Huyện Kon Plông khởi sắc trong phát triển kinh tế - xã hội
Là một trong ba vùng kinh tế động lực của tỉnh Kon Tum, qua 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2020-2025), huyện Kon Plông đạt được những kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Từ quyết tâm chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ và cả hệ thống chính trị, triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ ngay từ đầu nhiệm kỳ.
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Kon Plông |
Chủ động trong chỉ đạo, điều hành
Đại hội Đảng bộ huyện Kon Plông lần thứ XIX đề ra 17 chỉ tiêu chủ yếu; trong đó, tập trung xây dựng Đảng bộ, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ và hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền; củng cố niềm tin của Nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc; huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế; tập trung thực hiện các lĩnh vực trọng tâm, đột phá về phát triển nông nghiệp, nông thôn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và mức sống của nhân dân.
Ông Đào Duy Khánh - tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy Kon Plông - cho biết, để nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, từ sau đại hội đến nay, huyện ủy đã xây dụng nhiều chương trình, kế hoạch, đề ra các giải pháp, phân công rõ trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên, nêu cao vai trò của bí thư cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị; phát huy tính tự giác, sáng tạo của cán bộ, đảng viên trong tổ chức thực hiện nghị quyết, mang lại hiệu quả rõ rệt, tích cực.
Diện mạo mới trên huyện vùng cao Kon Plông |
Có thể khẳng định, nét nổi bật trong thời gian qua là phương thức lãnh đạo của Đảng bộ huyện được đổi mới, linh hoạt theo hướng tăng cường phân công, giao nhiệm vụ, kiểm đếm đánh giá hằng kỳ; tăng tính chủ động của các cấp, ngành, đơn vị và từng cá nhân. Nhiệm vụ trọng tâm của từng năm được xác định cụ thể để tạo sự thống nhất trong chỉ đạo, thực hiện. Năm 2022 được xác định là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; đẩy mạnh thu hút đầu tư; nâng cao chất lượng cán bộ, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh”. Trên cơ sở đó, đơn vị, xã, thị trấn chủ động xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện phù hợp với thực tiễn ở từng lĩnh vực, từng địa phương nhằm thực hiện các nhiệm vụ đạt kết quả cao nhất. Hằng quý, huyện ủy tổ chức giao ban với đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận thôn, làng để kịp thời chỉ đạo, giải quyết những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở.
Những dấu ấn nổi bật
Theo Chánh Văn phòng huyện ủy Nguyễn Thanh Lợi, tốc độ tăng trưởng kinh tếtrong năm 2020, 2021 đạt 13,7%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/người/năm. Tổng giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm 2022 thực hiện 1.302 tỷ đồng, đạt 41,5% kế hoạch năm; thu ngân sách 262,125 tỷ đồng, đạt 78% dự toán. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 14,98% so với 56% năm 2002. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phát huy các lợi thế của địa phương như: phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch…
Điểm nhấn từ sau Đại hội Đảng bộ huyện đến nay là tăng cường thu hút đầu tư vào địa bàn. Riêng năm 2021, hỗ trợ cho 44 doanh nghiệp đến khảo sát, tìm hiệu cơ hội đầu tư vào địa bàn huyện, có 18 dự án được thống nhất chủ trương khảo sát lập dự án đầu tư, 11 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, nâng tổng số dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư là 83 dự án, với tổng diện tích 8.543 ha, vốn đăng ký đầu tư trên 29.233 tỷ đồng.
Thành tựu nổi bật là nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, phát triển các mô hình kinh tế, tăng thu nhập cho người. Đến nay, huyện có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mớigồm: Măng Cành, Pờ Ê và Đắk Tăng; các xã còn lại đạt từ 15 tiêu chí trở lên. Trong năm 2022, huyện tập trung xây dựng xã Ngọc Tem đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời, hỗ trợ các mô hình sinh kế để phát triển kinh tế hộ gia đình như: mô hình trồng và chế biến tinh dầu sả Java ở xã Đắk Nên, Đắk Ring và Ngọc Tem với tổng diện tích 30ha gắn với hình thành các hợp tác xã thu mua, chiết xuất tinh dầu sả; xây dựng các mô hình như: trồng dược liệu tại xã Đắk Tăng, phát triển đàn vịt Xiêm, nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum tại xã Đắk Tăng, nuôi cá Niêng ở xã Đắk Ring, hỗ trợ 5 xã: Pờ Ê, Măng Cành, Ngọc Tem, Đắk Nên, Đắk Ring làm vườn ươm cây giống, trồng rừng, trồng dược liệu theo mô hình kết hợp rừng - rẫy - ruộng.
