Kết nối thực phẩm an toàn với các bếp ăn tập thể
Vẫn còn nhiều khó khăn
Hiện, Việt Nam có khoảng 397 khu công nghiệp. Bên cạnh đó, tổng số học sinh phổ thông là 17,9 triệu em. Thực tế cho thấy, nguồn cung cấp dinh dưỡng hàng ngày vô cùng quan trọng. Nguồn cung cấp đó đến từ đầu vào của các địa phương, các doanh nghiệp cung ứng.
Ảnh minh họa |
Bà Đinh Thị Phương Khanh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An - cho hay, tỉnh Long An đã đẩy mạnh sản xuất nông sản an toàn từ năm 2014 và có chương trình hỗ trợ cho đơn vị sản xuất. Nguồn hàng này không chỉ phục cho tỉnh, mà còn là thị trường TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Đến nay, tỉnh đã xây dựng được trên 20 chuỗi sản xuất an toàn, gồm cả rau, củ , quả và thịt, cá. Tuy nhiên, hiện chỉ có khoảng 40% sản phẩm sản xuất an toàn tiệu thụ đúng kênh, còn lại là tiêu thụ đại trà. Tỉnh Long An rất mong muốn đưa nguồn thực phẩm an toàn vào các bếp ăn tập thể, các trường học.
Khi xây dựng được các chuỗi sản xuất an toàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An luôn có công văn gửi ngành giáo dục để giới thiệu với các trường để đưa vào bếp ăn cho học sinh. Tuy nhiên, theo bà Phương Khanh, hiện nay phần lớn suất ăn ở các trường học, doanh nghiệp là dưới 30 ngàn đồng, phổ biến chỉ từ 25-27 ngàn đồng/suất. Vì vậy, cũng rất khó đòi hỏi nguồn thực phẩm vừa rẻ vừa an toàn được.
Là một đơn vị chủ lực cung cấp thực phẩm trên địa bàn Hà Nội từ năm 2016, Công ty Cổ phần Y dược - thực phẩm Nam Hà Nội chủ yếu cung cấp thịt heo vào hệ thống siêu thị và các bếp ăn trường học. Ông Võ Việt Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, hiện nay, nhu cầu về thực phẩm sạch của người tiêu dùng rất lớn nhưng đối các doanh nghiệp sản xuất bài bản, chuyên nghiệp lại đang gặp rất nhiều khó khăn.
“Do nhiều yếu tố tác động, các nhà sản xuất thực phẩm đầu tư một cách bài bản, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe rất khó cạnh tranh với các hộ gia đình nhỏ lẻ hiện đang sản xuất theo hướng ‘phi tiêu chuẩn", ông Võ Việt Dũng nêu vấn đề.
Mặt khác, do yếu tố giá rẻ luôn hấp dẫn người tiêu dùng. Trong khi nhiều sản phẩm có giá rẻ là do không đáp ứng được các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Qua đó làm lẫn lộn thực phẩm truy xuất nguồn gốc, thực phẩm sạch với thực phẩm được sản xuất phi tiêu chuẩn, không tuân theo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Do đó, rất cần sự vào cuộc các cơ quan quản lý nhà nước có thể hỗ trợ để tạo ra một môi trường kinh doanh văn minh, xây dựng các chuỗi sản phẩm đảm bảo quy định an toàn vệ sinh thực phẩm trước khi đưa ra thị trường. Đồng thời các cơ quan cũng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát, tăng chế tài xử phạt đủ sức răn đe với các cá nhân, tổ chức sản xuất thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, qua đó lấy lại công bằng cho những doanh nghiệp sản xuất bài bản, theo tiêu chuẩn.
Chia sẻ về những khó khăn trong việc tiếp cận bếp ăn trường học, ông Bùi Hoàng Hà - Giám đốc kênh Horeca - kênh chuyên cung ứng thực phẩm cho rằng, quy định không được lưu thực phẩm tại bếp nhà trường đang gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm thịt. Đơn cử như thời gian lưu kho lạnh của thịt gà là 4 ngày, thịt heo tối đa là 7 ngày, nếu doanh nghiệp có thể vận chuyển lượng thực phẩm nhiều ngày trong một chuyến hàng sẽ tiết giảm được rất nhiều chi phí vận chuyển, logistics,... Ngoài ra, việc này cũng gây ra lãng phí khi nhà trường phải bỏ thực phẩm khi vẫn còn hạn.
Ông Hà cũng kiến nghị với các cơ quan quản lý Nhà nước yêu cầu các thực phẩm phục vụ trường học cần bắt buộc có nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, thông tin cụ thể về quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, để các sản phẩm an toàn thực phẩm có nhiều cơ hội tiếp cận với các bếp ăn trường học hơn.
Cần quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi
Ông Nguyễn Văn Thuận - Trưởng phòng Quản lý chất lượng 2, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho rằng, yếu tố quan trọng nhất để tạo ra chuỗi thực phẩm an toàn là mối liên kết sản xuất với nhau thông qua các cam kết, hợp đồng về trách nhiệm để cùng nhau tạo ra các sản phẩm an toàn từ trang trại tới bàn ăn.
Quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi sẽ tạo ra lợi ích cho tất cả các bên từ người tiêu dùng, người sản xuất kinh doanh tới cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó, người tiêu dùng sẽ tiếp cận được các sản phẩm an toàn, phân biết được sản phẩm đã được kiểm soát an toàn; người sản xuất kinh doanh sẽ tăng sản lượng và giá trị sản xuất kinh doanh nhờ niềm tin và sự trung thành của người tiêu dùng với sản phẩm an toàn thực phẩm; cơ quan Nhà nước sẽ kiểm soát được an toàn thực phẩm trong toàn bộ quá trình sản xuất; truy xuất được nguồn gốc và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.
Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, việc tiếp cận, cung ứng lương thực thực phẩm hàng ngày cho thị trường bếp ăn tập thể còn nhiều dư địa này là nhiệm vụ rất khó khăn. Bởi lẽ, mọi sản phẩm thực phẩm khi đưa vào trường học hay các khu công nghiệp cần đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc. Đó là điều kiện tiên quyết để phục vụ nhu cầu cho thị trường nội địa. Tuy nhiên công tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm hiện nay chưa được thực thi một cách đầy đủ, toàn diện. Do vậy cần nêu cao trách nhiệm giám sát của hội phụ huynh trong môi trường trường học, của ban quản lý trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Mặt khác, hiện nay Việt Nam đang có đa dạng các đơn vị cung ứng. Để có thể hoàn thiện chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, các đơn vị đó cần tự nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm giá thành sản xuất. Bên cạnh đó, cần minh bạch và trách nhiệm trong việc cung cấp các suất ăn. Cụ thể, cần minh bạch dạng hình sản phẩm, quản lý chất lượng, không gian thị trường cạnh tranh giữa các đơn vị cung ứng….