Khai thác tài sản trí tuệ từ các viện, trường: Tạo cơ hội thương mại hóa kết quả nghiên cứu
Công cụ hữu hiệu nâng cao năng lực cạnh tranh
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia - Techfest Việt Nam 2021, do Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) và Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh tổ chức.
Các diễn giả tại hội thảo đã cùng nhau bàn thảo từ góc độ chính sách đến thực trạng, kinh nghiệm thành công và cả thất bại trong hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khai thác tài sản trí tuệ trong trường đại học, viện nghiên cứu; thảo luận về giải pháp nhằm thúc đẩy việc hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp từ hoạt động thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ trong trường đại học, viện nghiên cứu.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ nhận định, dịch bệnh Covid-19 đã, đang và sẽ diễn biến khó lường, ảnh hưởng rất nhiều tới con đường khởi nghiệp sáng tạo của các doanh nghiệp. Hơn bao giờ hết, bây giờ là thời điểm để các doanh nghiệp khởi nghiệp nghiên cứu, phát triển các tài sản trí tuệ, đưa ra thị trường để đáp ứng kịp thời với yêu cầu trong tình hình mới.
"Các tài sản trí tuệ đã trở thành công cụ hữu hiệu giúp các doanh nghiệp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và xa hơn nữa là tạo động lực phát triển nền kinh tế của mỗi quốc gia" - ông Đinh Hữu Phí nhấn mạnh.
Theo ông Đinh Hữu Phí, một trong những giải pháp cần thiết hiện nay đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp là kết nối, khai thác các tài sản trí tuệ từ các trường đại học, viện nghiên cứu. Một điều rõ ràng là ở bất kỳ quốc gia nào, trường đại học, viện nghiên cứu luôn là nơi đầu nguồn sáng tạo ra tri thức và công nghệ mới. Thực tế chứng minh nhiều trường đại học, viện nghiên cứu trên thế giới hoạt động chủ yếu dựa trên nguồn thu từ việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của mình.
Theo số liệu thống kê hằng năm của Cục Sở hữu trí tuệ, mặc dù tỉ lệ đơn đăng ký sáng chế của người Việt Nam vẫn chiếm tỉ lệ thấp so với tổng số đơn đăng ký sáng chế nộp tại Việt Nam nhưng số lượng đơn đăng ký sáng chế của các trường đại học, viện nghiên cứu có xu hướng tăng trong những năm gần đây.
"Đây là một dấu hiệu đáng mừng, phần nào thể hiện sự cải thiện về giá trị của các kết quả nghiên cứu từ các trường đại học, viện nghiên cứu. Có căn cứ xác lập quyền sở hữu trí tuệ thì các kết quả nghiên cứu này mới có thể được thương mại hóa một cách hiệu quả, từ đó tái đầu tư cho nghiên cứu khoa học" - ông Đinh Hữu Phí nói.
Khuyến khích liên kết, hợp tác phát triển tài sản trí tuệ
Trong Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 và Chương trình phát triển tài sản đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đều đề cập đến việc kết nối giữa doanh nghiệp và các trường đại học, viện nghiên cứu. Theo đó, các nhiệm vụ được đặt ra là thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đặt hàng, liên kết, hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu để khai thác, phát triển tài sản trí tuệ.
Việc hợp tác, khai thác tài sản trí tuệ từ các trường đại học, viện nghiên cứu một mặt sẽ rút ngắn quá trình ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh. Từ đó, giúp các doanh nghiệp giảm bớt thời gian, chi phí đầu tư nghiên cứu để tập trung phát triển sản phẩm, thị trường. "Mặt khác, việc hợp tác này tạo cơ hội cho các trường đại học, viện nghiên cứu thương mại hóa, lan tỏa kết quả nghiên cứu phục vụ đời sống kinh tế, xã hội, qua đó, tạo động lực thúc đẩy hoạt động nghiên cứu tại các cơ sở này”, ông Đinh Hữu Phí cho biết.
Ông Bùi Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức cho rằng, các trường đại học, viện nghiên cứu là nơi khởi nguồn sản sinh ra tài sản trí tuệ; đồng thời đóng vai trò là những trụ cột trong hệ thống đổi mới sáng tạo của quốc gia. Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khai thác tài sản trí tuệ, trong thời gian tới, các trường đại học, viện nghiên cứu cần tăng cường kinh phí đầu tư cho khoa học và công nghệ, đặc biệt cho nghiên cứu cơ bản; tăng cường các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có tính liên vùng, liên ngành để tạo thành các sản phẩm có thể thương mại hóa, tạo ra các tài sản trí tuệ có giá trị cao.
Chia sẻ thông tin 80% nguồn nhân lực khoa học và công nghệ đang tập trung tại trường đại học, viện nghiên cứu, PGS.TS. Đàm Sao Mai, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh nêu, các trường đại học cần xây dựng và thực thi có hiệu quả các chiến lược, chính sách phát triển tài sản trí tuệ; đưa kết quả nghiên cứu khoa học trở thành sản phẩm, dịch vụ thương mại có giá trị, ý nghĩa trên thị trường; kết nối với doanh nghiệp, chuyên gia, nhà quản lý,… trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo để đem lại giá trị khoa học và giá trị kinh tế cao nhất của các sản phẩm nghiên cứu khoa học.
Ths Đỗ Đức Thắng, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ GFS cho hay, để tạo điều kiện cho nghiên cứu, sáng tạo, cần phát triển nhiều hơn nữa các vườn ươm công nghệ; hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân startup về công nghệ tiếp cận nguồn vốn, nhà đầu tư và thị trường; tạo các chính sách ưu đãi đặc biệt về thuê đất, thuê cơ sở sản xuất và tiếp cận vốn.
Theo Ths Đỗ Đức Thắng, các tập đoàn kinh tế lớn, nơi có nguồn lực dồi dào chính là nơi thích hợp nhất để ươm tạo các sáng chế và nhanh chóng ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, các doanh nghiệp nhỏ, các nhà khoa học, viện, trường cần giao kết và thuyết phục các tập đoàn này để hợp tác.