Khẳng định giá trị thương hiệu ‘Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành’
Chiều 12/10, thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cho biết, thời gian qua, các ngành, địa phương và đơn vị đã tích cực triển khai các hoạt động phát triển và quảng bá thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” theo nội dung, nhiệm vụ được giao.
Nhãn hiệu chứng nhận "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng năm 2017, áp dụng cho 4 sản phẩm đặc thù địa phương, gồm rau, hoa, cà phê Arabica và du lịch canh nông. Lũy kế đến nay đã cấp nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” cho 768 nhãn hiệu. Trong đó có 648 tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh hoa; 95 tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh rau, 10 cơ sở du lịch canh nông và 15 cơ sở kinh doanh cà phê.
Các sản phẩm OCOP của Công ty Cà phê nguyên chất Thái Châu Đà Lạt |
Theo đó, Sở Công Thương đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiến hành nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương xúc tiến với các đối tác nước ngoài; kết nối với các trang thương mại điện tử cho các sản phẩm gắn nhãn hiệu chứng nhận với nhiều hình thức thực hiện.
Sản phẩm OCOP rượu đông trùng hạ thảo |
UBND TP. Đà Lạt - cơ quan được UBND tỉnh giao quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đã chủ động trong việc xây dựng, tạo lập, quản lý và phát triển thương hiệu nông sản theo sự chỉ đạo chung của tỉnh Lâm Đồng đóng vai trò quan trọng để nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm.
Cuối năm 2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 2634/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành"; đồng thời, hoàn thiện hồ sơ gửi Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp quyền sở hữu trí tuệ đối với thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành". Nhãn hiệu chứng nhận "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" cũng đã được đăng ký tại Nhật Bản, Hàn Quốc.
Theo đó, giá trị thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" ngày càng được khẳng định trên thị trường, nhiều sản phẩm mới trong phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm, nghiên cứu, học tập; thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản được mở rộng, phân phối tại các hệ thống kinh doanh hiện đại.
Một sản phẩm OCOP khác là Cà phê Đông trùng hạ thảo |
Trà Atisô do Công ty Cà phê nguyên chất Thái Châu Đà Lạt sản xuất |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, đến tháng 9/2024, qua kết quả rà soát và báo cáo của các huyện, thành phố có 416/223 chủ thể đã được chứng nhận sản phẩm OCOP (2 sản phẩm đã trình Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn xem xét đánh giá phân hạng 5 sao; 87 sản phẩm 4 sao, 327 sản phẩm 3 sao).
Với phương châm mở rộng thêm các nhóm sản phẩm mới gồm: quả hồng, hồng (sấy khô, treo gió), dâu tây, các sản phẩm từ dâu tây (mứt dâu, nước cốt dâu) nấm Đông trùng hạ thảo, nấm linh chi, Atiso và trà từ Atiso, chè (trà) ô long,... được sản xuất, kinh doanh tại TP. Đà Lạt và vùng phụ cận, Ban Quản lý thương hiệu đề xuất với UBND tỉnh mở rộng phạm vi và chủng loại sản phẩm của thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành", xây dựng các tiêu chí lựa chọn sản phẩm được thực hiện cho từng nhóm sản phẩm cụ thể, trong đó chú trọng về chất lượng; bao, bì, nhãn mác và đặc biệt là tiêu chí về an toàn thực phẩm.
Hằng năm, đơn vị đã tập trung nguồn lực thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; phát triển sản xuất có hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái phải dựa trên các căn cứ hợp lý, cân đối giữa mục tiêu đề ra, nâng cao tính khả thi, đáp ứng nhu cầu của thị trường, tận dụng các lợi thế và điều kiện tự nhiên; tiếp thu, vận dụng tốt các chủ trương, chính sách, các chương trình phát triển kinh tế xã hội của Trung ương, của tỉnh và thành phố. Trong quá trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, địa phương xác định coi trọng lĩnh vực nông nghiệp, là nền tảng để phát triển bền vững về kinh tế, ổn định về chính trị, xã hội.
Cùng với đó là ưu tiên phát triển nhanh một số sản phẩm có giá trị kinh tế cao để tạo bước chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Đẩy mạnh hình thức hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hợp tác xã nông nghiệp...
Hằng năm, Ban Quản lý thương hiệu phối hợp với TP. Đà Lạt và các ngành tiến hành tổ chức khảo sát, đánh giá và cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” cho các tổ chức, cá nhân tại địa phương; tham mưu thực hiện hiệu quả công tác quản lý, phát triển, quảng bá thương hiệu của địa phương gắn với công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Qua đó, từng bước nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các hộ gia đình và các hợp tác xã đang sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.