Các doanh nghiệp ký biên bản cung cấp hàng hóa cho Lotte Mart tại hội nghị |
Khu vực miền Trung- Tây Nguyên với 15 tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 9,5- 11%. Cơ sở hạ tầng kinh tế từng bước hoàn thiện với 57 khu công nghiệp, 7 khu kinh tế, 4 cảng nước sâu, 166 cụm công nghiệp, 132 siêu thị, 21 trung tâm thương mại… đang là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư trong và ngoài nước. 9 tháng đầu năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 280.000 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2014; tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 402.687 tỷ đồng, tăng 16,7% so với năm 2014; kim ngạch xuất khẩu đạt 6.159 triệu USD, tập trung vào một số sản phẩm chủ yếu: Cà phê, hạt điều, dệt may, thủy sản, gỗ, điện tử, giày dép...; kim ngạch nhập khẩu đạt 3.493 triệu USD, tập trung vào máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, hóa chất, dược phẩm...
Những năm qua, các tỉnh, thành phố miền Trung- Tây Nguyên đã chủ động hỗ trợ, cung cấp, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của nhau. Bình Định, Gia Lai, Kon Tum, Đà Nẵng phối hợp với tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị giao thương giữa các doanh nghiệp (DN), qua đó đã có 31 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa DN các địa phương. Tỉnh Lâm Đồng tổ chức đưa 14 DN sản xuất nông sản giao thương với 30 nhà phân phối tại Đăk Lăk, có 7 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các DN của hai địa phương. Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc, tạo cơ hội giao thương giữa DN địa phương với DN TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Lâm Đồng đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, hỗ trợ DN mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu...
Bên cạnh giới thiệu, trao đổi sản phẩm, hội nghị đã tập trung tìm các giải pháp thúc đẩy hoạt động kết nối cung cầu giữa các địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế vùng. Trong đó, nhiều ý kiến đề xuất các Sở Công Thương cần chủ động phối hợp với nhau, tổ chức các kênh tiêu thụ, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ DN. Thêm vào đó, cần đẩy mạnh phối hợp giữa các sở, ngành của các địa phương về thông tin, định hướng cung cầu, hướng dẫn DN, cơ sở, hộ sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn đã được công nhận, xây dựng nhận diện thương hiệu...
Đại diện Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cho rằng, để công tác kết nối đạt hiệu quả cần có sự phối hợp thực hiện song song giữa chính quyền- hiệp hội- DN và Sở Công Thương. Trong đó, Sở Công Thương đóng vai trò nòng cốt, là cầu nối hữu hiệu trong việc nắm bắt thông tin và thường xuyên kết nối, tham gia các hoạt động xúc tiến do Bộ Công Thương và các địa phương tổ chức.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa khẳng định: Bộ Công Thương đã có nhiều hoạt động triển khai Chương trình Tuần nhận diện hàng Việt để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, DN về hàng Việt Nam, trong đó, đặc biệt chú trọng hoạt động kết nối cung cầu giữa các địa phương trong cả nước. Thông qua hội nghị, Bộ Công Thương mong muốn tạo được cơ hội gắn kết các nhà sản xuất với các nhà phân phối, kết nối các nhà sản xuất với nhau, có hiệu quả thiết thực, tạo sức lan tỏa tích cực.
Kết thúc hội nghị, các Sở Công Thương đã ký biên bản ghi nhớ về việc kết nối, hợp tác liên kết phát triển ngành theo vùng. Đặc biệt, có 22 biên bản ghi nhớ giữa các DN, trung tâm xúc tiến thương mại trong việc hợp tác, trao đổi hàng hóa, thông tin. |
TIN LIÊN QUAN | |
Tăng cường liên kết giữa nhà phân phối với doanh nghiệp sản xuất | |
Tăng cường liên kết cùng phát triển |