Nuôi dê sữa công nghệ cao tại Kon Plông |
Cùng với đó, năm 2021, huyện đã trồng mới, khoanh nuôi được hơn 600ha cây dược liệu như: đảng sâm, đương quy tại các xã vùng lạnh như: Măng Bút, Đắk Tăng, Măng Cành, Hiếu, Pờ Ê và thị trấn Măng Đen, nâng tổng số diện tích dược liệu trên địa bàn huyện là 752ha. Trồng mới 142ha cây keo lai, keo lá tràm, cây sa nhân dưới tán rừng thuộc các xã: Đắk Ring, Đắk Nên, Ngọc Tem và Pờ Ê. Thí điểm trồng một số loại cây ăn quả như nhãn, vải, cam, bưởi; phát triển đàn bò theo hướng gia trại, trang trại, chú trọng lai tạo nâng cao thể trạng đàn bò; tiếp tục phát triển đàn heo địa phương.
Với lợi thế của vùng khí hậu ôn đới quanh năm mát mẻ, Kon Plông đã có nhiều giải pháp trong việc quy hoạch, đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư phát triển các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, rau - hoa - quả xứ lạnh và các loại dược liệu gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen, cơ sở đầu tàu trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của huyện đã nghiên cứu, sản xuất khảo nghiệm hơn 30 giống cây trồng các loại. Qua đó đã khẳng định được khoảng 25 dòng phù hợp với điều kiện thời tiết và nhu cầu thị hiếu của thị trường. Trong đó có một số sản phẩm chuyên biệt, đặc hữu của Măng Đen, nhất là các loại rau, củ, quả có giá trị dinh dưỡng cao được thị trường ưa chuộng.
Huyện Kon Plông chủ động kết nối liên kết du lịch với nông nghiệp công nghệ cao với các huyện trong tỉnh Kon Tum |
Ngoài việc nghiên cứu, khảo nghiệm, xây dựng quy trình các loại cây trồng phù hợp, với diện tích 170ha, đến nay, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen đã được đầu tư gần 40 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng nhà kính, nhà lưới, điện nước, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp trẻ đến khởi nghiệp. Hiện đã có 4 doanh nghiệp đến đầu tư phát triển các mô hình rau, hoa, quả xứ lạnh trên diện tích gần 100ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 150 tỷ đồng. Hầu hết các loại cây trồng đều mang lại năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao.
Ngoài Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen, Kon Plông đã quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ caovới quy mô 3.000ha và sẽ tiếp tục phát triển lên trên 10.000ha trong những năm tới, trở thành vùng sản xuất trọng điểm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và vùng dược liệu lớn của tỉnh Kon Tum. Đến nay, huyện đã thu hút 60 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các dự án chăn nuôi quy mô lớn, với trên 300ha rau, hoa, quả xứ lạnh và hơn 150ha cây dược liệu; trong đó các dự án với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, làm thay đổi đáng kể diện mạo nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Là vùng đất được ví như “Đà Lạt thứ 2” nên Kon Plông đặc biệt quan tâm phát huy tiềm năng, lợi thế về du lịch. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 16 điểm du lịch, trong đó có 6 điểm du lịch đặc trưng là: Ê Ban Farm, Thiện Mỹ Farm, Hồ Đam Bri, làng du lịch cộng đồng Kon Pring, thác Pa Sỹ và điểm du lịch Vang Sim Măng Đen. Tích cực hoàn thiện các điểm du lịch mới như: khu Đức Mẹ Măng Đen, khu sinh thái Hoàng Vũ Măng Đen, hồ Toong Rpoong và các điểm du lịch sinh thái. Triển khai thực hiện Đề án đầu tư, tôn tạo, bảo tồn và phát triển làng Văn hóa - du lịch cộng đồng dân tộc thiểu số huyện Kon Plông. Đến nay, huyện có 41 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch với 504 phòng, bảo đảm phục vụ cho khoảng 1.500 khách lưu trú, nghỉ dưỡng mỗi ngày. Năm 2021, thu hút 79.500 lượt khách du lịch đến địa bàn, doanh thu 20 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, Kon Plông thu hút 104.000 lượt khách, doanh thu khoảng 35 tỷ đồng.
Bí thư huyện ủy Đào Duy Khánh tâm sự, với quyết tâm, ý chí, khát vọng vươn lên, Đảng bộ và đồng bào các dân tộc huyện Kon Plông tiếp tục khơi thông mọi nguồn lực, nhất định vượt qua mọi khó khăn, thách thức, triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá, thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng vùng kinh tế động lực phát triển nhanh, bền vững./.