách do các cơ sở lưu trú phục vụ) tăng trưởng bình quân là 58,4%.
Triển khai nhiệm vụ định hướng, quy hoạch phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao và bền vững tại Nghị quyết 18, đến nay, đã đạt được những kết quả nổi bật như: Phát triển du lịch thông minh, đã cập nhật được 1.636 cơ sở lưu trú, 866 cơ sở ăn uống, 155 địa điểm du lịch, 105 địa điểm mua sắm, 598 điểm giải trí và 644 địa điểm tiện ích công cộng…
Tỉnh đã triển khai mô hình thí điểm phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn TP. Đà Lạt và mô hình này đang phát huy tiềm năng, thế mạnh, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ phục vụ khách du lịch và người dân như: Khu vực ẩm thực đêm tại vườn hoa TP. Đà Lạt; khai trương và đưa vào vận hành, khai thác Đoàn tàu du lịch “Hành trình đêm Đà Lạt” nối từ Ga Đà Lạt đến ga Trại Mát; khôi phục lại Phố đi bộ trung tâm Hòa Bình; khai trương, đưa vào hoạt động Phố đi bộ Trần Quốc Toản (tháng 6/2024); Cung đường nghệ thuật Lý Tự Trọng (tháng 11/2023)…
Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Ngoài ra, tỉnh đã hình thành các tuyến du lịch nội vùng và liên kết vùng để đưa vào phục vụ nhu cầu tham quan trải nghiệm của du khách. Đa số các tuyến du lịch nội vùng đều tập trung vào khai thác các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh Lâm Đồng là du lịch tham quan nghỉ dưỡng kết hợp với các hoạt động diễn giải, giáo dục môi trường, du lịch tìm hiểu văn hoá, di sản; du lịch thể thao mạo hiểm; du lịch canh nông… Riêng đối với các tuyến du lịch liên kết vùng thì gắn liền với các sản phẩm du lịch “Rừng và Biển”, “Hoa và Di sản”…
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: CTV |
Đồng thời, để mở rộng liên kết phát triển tuyến du lịch quốc tế, địa phương đã duy trì và củng cố mối quan hệ hợp tác hữu nghị với các đối tác đã thiết lập quan hệ cấp địa phương, mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác nước ngoài: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ, Malaysia… Tổ chức đón các đoàn khảo sát trong nước và quốc tế đến khảo sát, tìm hiểu thông tin, mô hình sản phẩm du lịch, dịch vụ tại Lâm Đồng.
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng trao Bằng khen cho tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong việc triển khai Nghị quyết 18 của Tỉnh uỷ Lâm Đồng. Ảnh: CTV |
Với nỗ lực phát triển du lịch theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững, TP. Đà Lạt đã được giải thưởng như “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN lần thứ 4”, “Thành phố du lịch sạch ASEAN”.
Theo bà Ngọc, để đạt các chỉ tiêu đến năm 2030 theo Nghị quyết 18, thời gian tới tỉnh Lâm Đồng sẽ tập trung thực hiện định hướng quy hoạch phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao và bền vững với các nhiệm vụ và giải pháp: Thứ nhất, tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch phù hợp với quy hoạch phát triển của cả nước và tỉnh Lâm Đồng.
Thứ hai, tiếp tục xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch của tỉnh; xây dựng Đà Lạt - Lâm Đồng là địa phương có môi trường tự nhiên xanh, đẹp, môi trường xã hội an toàn, thân thiện, hấp dẫn…
Thứ ba, đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch với các tỉnh vùng duyên hải Trung bộ, Đông Nam bộ trên cơ sở đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ, đường hàng không để tăng cường tính liên kết trong nội vùng, trong nước và quốc tế; tăng cường tần suất các chuyến bay nội địa đến các địa bàn du lịch trọng điểm và xúc tiến mở mới các đường bay quốc tế phục vụ khách du lịch.
Thứ tư, nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong công tác phối hợp triển khai thực hiện các chính sách về phát triển du lịch dịch vụ. Tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du lịch bảo đảm đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.