Thưa ông, ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng có tầm quan trọng như thế nào trong chính sách đối ngoại của Italy?
ASEAN là một khu vực kinh tế, địa chính trị rất quan trọng với Chính phủ Italy nói chung và cộng đồng doanh nghiệp Italy nói riêng.
Đối với chúng tôi, ASEAN là một đối tác quan trọng. Chúng ta có cơ hội lớn để hợp tác trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau từ may mặc, thời trang tới công cụ mới, từ công nghiệp thực phẩm đến cơ khí, cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải…
Mục tiêu chính sách lớn nhất của Italy trong 5 năm tới là kết nối cộng đồng EU và ASEAN để đạt được hiệp định thương mại toàn diện giữa hai bên, trong đó Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng. Thực tế, EU mới chỉ có hiệp định thương mại tự do với các nước đơn lẻ, và chưa từng có với một cộng đồng các quốc gia. Do đó, đây là một dự án đầy tham vọng.
Ông Enrico Letta - nguyên Thủ tướng Italy, Chủ tịch Hiệp hội Italy - ASEAN |
Tất nhiên, để đạt được những mục tiêu trên, chúng ta cần đi đến ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và chúng tôi cam kết mạnh mẽ sẽ đi đến cùng của tiến trình đàm phán, ký kết. Với Italy, ASEAN vẫn là ưu tiên hàng đầu và tôi chắc chắn rằng, trước khi kết thúc năm nay, hiệp định trên sẽ được ký kết. Việc tổ chức Hội nghị cấp cao Italy - ASEAN tại Hà Nội không chỉ bởi cuộc gặp song phương với Việt Nam mà còn do chúng tôi coi Hà Nội là một trong những thủ đô quan trọng nhất của ASEAN.
Ông đánh giá như thế nào về mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam - Italy?
Việt Nam và Italy có nhiều điểm tương đồng về mặt địa lý, diện tích. Bên cạnh đó, hai bên đang cùng đẩy mạnh thực thi chính sách đa phương. Đó là chính sách rất quan trọng và thiết yếu đối với cả hai nước. Nền kinh tế Italy và Việt Nam có rất nhiều điểm tương đồng, sẽ tạo thuận lợi, dễ dàng và nhanh chóng hơn cho các doanh nghiệp Italy.
Italy luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác chiến lược song phương giữa hai nước và mối quan hệ đa phương Italy - ASEAN, trong đó Việt Nam là cửa ngõ chiến lược của doanh nghiệp Italy tại khu vực Đông Nam Á.
Italy rất mong muốn có thể hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động của Liên hợp quốc. Việc trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 sẽ giúp Việt Nam nâng cao vị thế trên toàn thế giới, từ đó có được vai trò quan trọng trong Liên hợp quốc, cũng như vai trò lãnh đạo trong cộng đồng.
Trong hợp tác kinh tế, Việt Nam có thể làm gì để thu hút nhiều hơn nữa các doanh nghiệp Italy, thưa ông?
Có một thực tế là trong 20 năm qua, các công ty Italy đã có một mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc. Rất nhiều doanh nghiệp của Italy đã thành công ở Trung Quốc tính đến thời điểm này. Tuy nhiên, việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã loại bỏ tất cả các rào cản giữa ASEAN và EU. Đây là cơ hội lớn cho EU và các công ty đồng minh khi muốn lựa chọn đầu tư kinh doanh vào khu vực này.
Vì vậy mà chúng tôi cho ra đời Hiệp hội Italy - ASEAN, cố gắng thúc đẩy các doanh nghiệp Italy lựa chọn ASEAN như một điểm đến đầu tư tin cậy, hấp dẫn. Tại Việt Nam, Ariston Thermal là một ví dụ điển hình về sự thành công của đầu tư Italy. Thương hiệu đã trở nên nổi tiếng và rất phổ biến với người tiêu dùng Việt Nam. Thực tế, các doanh nghiệp Italy tại Việt Nam đã rất thành công cho đến thời điểm hiện tại. Những thành công của doanh nghiệp Italy là cách tốt nhất để thu hút nhiều hơn nữa doanh nghiệp Italy tới Việt Nam mở rộng hoạt động kinh doanh và đầu tư.
Xin cảm ơn ông!
Ngày 7/6, Việt Nam đã chính thức trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu 192/193. |